Công cuộc đổi mới và tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị - xã hội ở nước ta trong thời gian qua đã đem lại những thành tựu rất đáng khích lệ. Hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, trước hết là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ nhằm đảm bảo mọi hoạt động của Nhà nước và công dân theo Hiến pháp và pháp luật, trong đó chú trọng tính công khai, minh bạch của nền tài chính công và tài sản công. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội thời gian qua chính là KTNN - công cụ kiểm tra tài chính nhà nước hữu hiệu phục vụ Quốc hội giám sát hoạt động kinh tế, tài chính quốc gia.
KTNN thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, xác nhận tính trung thực, hợp lý, hợp pháp của các báo cáo quyết toán ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán NSNN, báo cáo tài chính các DN... phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán. Kết quả hoạt động của KTNN thể hiện ở những số liệu về kiến nghị xử lý tài chính, xử lý sai phạm, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí.
Do vậy, có thể nói, KTNN có vai trò rất lớn và có vị trí quan trọng trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát kinh tế - tài chính của đất nước. Các báo cáo của KTNN là tiếng nói của cơ quan chuyên môn, mang giá trị về thông tin và mang tính pháp lý làm căn cứ cho việc thảo luận, quyết định và giám sát tối cao của Quốc hội đối với các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước. KTNN là cơ quan đưa ra những xác nhận về tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính nhà nước; xác nhận sự tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả trong quản lý kinh tế - tài chính nhà nước.
Các kết luận của KTNN có căn cứ, đáng tin cậy do được hình thành trên cơ sở các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ, với các bằng chứng của kế toán đã được đánh giá và do được tiến hành độc lập, trên nguyên tắc trung thực, khách quan và tuân thủ pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ có thể thực hiện tốt chức năng và bảo đảm được thực quyền trong các quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân về tài chính, ngân sách khi nhận được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn như KTNN.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động giám sát của Quốc hội, cần khẳng định vị thế, vai trò của KTNN trong quản lý NSNN nói chung và trong việc cung cấp thông tin kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát, thẩm tra quyết toán NSNN nói riêng của Quốc hội. Quốc hội và xã hội cần xây dựng niềm tin vào cơ quan kiểm toán tối cao về tài chính, tài sản công và định hướng phát triển thiết chế này tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin kiểm toán của KTNN và sử dụng thông tin kiểm toán của Quốc hội. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định pháp lý để tăng cường trách nhiệm của các bên. KTNN cần không ngừng nâng cao chất lượng thông tin kiểm toán, cung cấp thông tin kiểm toán đầy đủ, kịp thời, có hệ thống. Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần nâng cao năng lực khai thác, sử dụng thông tin kiểm toán để nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN. Sự phối hợp hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao là định hướng quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin kiểm toán của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Đ. KHOA (ghi)