Kiểm toán Nhà nước để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong bức tranh kinh tế xã hội năm 2017

(BKTO) - Trò chuyện với TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội



Xin chào ông! Chúng ta đã bước sang năm 2018 với rất nhiều kỳ vọng. Nhìn lại năm 2017, ông ấn tượng với những điểm sáng nào trong bức tranh kinh tế Việt Nam?

Tôi cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 thiên về màu sáng nhiều hơn.

Trước hết, nếu xét về số lượng thì năm qua chúng ta đã đạt và vượt trên cả 13 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí không nghĩ tới như tăng trưởng GDP đạt 6,81%, xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch. Có thể nói, kinh tế vĩ mô trong năm 2017 tương đối thuận lợi.

Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thông qua các công cụ như thanh tra, kiểm toán, kèm theo cách xử lý quyết liệt đã tạo thêm niềm tin cho giới đầu tư và các loại hình DN.

         
   
   
   
   
   
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN
   
Thứ ba, thành công trong điều hành chính sách tiền tệ ở khía cạnh xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý như: Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực; sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng… Cùng với đó là một tín hiệu rất thị trường khi Chính phủ bắt đầu chấp nhận điều hành kinh tế theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, không có sự can thiệp hành chính.

Thưa ông, con số 6,81% tăng trưởng GDP đã khiến không ít chuyên gia kinh tế có cảm giác ngỡ ngàng. Ông bình luận như thế nào về điều này?

Thực ra trong năm qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu đề ra nhưng chúng ta chưa có cảm nhận tăng trưởng kinh tế giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân, bởi tăng chủ yếu do khối ngoại. Ba trụ cột góp phần cho tăng trưởng kinh tế năm 2017 là các DN FDI, dệt may, da giày và nông sản.

Đối với các DN FDI, ngay từ quý II, xuất khẩu của Samsung đã khởi sắc, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2017, xuất khẩu của các DN FDI tăng vọt. Lĩnh vực dệt may, da giày năm qua vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt. Còn với thị trường nông sản, xuất khẩu của ngành này vượt xuất khẩu dầu thô. Cộng đồng kinh tế ASEAN mở cửa đã mang lại cho Việt Nam nhiều thuận lợi mà trước đó chúng ta chưa hình dung được, chẳng hạn xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến với 41%. Hàng hóa bán lẻ trong nước tăng cao cũng góp phần cho tăng trưởng. Đơn cử, việc hạ giá mặt hàng ô tô trong 6 tháng cuối năm đã kích thích sức mua của thị trường, góp phần tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, với các DN FDI, chúng ta chỉ hưởng lợi từ thu nhập của người lao động; lĩnh vực dệt may, da giày chỉ được phần gia công. Mặc dù ngành nông nghiệp tăng về số lượng nhưng tỷ trọng lại giảm dần. Chính vì thế, đóng góp của nông nghiệp vào NSNN ngày càng giảm. Tất cả những biểu hiện trên cho thấy, cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam chưa đạt tới mức hiệu quả.

Tôi cho rằng, sang năm 2018 - 2019, chúng ta không chỉ đánh giá chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) mà còn phải lưu ý chỉ số GNP (tổng sản phẩm kinh tế quốc dân). Qua GNP, chúng ta sẽ thấy bức tranh rõ nét hơn về chất lượng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào DN FDI như hiện nay, khi khối ngoại rút, lợi nhuận chuyển về công ty mẹ thì chỉ số GNP sẽ thấp hơn GDP.

Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam còn vấn đề nào cần tiếp tục phải giải quyết trong năm 2018 cũng như các năm tiếp theo, thưa ông?

Nhìn một cách thẳng thắn, nếu tách các DN FDI và chỉ phân tích tỷ trọng đóng góp của các DN trong nước, bao gồm cả DNNN và DN tư nhân so với tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế, chúng ta thấy có những biểu hiện rất đáng lo ngại.

Thứ nhất, về tổng thu ngân sách, một mình Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã đóng góp tới 60% lợi nhuận so với tổng lợi nhuận nộp NSNN của toàn bộ DNNN, trong khi khu vực này nắm giữ lượng vốn hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản hơn 5 triệu tỷ đồng. Ở đây là tỷ suất lợi nhuận/vốn, chứ không phải khái niệm rất mập mờ là nộp NSNN. Nộp NSNN bao gồm những khoản thuế và các khoản chính sách khác phải nộp. Nếu DN Việt Nam không làm mà DN FDI làm thì họ cũng phải nộp bằng đó cho NSNN. Cho nên, khái niệm nộp NSNN bây giờ phải tách bạch ra.

Thứ hai, thu NSNN trong năm qua vượt khoảng 70.000 tỷ đồng, nhưng vượt là do dự toán thu chưa sát hay do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế? Đây là yếu tố phải làm rõ, bởi trong thực tế, tình trạng nợ đọng thuế còn nhiều, thậm chí có những khoản thuế phải trình Quốc hội miễn giảm do không có khả năng thu. Bên cạnh đó, phải nêu cao kỷ luật chi ngân sách, tuyệt đối không được vượt dự toán chi.

Thứ ba, năm 2017, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 82-84% nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã đạt 6,81%. Điều đó cho thấy, khả năng của nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng tới 7% hoặc cao hơn nếu Chính phủ điều hành tốt ngay từ đầu năm để giải ngân vốn đầu tư công như một cú huých mồi thu hút đầu tư vào sản xuất. Năm 2018, chúng ta phải khắc phục điều này.

Thứ tư, tái cơ cấu DNNN trong năm 2017 chỉ đạt 50%. Phải nói một cách rất thẳng thắn, qua vụ thoái vốn nhà nước tại Vinamilk và Sabeco, chúng ta có một bài học cho Bộ Tài chính, đặc biệt là SCIC. Một DN mới thành lập 2,5 tháng như Thai Beverage mà mua được 54% cổ phần của Sabeco thì rõ ràng chúng ta đã chập chững để cho những DN nước ngoài vào khống chế thị trường, nếu không cẩn thận sẽ giống bài học của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ở đây, yếu kém về nghiệp vụ thể hiện rõ khi chúng ta không kết nối được việc Thai Beverage mua cổ phần của Sabeco với cổ phiếu của Thai Beverage trên thị trường. Như vậy, mục tiêu thoái vốn nhà nước tại Vinamilk và Sabeco liệu có hoàn thành nếu xét trên 5 tiêu chí quản trị DN mà OECD đưa ra: chiến lược phát triển DN, chiến lược phát triển thị trường, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và chế độ tiền lương? Ngoài ra, chúng ta cũng không có kế hoạch về việc sử dụng số tiền thu về đó.

Thứ năm, tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là do xuất khẩu, trong đó 60% thành công của xuất khẩu dựa vào Samsung Galaxy. Như vậy, bức tranh sản xuất đang có vấn đề.

Thứ sáu, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có sự dịch chuyển trong 2017, song điểm yếu của nền kinh tế vẫn là tăng trưởng nhờ đầu tư, tăng đầu tư lại chủ yếu qua tăng tín dụng, còn tăng từ các nhà đầu tư là rất khó.

Với nền tảng của năm 2017 như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ đón đợi những gì trong năm 2018, thưa ông?

Tôi cho rằng, trong năm 2018, thuận lợi là chủ đạo, còn khó khăn vẫn tương tự như năm 2017. Tại sao nói thuận lợi là chủ đạo? Vì năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% nhưng Nghị quyết của Đảng và Quốc hội giao cho Chính phủ vẫn là mức tăng trưởng từ 6,5% cho đến 6,7%.

Điều đó có nghĩa, năm 2018 là năm đầu tiên chúng ta không xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa, tức năm sau phải cao hơn năm trước. Mặc dù có nhiều thuận lợi, song chúng ta vẫn đặt tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2018 tương đương năm 2017 là bởi hướng tới mục tiêu chất lượng tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng, để nền kinh tế có thể tự điều chỉnh trước những cú sốc của kinh tế thế giới mà không cần đến sự can thiệp hành chính, lấy nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ như năm 2009. Đấy là điểm quan trọng nhất.

Hiện nay, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của nền kinh tế đang ở mức 5 là rất nguy hiểm. Chúng ta phải giảm chỉ số này tiệm cận đầu 4, và dưới 4 thì càng tốt. Với chỉ số ICOR như bây giờ, Việt Nam còn quãng đường rất dài mới có thể lọt top 3 khu vực kinh tế ASEAN như yêu cầu của Thủ tướng trong việc tạo thuận lợi môi trường đầu tư, hiệu quả đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của nền kinh tế.

Là một nhà quản lý quan tâm nhiều đến hoạt động kiểm toán, ông đánh giá như thế nào về tác động của KTNN đối với nền kinh tế xã hội trong năm qua?

Theo quan sát của tôi, trong năm 2017, KTNN đã có nhiều hoạt động rất tích cực và để lại những dấu ấn rất quan trọng trong bức tranh chung của nền kinh tế xã hội. Chẳng hạn, những phát hiện của KTNN về các sai phạm trong nhiều dự án BOT, những phân tích, đánh giá của KTNN về các DNNN, về vấn đề sử dụng vốn NSNN khi tham gia các hoạt động của nền kinh tế thị trường…

Cùng với đó, những kết luận và kiến nghị trong các báo cáo kiểm toán của KTNN đối với vấn đề kiểm toán ngân sách quốc gia là căn cứ không thể thiếu để Quốc hội đánh giá hoạt động điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ. KTNN cũng là công cụ rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo xu hướng phát triển tới đây, tôi cho rằng, KTNN nên chuyển dần sang thực hiện nghiệp vụ có tính chất định hướng nhiều hơn. Khi các công ty kiểm toán của các thành phần kinh tế khác thực hiện kiểm toán các DN, KTNN sẽ phải kiểm toán và đánh giá lại chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán đó nhằm huy động nguồn lực trong xã hội tham gia vào lĩnh vực này. Bây giờ, một mình KTNN “tả xung hữu đột” thì làm sao có thể kiểm toán hết 5 triệu tỷ đồng tài sản của khối DNNN, cũng như hơn 100 đầu mối chi trực tiếp đối với vấn đề kiểm toán chi ngân sách.

Thêm vào đó, hiện nay, các DN FDI vẫn thường thuê các công ty kiểm toán nước ngoài vào kiểm toán. Tuy nhiên, liệu báo cáo kết quả kiểm toán của các công ty đó có phù hợp với luật pháp Việt Nam? Bởi vậy, KTNN có thể rà soát lại và đưa ra những đánh giá đối với các kết quả kiểm toán này. Trong năm 2018, KTNN đã có thể bắt đầu chuyển sang một định hướng mới để trong vòng 3 năm, tức là hết năm 2020, ngành sẽ bước vào giai đoạn mới một cách vững vàng.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông! Kính chúc ông và gia đình một năm mới vạn sự như ý!

XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong bức tranh kinh tế xã hội năm 2017