Kiểm toán nhà nước khu vực XIII: Hơn thập kỷ nỗ lực tạo dấu ấn

X. HỒNG - L. HƯỜNG (thực hiện) | 11/01/2024 05:21

(BKTO) - Qua 12 năm thành lập, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XIII đã kiến nghị: Xử lý tài chính 32.062 tỷ đồng, thu hồi và hủy bỏ 17 văn bản, sửa đổi và bổ sung 18 văn bản, ban hành mới 29 văn bản; chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Những dấu ấn nổi bật này đã được Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán.

anh-khuong-2.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương phát biểu tại cuộc họp của đơn vị. Ảnh: X.HỒNG

Thưa ông, tuy thành lập sau so với nhiều đơn vị trong Ngành song hoạt động của KTNN khu vực XIII, đặc biệt là công tác kiểm toán đã có những dấu ấn nhất định với nhiều phát hiện mới, được lãnh đạo Ngành đánh giá cao. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về các kết quả nổi bật này của đơn vị?

KTNN khu vực XIII là 1 trong 4 KTNN khu vực được thành lập năm 2011. Địa bàn kiểm toán của đơn vị là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có quy mô thu, chi ngân sách lớn, quản lý nhiều nguồn tài nguyên, khoáng sản, trong đó có đất đai - nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của các địa phương. Bởi vậy, tuy mới thành lập được 12 năm nhưng với đặc thù địa bàn kiểm toán, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo KTNN, cho nên những năm gần đây, công tác kiểm toán của đơn vị đã đạt được một số kết quả nhất định.

Qua 12 năm thành lập, đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính 32.062 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị tăng thu và thu hồi, giảm chi ngân sách 13.282 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.780 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị đã kiến nghị thu hồi và hủy bỏ 17 văn bản, sửa đổi và bổ sung 18 văn bản, kiến nghị ban hành mới 29 văn bản quản lý. Đặc biệt, đơn vị đã đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn, khai thác khoáng sản, chuyển giá, trốn thuế, sai phạm trong quản lý vốn đầu tư công. Nổi bật là năm 2020, đơn vị đã kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm (trong tổng số 5 vụ việc chuyển điều tra của toàn Ngành) để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng năm 2023, qua kiểm toán, đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính 8.703 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị tăng thu và thu hồi, giảm chi ngân sách 4.741 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 3.962 tỷ đồng (số liệu không bao gồm kết quả kiểm toán 2 vụ việc tại Đồng Nai do nhân sự của nhiều đơn vị khác cùng tham gia).

4-.jpg
Tập thể KTNN khu vực XIII. Ảnh: X.HỒNG

KTNN khu vực XIII thực hiện kiểm toán 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận. Theo ông, điều này đặt ra cho đơn vị trách nhiệm ra sao để có thể kiến nghị cơ chế, chính sách phù hợp trong việc thúc đẩy sự phát triển của các địa phương?

Như đã nói ở trên, địa bàn kiểm toán của KTNN khu vực XIII là 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này đặt ra cho đơn vị trách nhiệm nặng nề:

Thứ nhất, phải kịp thời phát hiện, qua đó kiến nghị khắc phục và chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu dịch vụ công ích, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động thường xuyên của các đơn vị hành chính, sự nghiệp; giúp công tác quản lý tài chính công, tài sản công của các địa phương, đơn vị đi vào nền nếp theo hướng tuân thủ pháp luật, nâng cao tính tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đang gây cản trở hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương. Từ đó, đề xuất Lãnh đạo KTNN kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ hoặc ban hành mới các quy định, chính sách, chế độ, pháp luật có liên quan, góp phần khơi thông các nút thắt, giúp hoạt động quản lý tài chính, ngân sách cũng như việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được tốt hơn.

Thứ ba, luôn lắng nghe và xem xét nghiêm túc các văn bản kiến nghị, giải trình hoặc giải thích về vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán của các địa phương, đơn vị; kịp thời hướng dẫn hoặc kiến nghị Lãnh đạo KTNN xử lý các vướng mắc hoặc điều chỉnh kiến nghị kiểm toán, đảm bảo tuân thủ pháp luật, phù hợp thực tiễn địa phương, nâng cao tính khả thi trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Do đó, các địa phương, đơn vị đã có sự đồng thuận với các kiến nghị kiểm toán, từ đó quan tâm hơn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các kiến nghị của KTNN. Tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán từ năm 2022 trở về trước đạt trên 90% số kiến nghị đủ điều kiện thực hiện.

Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được KTNN khu vực XIII kiểm toán 3 lần vào các năm: 2020, 2022 và 2023. Riêng năm 2023, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với KTNN khu vực I, IV, VI và Thanh tra KTNN triển khai kiểm toán Dự án đền bù giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kiểm toán công tác giao đất, thu tiền sử dụng đất của 40 dự án được giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh Đồng Nai. Đây là cuộc kiểm toán được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao KTNN thực hiện.

KTNN khu vực XIII phối hợp như thế nào với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố để góp phần tăng cường hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, bảo đảm hiệu quả, minh bạch trong quản lý ngân sách, tài chính công, tài sản công, thưa ông?

Việc phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh để tăng cường hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của KTNN khu vực và của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh cũng như quy chế phối hợp giữa KTNN với các cơ quan này. Trong đó, các kênh phối hợp hiệu quả nhất đó là:

Tham gia ý kiến, đánh giá thực chất, đúng pháp luật, đúng thực tiễn đối với dự thảo dự toán thu NSNN và dự toán thu, chi NSĐP. Những góp ý về dự toán NSNN phải tuân thủ Luật NSNN, hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN, định mức chi đầu tư và chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời căn cứ thực tiễn công tác quản lý thu, chi ngân sách của từng địa phương được đơn vị đúc rút từ thực tiễn kiểm toán NSĐP và kiểm toán báo cáo quyết toán (BCQT) NSĐP hằng năm.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật, các Chuẩn mực KTNN có liên quan, hạn chế tối đa rủi ro kiểm toán khi thực hiện kiểm toán và đưa ra ý kiến xác nhận đối với BCQT NSĐP hằng năm của các địa phương và phải gửi HĐND tỉnh trước kỳ họp cuối năm, trợ giúp hiệu quả công tác thẩm định và thông qua BCQT NSĐP của HĐND tỉnh.

Kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để cung cấp thông tin, báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh có thêm căn cứ để nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyên đề giám sát. Trong điều kiện cho phép và khi được sự chấp thuận của Lãnh đạo KTNN, đơn vị có thể cử người trực tiếp tham gia các Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước khu vực XIII: Hơn thập kỷ nỗ lực tạo dấu ấn