Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực công

Hoàng Dũng - Hoàng Long | 02/05/2023 09:19

(BKTO) - Đưa công tác phối hợp với các địa phương đi vào chiều sâu, hiệu quả luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong những năm qua. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa KTNN và Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN, cũng như giúp HĐND, UBND các tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụ

z4302718623039_881b6ca0eaacef781fd8584b66fac10a.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và lãnh đạo các địa phương ký Quy chế phối hợp công tác. Ảnh: THANH HẢI

Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan

KTNN và HĐND, UBND các tỉnh dù có vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết, tương hỗ, đồng hành trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng, kiểm tra và giám sát ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại địa phương. Quan hệ giữa KTNN với HĐND là mối quan hệ giữa cơ quan kiểm tra, xác nhận với cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách ở địa phương, đó là sự phối hợp giữa yêu cầu được cung cấp thông tin và đáp ứng yêu cầu về chất lượng thông tin. Mối quan hệ của KTNN với UBND là mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước độc lập từ bên ngoài với cơ quan quản lý, điều hành, lập quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) với trách nhiệm giải trình, là mối quan hệ phối hợp giữa chủ thể kiểm toán và khách thể kiểm toán.

Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan này trong công tác kiểm toán không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán mà còn giúp HĐND và UBND thực hiện ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua, mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND trong hoạt động kiểm toán có những bước tiến quan trọng khi các quy chế phối hợp giữa các cơ quan đã ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Ngày 09/3, tại tỉnh Thanh Hóa, KTNN đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình.

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái, KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp.

Ngày 06/4, tại tỉnh Nghệ An, KTNN đã tổ chức Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (KTNN đã ký lại Quy chế phối hợp công tác với tỉnh Nghệ An năm 2021).

Ngày 27/4, tại tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Dự kiến, trong thời gian tới, Lãnh đạo KTNN sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến công tác tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước nhằm tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, qua đó đưa ra các giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng kiểm toán, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Tại 3 Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp của KTNN với 15 địa phương diễn ra gần nhất, lãnh đạo các tỉnh đều khẳng định, ghi nhận những đóng góp của hoạt động kiểm toán đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công của địa phương. Thông qua việc thực hiện chặt chẽ, bài bản, hiệu quả các nội dung của Quy chế phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND, các địa phương đều nhận thấy nhận thức của cán bộ, công chức về thực hiện Luật KTNN, Luật Ngân sách nhà nước đã được nâng lên. Việc chỉ đạo, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công của địa phương cũng ngày càng minh bạch, đi vào nền nếp, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán NSĐP, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND, UBND các tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

Thúc đẩy hơn nữa công tác phối hợp tại 4 tỉnh Tây Nguyên 

KTNN khu vực XII được thành lập năm 2011, đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán trên địa bàn 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Giai đoạn 2012-2022, đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện 57 cuộc kiểm toán. Tổng số kiến nghị xử lý tài chính giai đoạn này là 13.466 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN khu vực XII đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, thu hồi, hủy bỏ, ban hành mới nhiều văn bản về cơ chế, chính sách của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương; các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng ngân sách, công tác quản lý, điều hành ngân sách của các địa phương, đơn vị được kiểm toán.

Thông qua các hoạt động kiểm toán NSĐP, kiểm toán chuyên đề của KTNN nói chung và KTNN khu vực XII nói riêng đã giúp tỉnh Kon Tum kịp thời rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các đơn vị, địa phương theo đúng quy định, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

Ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp, KTNN khu vực XII đã có sự phối hợp công tác hiệu quả với các địa phương. Qua công tác kiểm toán, bên cạnh đánh giá những mặt đã làm được của các địa phương trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách, KTNN khu vực XII cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương cũng như sử dụng kết quả trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau; giúp các đơn vị quản lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực công.

Tỉnh Đắk Lắk mong rằng, KTNN và 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai Quy chế phối hợp công tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp và triển khai thực hiện công tác kiểm toán theo quy định; tư vấn cho địa phương cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực XII đã đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của từng địa phương, góp phần bịt lỗ hổng trong quản lý NSĐP. KTNN khu vực XII đã phối hợp tốt với địa phương tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị, để thông tin đến HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và đề xuất KTNN xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hầu hết các kiến nghị kiểm toán đã được các tỉnh thực hiện kịp thời, nghiêm túc; tỷ lệ thực hiện hằng năm luôn đạt trên 82%.

z4302718431113_51d55b694b86d86a5197730a2ad3154c.jpg
Đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: THANH HẢI

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND 4 tỉnh Tây Nguyên ngày 27/4, tại tỉnh Đắk Lắk, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trân trọng cảm ơn các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo 4 tỉnh Tây Nguyên đã tham dự Hội nghị. Điều này cho thấy sự quan tâm, tầm quan trọng của Hội nghị, nhất là Quy chế phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND 4 tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua cũng như thời gian tới. “Sau nhiều năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh đã đi vào thực chất, đã phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Sự phối hợp công tác chặt chẽ giữa 3 cơ quan là: KTNN với HĐND và UBND các địa phương là rất cần thiết và hết sức quan trọng” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.

Thông qua Quy chế phối hợp được ký kết, công tác phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND tỉnh ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc ký Quy chế là cần thiết; các nội dung phối hợp là thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ bản đã được triển khai thực hiện đầy đủ.

Ông Lê Văn Chiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa công tác phối hợp, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc yêu cầu và giao nhiệm vụ kiểm toán cho KTNN khu vực XII thực hiện kiểm toán các đề án, chương trình, dự án quan trọng của địa phương. Việc này phục vụ cho HĐND tỉnh trong việc giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ cho HĐND tỉnh trong thực thi nhiệm vụ và quyền hạn. Người đứng đầu KTNN cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ KTNN trong việc giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và kiểm toán viên trên địa bàn và phản ánh kịp thời để KTNN có thể xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nếu có. Điều này giúp đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán; cũng như thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tôi mong rằng, KTNN và 4 tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai Quy chế phối hợp công tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Việc thực hiện Quy chế thể hiện trách nhiệm, tạo tiếng nói chung để thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính và đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh. Tỉnh Gia Lai cũng đề nghị KTNN xem xét việc báo cáo kiểm toán có tư vấn thêm cho địa phương cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành NSĐP.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu KTNN Khu vực XII cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên để có thể đáp ứng những yêu cầu khi được các địa phương đề nghị tham gia các vấn đề về dự toán, quyết toán và tham gia các văn bản liên quan đến tài chính ngân sách, tham gia các đoàn giám sát ngân sách tại các địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về KTNN, Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán, Quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN; nhất là Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/02/2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5 tới.

“KTNN sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư mua sắm công nghệ thông tin... cũng như những sai sót được phát hiện qua kiểm toán để các tỉnh tham khảo” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Cùng với các Quy chế phối hợp công tác với HĐND, UBND đã được ký kết và thực hiện nghiêm túc tại nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, KTNN đã thể hiện một thông điệp nhất quán, luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương với mục tiêu “Vì một nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, qua đó góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của đất nước./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực công