Kiểm toán hoạt động chuyển giá trong nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam

(BKTO) - Chống chuyển giá đã được các cơ quan chức năng nhà nước xem như một vấn đề nổi cộm cần được ưu tiên, trong đó, kiểm toán hoạt động chuyển giá chính là một cách thức hữu hiệu và không thể thiếu để phát hiện và quy kết, xử lý hoạt động chuyển giá.



Tại sao phải kiểm toánhoạt động chuyển giá?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các công ty xuyên quốc gia ngày càng gia tăng về số lượng, phạm vi và mức độ hoạt động. Các công ty con hoạt động ở các quốc gia khác nhau về thuế suất nên dễ có xu hướng định giá chuyển giao theo cách tăng lợi nhuận ở các công ty con có thuế suất thấp và giảm lợi nhuận ở công ty con có thuế suất cao, tổng thuế phải nộp của toàn tập đoàn do đó sẽ giảm bớt. Ngoài ra, giá chuyển giao có thể được xác định theo cách làm tăng tài sản cho công ty mẹ, hoặc tăng lợi nhuận cho công ty mẹ... tuỳ theo sự điều tiết của tập đoàn.

Hoạt động chuyển giá có thể áp dụng đối với nhiều loại giao dịch, như: mua nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thuê chuyên gia, thuê tư vấn, bán sản phẩm... trong nội bộ DN hay tập đoàn. Hoạt động này có thể làm sai lệch thông tin về doanh thu, chi phí, kết quả hoạt động và nghĩa vụ nộp thuế của DN trên báo cáo tài chính (BCTC), đồng thời gây ảnh hưởng đến cân đối xuất nhập khẩu cũng như cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái.

PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa

Đối với Việt Nam, hoạt động chuyển giá được nhận định là tồn tại nhiều ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gây ra những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng: 50% DN FDI cả nước khai báo lỗ, nhiều DN kê khai lỗ liên tiếp 3 năm, thậm chí có những DN tên tuổi liên tục báo lỗ qua nhiều năm mà vẫn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động.

Bên cạnh hoạt động chuyển giá của DN FDI, chuyển giá trong nội bộ DN Việt Nam cũng đã xuất hiện. Khi các đơn vị thành viên của DN Việt Nam có mức thuế suất khác nhau (do các đơn vị này hoạt động ở các địa phương khác nhau, ngành nghề khác nhau và có đơn vị được ưu đãi về thuế), hoạt động chuyển giá có thể được thực hiện theo cách xác định giá chuyển giao sao cho tăng thuế phải nộp ở đơn vị chịu thuế suất thấp và giảm thuế phải nộp ở đơn vị chịu thuế suất cao; từ đó làm giảm tổng số thuế phải nộp của toàn DN. Tuy nhiên, hình thức này mới xuất hiện, quy mô trốn thuế còn nhỏ, nên chưa nghiêm trọng như chuyển giá ở DN FDI.

Qua các hoạt động xác minh và bày tỏ ý kiến của các kiểm toán viên có trình độ chuyên môn, việc kiểm toán đối với những giao dịch có dấu hiệu chuyển giá sẽ đánh giá tốt tính đúng đắn của giá trị trong các giao dịch, từ đó phát hiện và góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hành vi chuyển giá. Kiểm toán hoạt động chuyển giá có thể thực hiện theo hai cách: một là kiểm toán hoạt động (hay kiểm toán chuyên đề) thực hiện riêng một cuộc kiểm toán với đối tượng là hoạt động có dấu hiệu chuyển giá, nhằm quy kết hành vi gian lận; hai là kiểm toán giao dịch phát sinh với bên có quan hệ liên kết trong kiểm toán BCTC. Trong hình thức thứ hai, chủ thể kiểm toán là kiểm toán độc lập; trong hình thức thứ nhất, chủ thể kiểm toán có thể là kiểm toán độc lập hay KTNN.

Trên thế giới, kiểm toán hoạt động chuyển giá đã được thực hiện theo cả hai cách trên. Mặc dù vậy, các phát hiện về kiểm toán chuyển giá trong kiểm toán BCTC rất ít được công bố, do kiểm toán độc lập thường chỉ tư vấn cho nhà quản lý về các phát hiện kiểm toán. Ngược lại, kiểm toán chuyển giá theo chuyên đề được giới thiệu khá cụ thể tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Thực trạng kiểm toánchuyển giá tại Việt Nam

Ở Việt Nam, kiểm toán đối với giao dịch có dấu hiệu chuyển giá được thực hiện bởi cơ quan thuế (theo hình thức thanh tra giá chuyển giao) và thực hiện trong kiểm toán BCTC hằng năm của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do kiểm toán độc lập và cơ quan KTNN thực hiện. Theo quy định của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ban hành ngày 30/3/2004 và Luật Kiểm toán độc lập ban hành ngày 29/3/2011, BCTC của DN FDI hằng năm phải được công ty kiểm toán độc lập kiểm toán. Các giao dịch với bên liên kết được phản ánh trong hệ thống kế toán và BCTC của đơn vị nên thuộc phạm vi của đối tượng kiểm toán, đặc biệt nếu các giao dịch này có giá trị lớn. Trường hợp DNNN góp vốn liên doanh với nước ngoài thì DN này cũng có thể được cơ quan KTNN kiểm toán. Các giao dịch nội bộ phát sinh trong năm được hạch toán trong BCTC, do đó thuộc đối tượng cụ thể của kiểm toán tài chính.

Trên thực tế, các công ty kiểm toán ở Việt Nam khi kiểm toán BCTC của DN chủ yếu chỉ thực hiện kiểm toán chứng từ với các giao dịch nội bộ này và đưa ra ý kiến chấp nhận nếu thấy đầy đủ chứng từ và khớp đúng số liệu. Các biện pháp kiểm toán ngoài chứng từ (như kiểm tra giá thị trường có khả năng so sánh, sử dụng giá của giao dịch độc lập) ít được thực hiện do phức tạp và tốn thời gian, trong khi người đọc BCTC cũng chưa quan tâm thích đáng đến các giao dịch chuyển giá. Do các giao dịch nội bộ thường được các bên mua và bán nhất trí với nhau nên các biện pháp kiểm toán chứng từ và lấy xác nhận ở bên thứ ba của kiểm toán viên sẽ không phát huy tác dụng. Gần đây, do áp lực xã hội đối với hoạt động chuyển giá của DN FDI ở Việt Nam ngày càng gia tăng, các công ty kiểm toán độc lập như Deloitte Việt Nam đã thận trọng hơn đối với các giao dịch có dấu hiệu chuyển giá bằng cách đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với nhóm giao dịch có dấu hiện chuyển giá. Ý kiến ngoại trừ có tác dụng giảm thiểu trách nhiệm pháp lý của công ty kiểm toán, giúp người đọc BCTC không bị hiểu nhầm về độ tin cậy chưa được xác minh của thông tin về các giao dịch với bên có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, ở mức độ cao hơn, người đọc có thể kỳ vọng kiểm toán viên đưa ra kết luận rõ ràng (chấp nhận hay không chấp nhận) đối với các giao dịch với bên có quan hệ kinh tế này.

Kiểm toán riêng hoạt động chuyển giá hiện chỉ được thực hiện bởi cơ quan thuế; kiểm toán độc lập và KTNN hầu như chưa thực hiện loại hình này. Tổng cục Thuế đã kết hợp với Cục Thuế TP. HCM, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai… (là những nơi có nhiều DN FDI hoạt động) để xác minh các nghi vấn chuyển giá. Tuy mới được thực hiện trong những năm gần đây và còn rất hạn chế ở phạm vi, giá trị thuế truy thu từ hành vi chuyển giá cũng đã rất ấn tượng. (Còn tiếp)

PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Đại học Kinh tế quốc dân
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán hoạt động chuyển giá trong nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam