Quang cảnh buổi làm việc- Ảnh: Hoài Thanh (TTXVN) |
Thay mặt UNDP, Ông Haoliang Xu, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương bày tỏ vui mừng và hân hạnh khi được chào đón và làm việc với KTNN Việt Nam; đồng thời chúc mừng những thành tựu mà KTNN Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua. Ông Haoliang Xu cho rằng, cơ quan kiểm toán tối cao đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của khu vực công tại các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, giúp nền kinh tế phát triển và tăng cường niềm tin của công chúng với chính quyền.
Ông Hao Liang Xu (giữa), Trợ lý Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP tại buổi làm việc - Ảnh: Hoài Thanh (TTXVN) |
Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP cho KTNN Việt Nam thông qua Dự án VIE/02/008-KTNN trong giai đoạn 2003-2010, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Dự án đã giúp KTNN Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện và tăng cường khung pháp lý quy định hoạt động của KTNN, hỗ trợ KTNN ban hành được nhiều tài liệu, văn bản quan trọng.
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, với tư cách là Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN sẽ dẫn dắt ASOSAI hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội ASOSAI 14 về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”; KTNN cũng đã xây dựng Website Chủ tịchASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 tạodiễn đàn trực tuyến để các SAI thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các lĩnh vực khác.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, KTNN Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán SDG, cụ thể là tại Hội nghị giữa những người đứng đầu KTNN Việt Nam - Lào - Campuchia về kiểm toán công tác chuẩn bị của chính phủ đối với việc thực hiện SDG, đăng cai hội thảo chia sẻ kiến thức về kiểm toán SDG của ASEANSAI năm 2020, tham gia hoạt động tương tự trong khuôn khổ ASEANSAI trong năm tiếp theo. Ở cấp độ quốc gia, KTNN đã xác định vai trò, trách nhiệm của cơ quan trong việc tăng cường kiểm toán các nội dung liên quan đến SDG và đang nỗ lực để thực hiện các nội dung này.
Tại buổi làm việc, các đại diện đến từ UNDP gồm bà Laurel Patterson - Giám đốc triển khai việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; ông Andrew Hudson - Trưởng nhóm thực hiện chương trình quản lý nguồn nước và đại dương; ông Surge Kerto - Chuyên gia phát triển dữ liệu của Liên hợp quốc đã lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích với KTNN Việt Nam về kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT và đặc biệt là kiểm toán SDG để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ hy vọng UNDP sẽ dành nhiều hỗ trợ hơn nữa cho KTNN trong chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán SDG, tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo về kiểm toán SDG trong khu vực ASOSAI và ASEANSAI; đào tạo và tập huấn về kiểm toán SDG; thực hiện các cuộc kiểm toán phối hợp và đánh giá chéo giữa KTNN với các SAI khác trong lĩnh vực liên quan đến SDG và xây dựng các tài liệu hướng dẫn việc thực hiện kiểm toán SDG.
UNDP được thành lập năm 1965, là mạng lưới phát triển toàn cầu của Liên hợp quốc, chủ trương thay đổi và kết nối các quốc gia với kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực để giúp người dân có một cuộc sống tốt hơn. UNDP hoạt động tại khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp đạt được các mục tiêu giảm nghèo, giảm bất công và phân biệt, giúp các quốc gia xây dựng chính sách, kỹ năng lãnh đạo, năng lực hợp tác, năng lực thể chế và khả năng chống chọi nhằm bền vững hóa các mục tiêu phát triển.
Đặt trụ sở chính tại thành phố New York, vốn của UNDP chủ yếu là nguồn đóng góp tự nguyện của các nước thành viên. UNDP khuyến khích bảo vệ nhân quyền và trao quyền cho phụ nữ, dân tộc thiểu số và những người nghèo, những người dễ bị tổn thương. UNDP đã có đóng góp quan trọng vào việc lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã xóa được tình trạng nghèo cùng cực.
Việt Nam ký Hiệp định hợp tác với UNDP năm 1978 và UNDP cũng bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ tại Việt Nam từ năm đó. Đến nay, UNDP đã thực hiện 6 chương trình viện trợ cho Việt Nam với tổng số vốn khoảng 430 triệu USD. Nhìn chung, các chương trình viện trợ của UNDP cho Việt Nam được đánh giá là thực hiện tốt, có hiệu quả. UNDP coi Việt Nam là một điển hình trong quan hệ hợp tác giữa UNDP với các nước.
Ngọc Quỳnh - Lan Phương