Tập trung đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán

Năm 2023, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán gắn với đạo đức công vụ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để có hướng xử lý kịp thời, phù hợp đối với các kiến nghị tồn đọng; từ đó có sự điều chỉnh đối với hoạt động kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán có tính khả thi, hiệu lực cao.

15a532b02899f7c7ae88.jpg
Tập trung đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Ảnh tư liệu

Tập trung đôn đốc, có hướng xử lý đối với các kiến nghị tồn đọng, kéo dài

Là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, những năm gần đây, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã nỗ lực thực hiện các kiến nghị kiểm toán của KTNN. Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán tại đây vẫn còn bất cập, chưa đạt được như kỳ vọng. Qua tổng hợp, KTNN khu vực XII cho biết, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị gặp khó khăn, dẫn đến khó bố trí nguồn lực để thực hiện kiến nghị, đặc biệt là các kiến nghị tài chính; một số đơn vị còn chưa có trách nhiệm, ý thức cao trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Đây không chỉ là thách thức đối với đơn vị được kiểm toán, mà còn ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTNN, khi các kiến nghị kiểm toán không thể được thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ. Do đó, bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai kế hoạch kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị kiểm toán đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; rà soát lại các kiến nghị tồn đọng chưa thực hiện để tìm giải pháp cùng tháo gỡ.

Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng được nêu rõ trong Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 của KTNN. Theo đó, các đơn vị kiểm toán có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện, nhất là kiến nghị xử lý trách nhiệm có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Đối với các trường hợp kiến nghị kiểm toán chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ, đơn vị kiểm toán xem xét phối hợp cùng đơn vị được kiểm toán kịp thời điều chỉnh lại. Trường hợp kiến nghị đảm bảo đủ căn cứ song đơn vị chưa thực hiện, đơn vị kiểm toán định kỳ có văn bản đôn đốc thực hiện; đồng thời có giải pháp xử lý thực hiện dứt điểm các kiến nghị kiểm toán tồn đọng.

Theo các đơn vị kiểm toán, qua công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 trở về trước cho thấy, nguyên nhân của các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện chủ yếu xuất phát từ phía địa phương, đơn vị… Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, dù nguyên nhân xuất phát từ phía đơn vị được kiểm toán, song KTNN phải cùng quan tâm vào cuộc để hỗ trợ đơn vị tìm ra giải pháp, nhất là đối với các kiến nghị tồn đọng - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết.

Kết hợp nỗ lực từ bên trong với sự phối hợp công tác từ địa phương, đơn vị

Kết quả thực hiện kiểm toán được ví như thước đo để đánh giá tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán, cũng như đánh giá mối quan hệ phối hợp công tác, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN với địa phương, đơn vị. Do đó, các đơn vị kiểm toán đang nỗ lực, trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cũng như tăng cường phối hợp với địa phương, đơn vị trong việc đôn đốc, từ đó tạo sự chuyển biến và nâng cao hiệu quả của công tác này.

Theo KTNN khu vực IX, cùng với việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2023, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán và tổ chức các đoàn để kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị, đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng kéo dài. Qua kiểm tra kiến nghị cho thấy, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của các đơn vị ngày càng được nâng cao, cho thấy sự chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật kiểm toán. Đối với những đơn vị còn gặp khó khăn, KTNN khu vực IX sẽ tiếp tục tổ chức các buổi làm việc để trao đổi giúp đơn vị hiểu rõ về nội dung kiến nghị, cũng như động viên đơn vị có giải pháp để thực hiện kiến nghị.

Phân công nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho các Phòng trực thuộc theo hướng chuyên quản để chủ động nắm bắt thông tin, trong đó một Phó Kiểm toán trưởng được giao chủ trì theo dõi, đôn đốc công tác này - đó là cách làm đang được KTNN khu vực V thực hiện, trong bối cảnh toàn Ngành chú trọng đến việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị, dưới sự chỉ đạo của Kiểm toán trưởng, công tác theo dõi, xử lý các vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán được KTNN khu vực V triển khai quyết liệt, thường xuyên theo đúng chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, cũng như quy định của Ngành. “Phát huy những kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã tập trung triển khai sớm nhiệm vụ này và coi đây là tiêu chí thi đua, đánh giá đối với mỗi tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ” - ông Nghị thông tin.

Phụ trách địa bàn kiểm toán là các tỉnh miền núi phía Bắc, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết, dù điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực còn nhiều khó khăn, song các địa phương đều nỗ lực trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. “Những kết quả này có được ngoài sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN; sự nỗ lực của đoàn kiểm toán để có được những kiến nghị, kết luận xác đáng, thuyết phục còn có sự phối hợp, hỗ trợ, đồng thuận của chính địa phương, đơn vị được kiểm toán” - ông Kiểm cho biết.

Tranh thủ sự ủng hộ của địa phương, kết hợp với sự nỗ lực nội tại cũng là cách làm đang được KTNN khu vực II áp dụng để nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Theo Kiểm toán trưởng Phan Văn Thường, qua thực tế cho thấy, khi được lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị có sự chuyển biến rõ rệt. “Mối quan hệ phối hợp công tác ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó có công tác đôn đốc thực hiện kiến nghị” - Kiểm toán trưởng Phan Văn Thường cho biết.

Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lai Châu Lê Tuấn Anh cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp địa phương nhìn nhận rõ hơn những hạn chế, bất cập, từ đó giúp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quản lý, điều hành. Theo đó, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đều được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Báo cáo kiểm toán sau phát hành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc xem xét và chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện; cũng như kịp thời có trao đổi, đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN./.

Bên cạnh nỗ lực của KTNN trong việc tăng cường theo dõi, hỗ trợ, giải đáp cho đơn vị được kiểm toán về các nội dung vướng mắc, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, người đứng đầu đơn vị trong việc nêu cao quyết tâm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ cương trong thực hiện quy định của pháp luật.

- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - 

Cùng chuyên mục
Tập trung đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán