Vấn đề được xã hội quan tâm là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn chủ đề kiểm toán

(BKTO) - Trò chuyện với Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước VŨ VĂN HỌA



Thưa ông, đến thời điểm này, KTNN đã hoàn thành cơ bản các cuộc kiểm toán năm 2017. Xin ông đưa ra một số đánh giá về kết quả thực hiện kiểm toán trong năm vừa qua?

Năm 2017, nhờ các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt, đồng bộ và thống nhất của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN, các cấp ủy Đảng, cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức và người lao động trong toàn ngành, đến nay KTNN đã hoàn thành kế hoạch kiểm toán (KHKT) của năm 2017 với nhiều kết quả, thể hiện ở 3 điểm nổi bật:

Thứ nhất, kết quả xử lý tài chính thông qua hoạt động kiểm toán năm 2017 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 04/01/2018 là 43.600 tỷ đồng tăng 12,5% so với năm 2016 (38.776 tỷ đồng).

Thứ hai, KTNN đã kiến nghị, sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật với mục đích bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập như: việc quản lý, sử dụng đất đai, khu đô thị; việc quản lý biên chế công chức, viên chức và người lao động; làm rõ những bất cập của cơ chế quản lý thực hiện các dự án BT, BOT; việc đầu tư chưa hiệu quả tại các tập đoàn, tổng công ty; xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa… được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ, kịp thời cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong việc ban hành các chủ chương, chính sách, pháp luật và quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô.

         
   
   Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước
   VŨ VĂN HỌA
Thứ ba, trong năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Nhờ vậy, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2016 bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 4/01/2018, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện đạt 75.5% tổng số kiến nghị xử lý tài chính đủ bằng chứng, tăng so với năm 2016. Kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị ngày càng được tăng cường cho thấy hiệu lực và chất lượng của các kiến nghị ngày càng nâng cao.

Kết quả đạt được trong năm 2017 là rất đáng ghi nhận và là niềm tự hào đối với toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của KTNN. Kết quả này thể hiện bước chuyển mình, phát triển và đổi mới mạnh mẽ của KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến 2020, đồng thời khẳng định vai trò, địa vị pháp lý của KTNN trong việc kiểm tra, kiểm toán tài chính công, tài sản công của quốc gia.

Như ông vừa nói, năm 2017, các cuộc kiểm toán BOT, BT, lao động tiền lương… đã nhận được sự quan tâm của xã hội. Vậy với năm 2018, KTNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào để vừa đáp ứng những yêu cầu từ phía Đảng, Nhà nước, Quốc hội, vừa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dân như năm qua?

KTNN đã xác định, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2016-2020, là năm đầu triển khai Luật NSNN năm 2015 cũng như nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, KTNN đã xây dựng và ban hành KHKT năm 2018 kèm theo Quyết định số 1785/QĐ-KTNN ngày 04/12/2017 của KTNN, trong đó tập trung vào nhiều lĩnh vực và nội dung kiểm toán nhằm đáp ứng được những yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và sự quan tâm của dư luận xã hội. Cụ thể là:

KTNN sẽ chủ động triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và một số chuyên đề đang được xã hội quan tâm như: kiểm toán chương trình dự án có liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA); kiểm toán chuyên đề “Việc xác định giá trị DN, thực hiện cổ phần hóa DNNN thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2017”...

Ưu tiên bố trí thời gian và nhân lực triển khai các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương để kịp thời cung cấp thông tin cho Hội đồng nhân dân địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2017 theo quy định.

Tập trung kiểm toán việc đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, DN với tầm nhìn dài hạn gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

Trên thực tế, số đông người dân thường quan tâm những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày nhiều hơn là lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Xin ông cho biết, vấn đề được dư luận quan tâm có phải là một tiêu chí để KTNN lựa chọn cho KHKT hàng năm?Việc thực hiện những vấn đề “nóng”, mang tính đột xuất có ảnh hưởng gì đến các cuộc kiểm toán thường kỳ khác?

Theo quy định tại Điều 5, Quy định Lập, thẩm định và ban hành KHKT năm của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 03/2017/QĐ-KTNN ngày 21/3/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước và thực tế xây dựng KHKT hàng năm, KTNN luôn đặt các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn đơn vị, chủ đề được kiểm toán.

Thực tế, trong quá trình xây dựng KHKT năm 2018, KTNN đã tiếp thu nhiều ý kiến của cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bổ sung, hoàn thiện KHKT năm nay. Ngoài ra, KTNN đã tổ chức thu thập thông tin, đưa ra các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để định hướng các đơn vị trực thuộc lựa chọn chủ đề, đơn vị được kiểm toán như: kiểm toán các dự án BOT, BT; kiểm toán các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; kiểm toán việc bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên lựa chọn kiểm toán các dự án môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt, ngập úng tại các thành phố lớn.

Các hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và việc kiểm toán các vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm nói riêng luôn được KTNN thực hiện chủ động bằng nhiều giải pháp khoa học như: chủ động định hướng trong xây dựng KHKT; xác định rõ tiêu chí, lộ trình trong xây dựng KHKT; tổ chức xây dựng phương án tổ chức kiểm toán tổng thể, trong đó chủ động dự phòng thời gian và nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm…

Tại cuộc phỏng vấn đầu năm 2017, ông có đề cập đến câu chuyện chống chồng chéo trong hoạt động thanh tra kiểm tra. Vậy thưa ông, đối với KHKT năm 2018, vấn đề này được thể hiện như thế nào? Các đơn vị sẽ thực hiện những biện pháp gì để có thể kiểm soát tốt tình trạng chồng chéo đó?

Giảm chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được Ban cán sự Đảng cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong KHKT 2018 để giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới các hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.

Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Ngoài ra, tại Công văn số 98/TB-VPCP ngày 22/02/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: “Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các bộ, ngành, căn cứ KHKT hàng năm của KTNN để rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, DN và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật”.

Thực hiện các chỉ đạo này, trong quá trình xây dựng KHKT năm 2018, KTNN đã chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ rà soát danh mục thanh tra, kiểm toán để xử lý dứt điểm các trường hợp trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán của Thanh tra Chính phủ và KTNN; đồng thời KTNN và Thanh tra Chính phủ cũng thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ quan thanh tra chuyên ngành căn cứ KHKT năm 2018 của KTNN và Kế hoạch thanh tra năm 2018 của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra của mình và báo cáo Thanh tra Chính phủ trước khi thực hiện”.

Ngoài ra, ngay sau khi KHKT năm 2018 của KTNN được ban hành, KTNN đã xây dựng dự kiến các đầu mối, đơn vị được kiểm toán chi tiết; thông báo rộng rãi tới các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc KHKT năm 2018 để chủ động phối hợp với KTNN trong quá trình kiểm khai kiểm toán.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp thực hiện toàn diện như trên, chắc chắn việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra kiểm tra năm 2018 sẽ được giảm thiểu tối đa, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Về mặt phương thức tổ chức kiểm toán, ngành sẽ có sự điều chỉnh như thế nào để việc thực hiện kiểm toán mang lại kết quả tốt nhất, thưa ông?

Để thực hiện KHKT năm 2018 đạt chất lượng, hiệu quả, ngoài việc tiếp tục thực hiện lồng ghép KHKT, tránh trùng lặp trong kiểm toán tại từng đầu mối, đơn vị được kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo đổi mới mang tính đột phá về phương án tổ chức kiểm toán năm 2018 nhằm đưa hoạt động kiểm toán vào thực chất, rút ngắn thời gian kiểm toán và phục vụ tốt nhất các hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng phù hợp với đặc thù hoạt động của KTNN trong năm 2018. Nổi bật là:

Toàn ngành sẽ tập trung triển khai kiểm toán để kết thúc kiểm toán tại các đơn vị trước ngày 10/11/2018 và phấn đấu phát hành báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2018.

Ưu tiên bố trí thời gian và nhân lực triển khai kiểm toán sớm, chậm nhất là đợt 2 đối với các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương để kịp thời cung cấp thông tin cho Hội đồng nhân dân địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2017 theo quy định.

Trong đó, bố trí nhân lực kiểm toán đảm bảo chất lượng để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp; dành thời gian cho thực hiện kiểm toán thu, chi ngân sách xuyên suốt theo các chuyên đề tại các đơn vị dự toán và ngân sách cấp huyện trên nguyên tắc luân phiên, không kiểm toán tại một đơn vị dự toán hoặc ngân sách cấp huyện liên tục trong hai năm.

Sắp xếp kiểm toán viên tham gia kiểm toán luân phiên theo từng đợt kiểm toán để thực hiện đầy đủ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công việc trước, trong và sau kiểm toán nhằm rút ngắn khoảng cách thời gian giữa 2 đợt kiểm toán liền kề và bố trí đầy đủ công chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn theo kế hoạch của ngành và các nhiệm vụ khác của ngành.

Trong đó, toàn ngành ưu tiên, bố trí thời gian và nhân lực phục vụ công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 dự kiến từ ngày 16/9/2018-22/9/2018.

Tổ chức xây dựng đề cương kiểm toán cho các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chương trình dự án có phạm vi kiểm toán rộng, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính - ngân hàng để đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất và hiệu quả.

Bước sang năm 2018, xin ông chia sẻ một đôi điều với toàn thể cán bộ, kiểm toán viên trong ngành?

Năm 2017 khép lại với nhiều dấu ấn thành công, ghi nhận những bước chuyển mình rõ rệt của KTNN về kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Bước sang năm 2018, với niềm tin và hy vọng mới khi KTNN có trang phục mới, trụ sở mới và sẽ trở thành chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, tôi mong rằng, mỗi cán bộ, công chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm và truyền thống đoàn kết, gắn bó để cùng với tập thể lãnh đạo KTNN triển khai hoàn thành xuất sắc kế hoạch hoạt động năm 2018, góp phần xây dựng KTNN ngày càng vững mạnh, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Cuối cùng, nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, tôi gửi lời chúc tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động KTNN năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn ông! Xin chúc ông tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong năm mới!

ĐINH HIỀN (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
Vấn đề được xã hội quan tâm là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn chủ đề kiểm toán