Kiểm toán môi trường tại Việt Nam cần được thực hiện trên tất cả các loại hình kiểm toán



Thực trạng kiểm toán môi trường tại Việt Nam

Hiện nay, mặc dù vi phạm về môi trường của DN, như: gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất đã diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp, tuy nhiên, lĩnh vực này mới chỉ có KTNN thực hiện kiểm toán, chưa thấy vai trò của kiểm toán độc lập. Nguyên nhân là do Luật Kiểm toán độc lập mới chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của kiểm toán độc lập đối với việc đánh giá tính tuân thủ về tài chính của đơn vị được kiểm toán.

         
   
PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
   
Hoạt động của kiểm toán nội bộ cũng chỉ tập trung vào đánh giá tính tuân thủ về tài chính, hầu như chưa thực hiện đối với quy định về môi trường, kể cả tại các đơn vị có hoạt động ảnh hưởng mạnh tới môi trường như: Tập đoàn Than và Khoáng sản (VINACOMIN), Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất…

KTNN thực hiện kiểm toán có yếu tố môi trường chủ yếu theo cách thức lồng ghép trong cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán tại cuộc kiểm toán tiền, tài sản và NSNN; kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; kiểm toán hoạt động xử lý nước thải ở khu công nghiệp…

Như vậy, có thể thấy kiểm toán môi trường (KTMT) nhằm đánh giá sự tuân thủ quy định về môi trường cũng như tính kinh tế, hiệu quả, hiệu năng của chương trình hay chính sách, chủ trương về môi trường còn hạn chế. Việc phát hiện những vi phạm về môi trường chủ yếu do thanh tra môi trường thực hiện. Tuy nhiên, thanh tra môi trường cũng chỉ xác minh việc vi phạm quy định về môi trường theo vụ việc, trên cơ sở các tố cáo, khiếu nại… Việc kiểm tra sự phù hợp, thích đáng của thiết kế chính sách môi trường, chương trình dự án về môi trường không thuộc phạm vi của thanh tra môi trường. Do đó, Việt Nam cần tăng cường hoạt động kiểm toán để lĩnh vực môi trường hạn chế các tác động tiêu cực.

Cần tăng cường kiểm toánmôi trường

Cần tăng cường nghĩa vụ của kiểm toán viên (KTV) đối với khía cạnh môi trường khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của DN và các thực thể kinh tế. Để làm được điều này, cần có cơ chế quy định rõ trách nhiệm của kiểm toán viên là đánh giá tính trung thực và đáng tin cậy của thông tin tài chính so với các quy định pháp lý có liên quan đến đơn vị được kiểm toán, bao gồm quy định về lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…, thay vì chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của KTV trong việc đánh giá độ tin cậy của thông tin về tài chính kế toán tại Luật Kiểm toán độc lập.

Trong trường hợp phát hiện đơn vị được kiểm toán vi phạm quy định về môi trường (dù tuân thủ quy định về tài chính kế toán), KTV cần đánh giá mức độ tác động của việc vi phạm đến chất lượng thông tin tài chính, nếu ảnh hưởng là trọng yếu thì KTV cần đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần kèm theo giải thích về sự vi phạm môi trường và ảnh hưởng của sự vi phạm này đến thông tin tài chính được khai báo.

Đây là giải pháp có thể vấp phải sự phản ứng từ các DN kiểm toán độc lập vì sẽ làm gia tăng trách nhiệm nghề nghiệp cho họ. Tuy nhiên, xét từ nhu cầu quản lý nhà nước về phát triển bền vững và tính khả thi từ hoạt động kiểm toán, giải pháp này nên được thực hiện ngay trong ngắn hạn. Bởi lẽ, các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính với DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài dù được thực hiện hằng năm nhưng những vi phạm về môi trường có tính chất nghiêm trọng như tại Công ty Bột ngọt Vedan, Sonadezi Đồng Nai vẫn tồn tại và không bị báo cáo sau khi kiểm toán.

Cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán nội bộ đối với vấn đề môi trường của một số DN lớn hoạt động trong lĩnh vực có ảnh hưởng mạnh đến môi trường như: hoá chất, dệt nhuộm, dược phẩm, khai thác tài nguyên, lọc dầu và sản xuất gas… Mặc dù kiểm toán nội bộ đã hình thành trong các tập đoàn lớn như VINACOMIN nhưng KTMT vẫn chưa được thực hiện bởi bộ phận này. Để tăng cường kiểm toán nội bộ đối với vấn đề môi trường, nên quy định rõ tại các văn bản pháp lý về kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nội bộ thực hiện KTMT sẽ phù hợp và có tính khả thi vì KTV nội bộ thường am hiểu về hoạt động của đơn vị, do đó có thể biết rõ về những tác động đến môi trường và cách đánh giá các tác động đến môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Đối với KTNN, các cuộc KTMT nên được kết hợp với cơ quan KTNN của các quốc gia có liên quan và có kinh nghiệm như các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Cách làm này sẽ giúp khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực và kinh nghiệm, cũng như kỹ thuật kiểm toán. Việc kiểm toán đối với Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng cần mở rộng để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu năng của quản lý nhà nước về môi trường, thay vì chỉ đánh giá sự chấp hành dự toán. Nội dung kiểm toán cần mở rộng để đánh giá công tác quản lý và cấp phép khai thác tài nguyên. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng khi các thảo luận cho rằng khai thác khoáng sản trái phép và không phép xảy ra khá công khai; việc cấp phép thăm dò khai thác tài nguyên ngoài vùng quy hoạch sai thẩm quyền; khai thác vượt công suất theo giấy phép; đơn vị được khai thác không lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường, không nộp tiền thuê đất và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên…

Do hoạt động kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài nguyên là nội dung lớn, từ chính sách nhà nước đến hiệu năng quản lý cũng như phạm vi kiểm toán rộng nên KTNN có thể thực hiện riêng trong cuộc kiểm toán hoạt động.

KTMT cần được thực hiện đối với tài nguyên đất, nước, không khí, hệ sinh thái động, thực vật… Những vấn đề dù rất mới ở Việt Nam nhưng cần phải định hình để thực hiện kiểm toán bởi những tác động của nó đến môi trường đã có lúc ở mức cảnh báo.

Để thực hiện những nội dung nói trên, KTNN nên tăng cường sự hợp tác với các thành viên của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật kiểm toán và đánh giá, cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự thực hiện kiểm toán.

Khó khăn lớn khi thực hiện KTMT là đánh giá được các tác động đến môi trường trong cả ngắn và dài hạn, theo thước đo tiền tệ và thước đo phi tiền tệ. KTNN Việt Nam đã là thành viên của WGEA từ năm 2007 nên sự cộng tác trong thực hiện KTMT là hoàn toàn khả thi.

Cùng với đó, đội ngũ KTV nhà nước cần được bổ sung chuyên gia về môi trường. Do KTMT là nội dung lớn nên việc duy trì chuyên gia môi trường là rất cần thiết, hoặc KTNN có thể gửi KTV đi đào tạo kiến thức về môi trường cũng như đánh giá tác động môi trường.

Để phát huy tác dụng của các phát hiện kiểm toán về môi trường, cần làm tốt công tác truyền thông và tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm bị phát hiện. Các chế tài xử phạt cần theo nguyên tắc mức phạt phải lớn hơn lợi ích mà các đơn vị đạt được từ hành vi vi phạm quy định về môi trường. Do đó, cần bổ sung và hoàn thiện chế tài xử phạt đối với các hình thức vi phạm. Những phát hiện về vi phạm môi trường nghiêm trọng cũng cần được công khai trên phương tiện truyền thông để tạo nên sức ép công luận đối với hành vi sai trái.

PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán môi trường tại Việt Nam cần được thực hiện trên tất cả các loại hình kiểm toán