Cộng hòa Síp sẽ tiến hành kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của quốc gia - Ảnh tư liệu
Đề cao việc thực hiệncác SDG
Chính phủ CH Síp đã xác định thực hiện các cam kết áp đặt bởi luật pháp cộng đồng và quốc tế để giải quyết các vấn đề về môi trường, bao gồm nộp báo cáo kiểm kê, dự báo phát thải khí nhà kính và báo cáo tài trợ, các chính sách và biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm thải khí nhà kính. Cũng theo đó, CH Síp đã phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào năm 1977. Mục tiêu chính của Công ước là ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở một số mức nhất định để ngăn chặn sự can thiệp nguy hại của con người vào khí hậu. Theo Công ước này, CH Síp cần chuẩn bị Báo cáo quốc gia hai năm một lần, đồng thời tham gia nhiều hội nghị quốc tế và các cuộc họp dự bị cấp Liên minh châu Âu để bảo vệ lợi ích và mục tiêu quốc gia.
“Đánh giá về việc thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 tại CH Síp do Bộ Ngoại giao nước này ấn hành vào năm 2017 cho biết, Chính phủ đã cam kết thực hiện các SDG thông qua các hoạt động thúc đẩy các hệ thống tự nguyện sản xuất và tiêu thụ bền vững gắn với việc sử dụng Nhãn sinh thái châu Âu, Đề án Kiểm toán và Quản lý sinh thái, cũng như Kế hoạch hành động thu mua công xanh nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cung cấp dịch vụ đến môi trường.
Các kế hoạch để thực hiện hầu hết các SDG đã được Chính phủ CH Síp đặt ra, đặc biệt là những mục tiêu ưu tiên, thông qua tất cả chính sách của các Bộ chủ quản. Trên quy mô quốc tế, CH Síp chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các vấn đề như bảo vệ tài sản văn hóa và hợp tác khu vực trong phòng, chống ô nhiễm biển. Phong trào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang có xu hướng gia tăng, cùng với đó, các bước tiến mới để phát triển du lịch bền vững cũng được thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Văn phòng KTNN CH Síp vẫn chưa tiến hành một cuộc kiểm toán chuyên biệt nào về việc thực hiện các SDG.
Khuyến khích hợp tácvà chia sẻ tri thức
Theo nhận định của KTNN CH Síp, để kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm và quản lý chất thải, cần có nguồn lực tài chính đáng kể, cũng như các cán bộ có tay nghề và được huấn luyện đầy đủ. Bên cạnh nguồn nhân lực, để bảo vệ thiên nhiên cũng cần phải có nguồn lực tài chính đáng kể. Vì vậy, đối với CH Síp, việc nâng cao nguồn lực tài chính từ các quỹ cộng đồng là ưu tiên hàng đầu. Chia sẻ về lĩnh vực thách thức nhất liên quan đến việc đánh giá tiến độ của các SDG về môi trường, KTNN CH Síp nêu rõ đó chính là việc thu thập thông tin liên quan từ các cơ quan có thẩm quyền vì đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa xây dựng cơ sở dữ liệu cho chương trình Nghị sự năm 2030.
KTNN CH Síp cho rằng, kiểm toán môi trường ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi sự phức tạp của các vấn đề môi trường được hiểu rõ hơn và nhận thức của xã hội đối với các vấn đề môi trường được nâng cao. Mục tiêu của kiểm toán môi trường là phân tích các vấn đề môi trường đang được Chính phủ giải quyết như thế nào, kiểm tra sự chuẩn bị của các tổ chức Chính phủ trong giải quyết các vấn đề môi trường; hiệu quả của các chính sách, sáng kiến của Chính phủ trong giải quyết các vấn đề môi trường.
Những nguyên tắc kiểm toán môi trường của CH Síp những năm gần đây đã bao gồm việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như khuôn khổ chung về việc thiết lập và ứng dụng thành công chiến lược biến đổi khí hậu, tập trung vào các biện pháp cho ngành thủy lợi, lâm nghiệp và nông nghiệp, quản lý các nguồn chất thải khác nhau và nguồn nước.
KTNN CH Síp nhận thức rõ, đa phần những vấn đề về môi trường làm nền tảng cho các mục tiêu phát triển môi trường bền vững đều rất phức tạp và thường là những vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Do đó, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có thể nâng cao sự hiểu biết về quy mô của những thách thức này bằng cách hợp tác và chia sẻ tri thức, cung cấp thông tin về các hướng tiếp cận khu vực và toàn cầu để giải quyết những vấn đề môi trường có tính hệ thống. Sự hợp tác và chia sẻ tri thức sẽ là chìa khóa để các SAI hỗ trợ các quốc gia phát triển theo chuỗi triển khai SDG. Việc tìm cách để kiểm toán môi trường trở thành một thành phần quan trọng bên cạnh chuỗi triển khai SDG có thể sẽ là trọng tâm để mỗi quốc gia triển khai SDG một cách hiệu quả nhất.
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 03-01-2019