Kiểm toán Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ cuối - KTNN kiến nghị nâng cao hiệu quả Dự án

(BKTO) - Từ kết quả kiểm toán Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (Dự án), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị các đơn vị liên quan xử lý, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý và thực hiện Dự án. Đặc biệt, KTNN đã đưa ra những kiến nghị, ý kiến tư vấn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư Dự án, hạn chế những tác động xấu từ hoạt động của Nhà máy đến môi trường.



Xây dựng phương ánphát điện phù hợp

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, bên cạnh những ảnh hưởng của việc chậm đưa 2 tổ máy vào khai thác do chậm tiến độ thi công, việc huy động với công suất thấp và thường xuyên dự phòng tổ máy (chỉ được huy động 71,3% số giờ vận hành của tổ máy theo quy định) trong khi Nhà máy vẫn phải trả lãi suất vay, khấu hao, trả lương đội ngũ vận hành sửa chữa… dẫn đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của Nhà máy chỉ đạt lợi nhuận trước thuế là 399 tỷ đồng, thấp hơn so với lợi nhuận Dự án đề ra khoảng 170 tỷ đồng.

Từ thực tế này, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên - Tổng Công ty Phát điện 3 - Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1, xây dựng phương án phát điện hằng năm phù hợp với công suất thực tế của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, nhằm tránh việc sản xuất lượng phát điện thấp, thường xuyên dự phòng 1 tổ máy làm ảnh hưởng đến hiệu quả Dự án.
Cũng theo kết quả kiểm toán, việc tính chi phí các hạng mục dùng chung của Trung tâm Điện lực Mông Dương với tổng giá trị 1.704,6 tỷ đồng (trong đó dự kiến phân bổ cho Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 là 857,3 tỷ đồng, theo tỷ lệ 50%) cho Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 đã phản ánh không đúng chi phí đầu tư của Dự án. Vì vậy, KTNN kiến nghị EVN hướng dẫn các đơn vị theo dõi và hạch toán riêng phần chi phí đầu tư cho Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 khi tham gia thị trường điện để đảm bảo tính đúng, đủ giá thành và đảm bảo tính cạnh tranh giá điện.

Giảm thiểu tác động xấuđến môi trường

Như đã thông tin trong các kỳ trước, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 sử dụng công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi tuần hoàn - là công nghệ tương đối hiện đại trên thế giới và phù hợp với điều kiện thực tế đầu tư Dự án do tận dụng được nguồn than chất lượng thấp tại địa bàn. Tuy nhiên, theo đơn vị Tư vấn thẩm tra Dự án, “thạch cao thu được từ quá trình hấp thu SO2 ở lò hơi đốt lớp sôi tuần hoàn nằm lẫn trong tro xỉ nên không tách riêng ra được và không có giá trị thương phẩm. Tro xỉ thải ra từ lò đốt lớp sôi tuần hoàn có lẫn thạch cao và CaO nên hiện nay vẫn chưa sử dụng để sản xuất xi măng”. Thực tế, tro xỉ của Nhà máy được chuyển ra bãi thải theo phương pháp thải ướt và chưa được tái sử dụng cho các ngành công nghiệp khác như thuyết minh Dự án đề xuất.

Mặt khác, theo Báo cáo kiểm toán, công tác đánh giá tác động môi trường của Dự án được thực hiện đúng trình tự, yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 08/2006-BTNMT ngày 08/9/2006 hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động đến môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai Dự án còn một số hạn chế.

Cụ thể, việc xây dựng bãi thải xỉ chưa đáp ứng yêu cầu nội dung đánh giá tác động môi trường, mới chỉ đầu tư 1 bãi thải xỉ so với yêu cầu 2 bãi thải xỉ và quy mô bãi thải xỉ số 1 cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Dự án lựa chọn phương án thải xỉ ướt để đảm bảo yêu cầu về môi trường, tuy nhiên, kết quả kiểm toán chỉ ra bãi thải xỉ không tiến hành cho ngập nước trên bề mặt xỉ thải theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án cũng chưa có phương án dùng xỉ thải làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Từ những bất cập trên, KTNN đã kiến nghị Tổng Công ty Phát điện 3 hoàn tất các thủ tục có liên quan trình Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt địa điểm và quy mô bãi thải xỉ giai đoạn 2 nhằm giảm thiểu và tránh các nguy cơ tác động xấu đến môi trường trong quá trình vận hành Dự án.

Tổng Công ty Phát điện 3 cần khẩn trương thực hiện việc lập và trình EVN duyệt phương án xây dựng, xử lý bãi thải xỉ theo quy định của Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch của đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, cần phối hợp với các tổ chức và các nhà nghiên cứu khoa học có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng tro xỉ thải của Nhà máy để sử dụng làm vật liệu xây dựng khác như đề xuất khi trình phê duyệt Dự án đầu tư.
         
Qua kết quả kiểm toán Dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 1.165,2 tỷ đồng; trong đó, thu hồi nộp chủ đầu tư hơn 2,926 tỷ đồng, giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 6,306 tỷ đồng, xử lý khác 1.155,9 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị các đơn vị liên quan (EVN, Tổng Công ty Phát điện 3, Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1) nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân còn để xảy ra sai sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt: dự án đầu tư; công tác thiết kế, dự toán; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; công tác nghiệm thu thanh toán; quản lý chi phí đầu tư; quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng.

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ cuối - KTNN kiến nghị nâng cao hiệu quả Dự án