Kiểm toán Nhà nước cần mở rộng hơn phạm vi hoạt động, tạo ra một thể chế độc lập trong phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Làm sao để phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về môi trường? Để kiểm soát môi trường, hoạt động kiểm toán môi trường tập trung vào những vấn đề nào?... Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ - chuyên gia Kinh tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh chủ đề hấp dẫn này.



♦Thưa ông, năm 2019 đã khép lại, năm 2020 vừa mở ra với nhiều thời cơ và thách thức mới cho nền kinh tế. Nhìn lại bức tranh kinh tế - xã hội trong năm vừa qua, ông có cảm nhận, suy nghĩ như thế nào?

         

   GS. Đặng Hùng Võ
- Thời gian qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn giữ được nền kinh tế vĩ mô ổn định. Điều đó chứng tỏ, sự phát triển của kinh tế Việt Nam đang tạo ra những bước đi khá tốt, khắc phục được một số nhược điểm của giai đoạn trước, chẳng hạn nợ công đã giảm và được kiểm soát.

Tuy nhiên, để thoát bẫy thu nhập trung bình, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam muốn phát triển, cần phải dựa vào 3 trụ cột chính: nâng cao hiệu suất, năng suất lao động; đảm bảo bình đẳng về mặt xã hội; thực hiện quản trị tốt.

Nhìn lại năm 2019, mặc dù năng suất, hiệu suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện song chúng ta vẫn thua nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chúng ta đã cố gắng rất nhiều trong việc tạo ra công bằng xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện chống tham nhũng hay mục tiêu không để người nghèo bị tụt lại phía sau... mặc dù được đặt ra rất đúng hướng nhưng việc triển khai chưa được như mong muốn. Mặt khác, chúng ta đã quan tâm nhiều đến việc tham gia của người dân vào giám sát, thực hiện công khai minh bạch, quyền tiếp cận thông tin rộng rãi hơn, giải trình của các cơ quan nhà nước… Mặc dù công tác này đã có nhiều tiến bộ nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện quản trị tốt trong toàn xã hội. Tôi cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là Việt Nam phải trở thành nước có thu nhập cao và bước ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Các tổ chức quốc tế đã dự báo, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ tốt hơn năm 2019 rất nhiều. Tình hình kinh tế thế giới với nhiều biến động, đặc biệt, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang tạo một bối cảnh thuận lợi cho Việt Nam, chẳng hạn việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, đưa thị trường Việt Nam trở thành thị trường mang tính khu vực và quốc tế. Tôi cho rằng, để có được những bước đi mang tính đột phá hơn nữa, chúng ta phải tận dụng được các cơ hội thuận lợi, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn.

♦Những năm qua, đã có nhiều tranh luận trái chiều xung quanh vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hiện có 2 xu hướng về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Xu hướng thứ nhất là hữu khuynh, tức phát triển kinh tế mà không quan tâm đến môi trường, hay nói cách khác, quan tâm đến môi trường một cách hình thức. Rất nhiều nhà đầu tư tư nhân đang lợi dụng xu hướng này và tôi vẫn gọi là tham nhũng môi trường. Tôi cho rằng, môi trường hiện nay đang tạo ra kẽ hở cho tham nhũng.

Kiểm toán viên nhà nước làm nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: B.Ngọc

Xu hướng thứ hai là tả khuynh, tức yêu cầu môi trường phải được đảm bảo tốt nhất. Tôi vẫn gọi đấy là những tín đồ môi trường. Theo cách nghĩ này, thà đừng phát triển, tức là cứ để môi trường yên lành. Cả 2 trạng thái này đều cực đoan và không đúng. Theo tôi, chúng ta phải đảm bảo phát triển kinh tế nhưng không làm tổn hại môi trường, hoặc làm tổn hại môi trường nhưng đủ kinh phí để bù đắp. Đấy là nhiệm vụ đặt ra. Chúng ta vẫn phát triển kinh tế, nhưng phải kiểm soát môi trường rất chặt chẽ. Thời gian qua, chúng ta kiểm soát môi trường yếu kém, cho nên mới xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, nước bẩn… gây bức xúc dư luận.

♦Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong rất nhiều các biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm toán môi trường được coi là công cụ kiểm soát hữu hiệu. Ông đánh giá ra sao về công cụ kiểm soát này?

- Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm toán Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án hoặc Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các quy hoạch. Chúng ta có thể kiểm toán các nội dung (việc thực hiện, các giải pháp, tiêu chuẩn…) và quá trình phê duyệt báo cáo ấy. Các báo cáo này thường sơ sài, được thông qua nhanh nên rất dễ sơ hở. Cho nên, kiểm toán môi trường cần tập trung vào 2 yếu tố đó để làm rõ câu chuyện chúng ta có kiểm soát môi trường hay không.

Thời gian qua, KTNN hoạt động rất tích cực, trong đó tiếp tục đi sâu vào kiểm toán những lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm của các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các dự án. Đồng thời, nhiều kiến nghị của KTNN đã góp phần điều chỉnh nền kinh tế, đảm bảo sự hoạt động lành mạnh, đúng hướng, cũng như nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Trong tương lai, KTNN phải mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động tới mọi lĩnh vực của xã hội để tạo ra một thể chế độc lập trong phòng, chống tham nhũng.

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên 4.0 với sự thay đổi của cấu trúc phát triển kinh tế, trí tuệ nhân tạo sẽ thay con người trong rất nhiều công đoạn. Khi đó, hoạt động kiểm toán cũng phải khác. Bởi vậy, hướng theo 4.0, KTNN phải xây dựng đội ngũ thiên về kỹ thuật, thậm chí kỹ thuật cao. Đơn cử, để kiểm tra việc sử dụng đất của một dự án nông nghiệp trên diện rộng, kiểm toán viên có thể dùng flycam. Việc nâng hàm lượng công nghệ trong hoạt động kiểm toán giúp công việc sẽ nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn và kết luận chính xác hơn. Để đánh giá chất lượng môi trường, ngoài việc dựa vào báo cáo của địa phương, KTNN có thể xây dựng một phòng Lab giúp thu nhận ảnh vệ tinh ở trạm thu quốc gia với các hình ảnh về kiểm soát môi trường… Hy vọng rằng, KTNN sẽ làm được những việc này trong tương lai.

♦Xin trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG NHUNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước cần mở rộng hơn phạm vi hoạt động, tạo ra một thể chế độc lập trong phòng, chống tham nhũng