Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia Khalid Khan Bin Abdullah Khan chia sẻ kinh nghiệm tại Đại hội ASOSAI 14-Ảnh: T.TÙNG
Kiểm toán môi trường là mục tiêu ưu tiên
Khái niệm phát triển bền vững được biết đến đơn giản là tính cân bằng giữa ba yếu tố: phát triển, kinh tế và môi trường, hay nói cách khác là bảo tồn môi trường sống song song với duy trì tốc độ phát triển kinh tế một cách bền vững. Vào năm 2018, NAD đã phát hành một bản báo cáo đặc biệt trong đó thể hiện tầm nhìn về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của NAD. Báo cáo đặc biệt nêu bật cam kết của Chính phủ Malaysia trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các cam kết quốc tế trong bảo tồn môi trường; những kinh nghiệm của NAD trong tiến hành kiểm toán môi trường xét về vai trò, chuẩn mực và chỉ dẫn, công cụ và chủ đề kiểm toán cũng như các thực hành kiểm toán hoạt động và sự tham gia của NAD trong các vấn đề quốc tế về môi trường.
Theo Luật KTNN Malaysia 1957, NAD được giao nhiệm vụ tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động, bao gồm kiểm toán các vấn đề liên quan đến môi trường nhằm mục tiêu đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu quả và hiệu lực của các chương trình, hoạt động của các Bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ Malaysia.
Với tầm nhìn tăng cường hoạt động kiểm toán môi trường, vào năm 2008, NAD đã thành lập Ban Kiểm toán môi trường và trong vòng 10 năm qua, NAD đã tiến hành hơn 50 cuộc kiểm toán về các vấn đề môi trường ở cấp liên bang và tiểu bang. Các cuộc kiểm toán môi trường của NAD được thực hiện theo các chỉ dẫn về kiểm toán môi trường trong Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAIs), các chỉ dẫn của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA) và các chỉ dẫn kiểm toán nội bộ của NAD.
Nhiều giải phápnâng cao hiệu quảkiểm toán môi trường
Từ năm 2013, NAD đã ban hành 13 chỉ dẫn nhằm hỗ trợ các kiểm toán viên môi trường, trong đó bao gồm các chỉ dẫn về kiểm toán quản lý nguồn nước, lũ lụt, đê đập, song ngòi, xói mòn bờ biển, thoát nước đô thị… Đồng thời, NAD đã tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để tiến hành lấy mẫu và phân tích trong các cuộc kiểm toán môi trường. Cũng phục vụ cho mục đích này, trước đó, ngày 03/8/2012, NAD đã ký một Biên bản ghi nhớ với Cơ quan Công nghệ viễn thám Malaysia (MRSA) để thực hiện việc chuyển giao công nghệ và chuyên môn. Các chủ đề kiểm toán môi trường của NAD chủ yếu tập trung vào quản lý tác động môi trường, quản lý rác thải, quản lý rừng, thủy sinh, quản lý ô nhiễm, công nghệ xanh…
Ngoài ra, vào năm 2018, NAD đã ký kết một Biên bản ghi nhớ với KTNN Indonesia để thực hiện các cuộc kiểm toán song song về môi trường, bao gồm các chủ đề như: Kiểm toán quản lý rừng ngập mặn dọc bờ biển Malacca, Kiểm toán thủy sản, Kiểm toán lập kế hoạch sử dụng đất, Kiểm toán giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Kiểm toán rừng trồng cọ dầu… Hiện nay, hai cơ quan kiểm toán đang tiến hành nghiên cứu song song về tính sẵn sàng thực hiện SDGs cho giai đoạn 2018-2019.
Trong ASOSAI, NAD là một trong những cơ quan kiểm toán tham gia rất tích cực vào các hoạt động của WGEA. Tại các hội thảo trên diễn đàn quốc tế, NAD đã mang đến nhiều tham luận, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho các SAI bạn. Vào năm 2017, NAD đã tham gia vào Nhóm công tác của Chương trình phát triển năng lực (IDI) về Kiểm toán hoạt động trong thực hiện SDGs tổ chức tại Jaipur, Ấn Độ. Ngoài ra, trong năm 2018, NAD cũng tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức về SDGs của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) diễn ra tại Jakarta (Indonesia) nhằm nâng cao kỹ năng kiểm toán.
NGỌC QUỲNH- Theo NAD và ASOSAI
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)