Nỗ lực hoàn thiện vàphát triển hệ thống kế toán,kiểm toán Việt Nam
Với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thời gian qua, VAA và các thành viên của Hội đã đóng góp có hiệu quả vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng luật pháp, chính sách kinh tế - tài chính. Hội đã đề cao trách nhiệm và tổ chức tốt công tác tư vấn khoa học và phản biện xã hội các dự án luật, văn bản pháp quy, chính sách tài chính, các chuẩn mực kế toán và kiểm toán. Cùng với đó, VAA đã chủ động triển khai việc phổ biến khoa học - kỹ thuật, các chính sách pháp luật đến hội viên và những người làm nghề kế toán, kiểm toán. Kết quả hoạt động của Hội và sự tham gia của các hội viên đã góp phần quan trọng tăng tính tin cậy và minh bạch của thông tin kinh tế tài chính, từ đó tác động không nhỏ đến các quyết định quản lý, đầu tư của các cơ quan, tổ chức, DN.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, vị thế của VAA tiếp tục được khẳng định - Ảnh tư liệu
Trong nền kinh tế thị trường, kế toán và kiểm toán không còn thuần túy là công cụ quản lý kinh tế mà đã trở thành một hoạt động dịch vụ hỗ trợ DN. Nhiều hội viên của VAA đã tham gia thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, không chỉ hỗ trợ tích cực cho các DN trong việc tổ chức hệ thống thông tin, tuân thủ luật pháp, mà còn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP.
VAA đã nỗ lực củng cố và phát triển theo hướng chuyển dần từ tính chất xã hội - nghề nghiệp sang tính chất nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao, tăng cường các họat động dịch vụ xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, VAA và các thành viên đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển và nâng cao năng lực cho hội viên, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi mới của nghề kế toán, kiểm toán với nhiều hình thức như: nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng chính sách, tổ chức các hoạt động tư vấn, hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn, đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp, mở lớp huấn luyện, cập nhật kiến thức... Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, kiểm toán đã được xây dựng theo yêu cầu của nền kinh tế và tiếp cận với thông lệ quốc tế, đưa vào áp dụng và hình thành chứng chỉ nghề nghiệp cho hội viên.
Với mục tiêu tăng cường thông tin, quảng bá nghề nghiệp, VAA đã xây dựng mối quan hệ sâu sắc với Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, KTNN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Đối ngoại T.Ư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... Thông qua đó, vai trò, vị thế của kế toán, kiểm toán Việt Nam được xác lập và nâng lên đáng kể cả trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, VAA là thành viên tích cực của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tham gia nhiều hoạt động của VCCI, ký văn bản hợp tác và thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác nghề nghiệp với các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wale (ICAEW), Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPAA)... Đến nay, ngoài các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á, Hội đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức nghề nghiệp ở Bắc Á, Tây Á, châu Phi, châu Âu...
Chủ động nâng caochất lượng và vị thếtrong giai đoạn mới
Bước vào nhiệm kỳ thứ VI (2019-2024), VAA đang đứng trước những vận hội mới với thời cơ song hành cùng những thách thức, đòi hỏi Hiệp hội phải hội nhập, chủ động nâng cao chất lượng và giá trị nghề nghiệp, kiện toàn và phát triển mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và Cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm được điều này, trong nhiệm kỳ tới đây, VAA đã đặt ra bốn mục tiêu hành động cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới tổ chức và hoạt động Hội trên tất cả các mặt công tác, tổ chức và động viên hội viên tham gia xây dựng, phổ biến và thực hiện luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, kế toán và kiểm toán. Cụ thể, thời gian tới, VAA sẽ tổ chức thực hiện công tác tư vấn khoa học, phản biện các dự án luật, dự thảo chính sách, chế độ bằng nhiều hình thức: hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tham gia trực tiếp, nghiên cứu khoa học, huấn luyện bồi dưỡng… Tập trung tham gia Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN năm 2015, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Tài chính công (sửa đổi)... Bên cạnh đó, Hội chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán, kế hoạch và lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính ở Việt Nam.
Thứ hai, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho hội viên. Theo đó, Hội sẽ củng cố và kiện toàn Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn khoa học kế toán, kiểm toán, thực hiện đầy đủ cả 3 chức năng: nghiên cứu khoa học, tư vấn - phản biện và đào tạo bồi dưỡng. Đồng thời, Hội cũng xây dựng chương trình, nội dung đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán áp dụng thống nhất trong cả nước; tăng cường bồi dưỡng và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán do hội viên thực hiện và cung cấp.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và vinh danh nghề nghiệp, duy trì và nâng cao chất lượng các kênh thông tin của Hội như: Website, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, các trang thông tin điện tử…
Thứ tư, duy trì, tăng cường các hoạt động phối hợp và quan hệ hợp tác với các cơ quan, các tổ chức nghề nghiệp như: ACCA, ICAEW, CPAA, Hiệp hội Kế toán quản trị Hoa Kỳ (IMA), Học viện Kế toán quản trị (CIMA); Tham dự tích cực, có hiệu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên, tranh thủ sự giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm của Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA), Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC). Đồng thời, Hội cũng chủ động đưa ra các sáng kiến nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp trong khu vực và nâng cao vị thế, tiếng nói của nghề nghiệp kế toán Việt Nam; đăng cai một số hoạt động của AFA tại Việt Nam...
Nhiệm kỳ VI (2019-2024) là nhiệm kỳ nâng cao toàn diện chất lượng nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam. Vì vậy, các cấp Hội và toàn thể hội viên VAA quyết tâm hành động với tinh thần tự nguyện, ý thức trách nhiệm cao nhằm tạo khởi sắc mới cho nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam.
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019