Kiểm toán nhà nước kiến nghị rà soát, điều chỉnh hàng loạt chính sách về ưu đãi người có công

(BKTO) - Thông qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác thực hiện chính sác ưu đãi người có công (NCC). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo KTTN là do thiếu quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa đồng bộ…

17441858044416.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và có nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo người có công với nước. Ảnh: TTXVN

Lúng túng, khó khăn trong thực hiện vì thiếu quy định đồng bộ

Năm 2024, KTNN thực hiện kiểm toán chuyên đề toàn Ngành về việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023, thực hiện kiểm toán tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Gia Lai.

Kết quả kiểm toán cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi NCC chưa quy định đầy đủ đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi theo thực tiễn phát sinh hoặc chưa quy định thống nhất giữa Pháp lệnh và các Nghị định hướng dẫn nên các địa phương vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC. Những bất cập này dẫn đến Cục NCC (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTBXH, nay đã giải thể, cơ quan Cục NNC được chuyển về Bộ Nội vụ) cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, trả lời các địa phương do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Cụ thể, các Nghị định của Chính phủ ban hành chậm so với thời điểm Pháp lệnh Ưu đãi NCC có hiệu lực nên các địa phương chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời về trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu, thời điểm hưởng,... đối với từng đối tượng thụ hưởng hoặc các đối tượng có cùng chế độ ưu đãi nhưng được hưởng tại các thời điểm khác nhau.

Một số đối tượng thực tế có công đóng góp cho cách mạng nhưng theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 thì chưa được hưởng chế độ ưu đãi NCC hoặc thân nhân là người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hiện chưa được hưởng chế độ chính sách theo yêu cầu tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư.

20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2024 là 35.629 tỉ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỉ đồng. Hoạt động tri ân người có công được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, tạo nhiều dấu ấn sâu đậm và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra thực trạng: Người dân giúp đỡ cách mạng cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, tham gia giúp đỡ cách mạng trong vùng bị rải chất độc hóa học, nay mắc các bệnh, tật hoặc có con đẻ bị dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học hoặc bản thân họ bị địch bắt tù đày nhưng hiện chưa được hưởng chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày (chỉ được hưởng chế độ đối với NCC giúp đỡ cách mạng).

KTNN cũng chỉ ra một loạt bất cập trong Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi NCC dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đơn cử, quy định chưa bao quát hết các đối tượng thân nhân NCC theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

Quy định đối tượng được hưởng chế độ nuôi dưỡng (Điều 111, 112) và quy định đối tượng không thực hiện chế độ ưu đãi đối với thân nhân và cá nhân có liên quan (Điều 120) nhưng Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 chưa quy định.

tong-kt-tri-an-ncc.jpg
Những năm qua, KTNN đã có nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa với người có công. Ảnh: TL

Quy định trợ cấp tuất hàng tháng đối với con NCC bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng kèm thêm các điều kiện (khoản 4 Điều 121) trong khi Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH chỉ quy định thân nhân NCC bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng và chưa phù hợp với Điều 19 Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 17/6/2010

“Việc quy định thêm sẽ làm giảm đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC, tăng thủ tục hành chính, phát sinh chi phí giám định và thời gian của người được thụ hưởng” - Báo cáo kiểm toán nêu rõ.

Bên cạnh đó, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP cũng chưa quy định cụ thể hồ sơ giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giới thiệu hoặc xem xét, giải quyết chế độ ưu đãi NCC đối với một số trường hợp, chưa hướng dẫn việc lập hồ sơ để công nhận Bệnh binh theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 184 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. Quy định điều kiện di chuyển hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ (điểm b khoản 2 Điều 157) cũng chưa phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện…

Văn bản này cũng chưa quy định việc tạm dừng chi trả và hưởng lại chế độ trợ cấp ưu đãi đổi với NCC, thân nhân của NCC không thực hiện thủ tục ủy quyền và không thực hiện thủ tục di chuyển hồ sơ quản lý (đã đi khỏi nơi cư trú, thậm chí đi nước ngoài sau nhiều tháng quay trở về đề nghị hưởng lại chế độ ưu đãi NCC); chưa có quy định về truy lĩnh trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác đối với trường hợp thương binh được khôi phục chế độ sau kết luận thanh tra nên vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, do Nghị định số 131/2021/NĐ-CP chưa quy định rõ thời điểm được hưởng của một số đối tượng dẫn đến khó khăn trong giải quyết chế độ ưu đãi, ảnh hưởng đến quyền lợi của NCC.

Chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho NCC còn chưa đảm bảo

Bên cạnh việc thiếu thống nhất, dẫn đến lúng túng trong xác định đúng đối tượng được hưởng ưu đãi cho NCC, kết quả kiểm toán cho thấy, các quy định liên quan đến mức hưởng hỗ trợ cùng kinh phí từ ngân sách cho đầu tư nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ; việc điều chỉnh mức hỗ trợ… cũng còn nhiều bất cập.

Điều này được thể hiện rõ trong Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi NCC và Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP.

KTNN kiến nghị Bộ LĐTBXH (nay là Bộ Nội vụ) chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số văn bản chậm tiến độ: Các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 chưa kịp thời, không cùng thời điểm có hiệu lực của Pháp lệnh dẫn đến không đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định về Kế hoạch triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Đoàn kiểm toán chỉ ra, mức hưởng trợ cấp hàng tháng của một số đối tượng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh. Cụ thể: Cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể nhưng đối tượng NCC lại thấp hơn đối tượng bảo trợ xã hội (chưa kể cấp phát trang thiết bị bằng hiện vật) hoặc chưa phù hợp giữa đối tượng thương binh, bệnh binh có cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể đang sống ở gia đình và tại cơ sở điều dưỡng.

3.-thuc-hien-nhiem-vu-kiem-toan...jpg
Những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi người có công được KTNN chỉ ra cần khẩn trương được nghiên cứu, sửa đổi bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ảnh: TL

Ngoài ra, còn một số khoản hỗ trợ chưa phù hợp thực tiễn và lộ trình tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi, tiền lương cơ sở qua các năm. Mức hỗ trợ trang cấp phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện phục hồi chức năng vẫn được thực hiện từ năm 2018 đến nay chưa điều chỉnh trong khi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng 36%;

Tương tự tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP chưa xây dựng nguyên tắc hỗ trợ kinh phí (thường xuyên) cho việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì nghĩa trang liệt sĩ. Điều này dẫn đến một số địa phương tự cân đối ngân sách vẫn được phân bổ với mức hỗ trợ hoặc tỷ lệ hỗ trợ cao hơn, trong khi một số địa phương chưa tự cân đối ngân sách nhưng được phân bổ với mức hỗ trợ hoặc tỷ lệ hỗ trợ thấp hơn. Trong khi đó, việc hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ (theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP) quy định “không hỗ trợ cho các địa phương tự cân đối ngân sách; Hỗ trợ tối đa 50% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương…”.

Tại Khoản 10 Điều 13 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định: Hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp NCC từ nguồn kinh phí ủy quyền các địa phương (chi thường xuyên), trong khi theo quy định tại khoản 12 Điều 3 và Điều 9 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công của địa phương các “dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng NCC” thuộc ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn năm 2021-2025.

Tuy nhiên, UBND cấp tỉnh chưa lấy ý kiến thống nhất của Bộ LĐTBXH trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư để đảm bảo việc phân bố kinh phí hợp lý và tránh chồng chéo.

Từ hàng loạt bất cập được chỉ ra, KTNN kiến nghị Bộ LĐTBXH (nay là Bộ Nội vụ) chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách ưu đãi NCC đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC theo Nghị quyết số 42-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 24/11/2023. Trong đó, tập trung rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chế độ ưu đãi đối với một số đối tượng đã được KTNN chỉ ra.

Bên cạnh đó, Bộ cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

Liên quan đến vấn đề này, tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, 100% người có công và gia đình NCC sẽ có mức sống trung bình khá trở lên, được chăm lo toàn diện về vật chất và tinh thần.

Nhấn mạnh mục tiêu này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định mức trợ cấp ưu đãi cho NCC cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh ở mức cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn căn nhà tình nghĩa đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước.

Với tinh thần đó, thiết nghĩ những kiến nghị của KTNN cần sớm được các cơ quan liên quan xem xét, khẩn trương thực hiện để NCC với đất nước được thụ hưởng đầy đủ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước kiến nghị rà soát, điều chỉnh hàng loạt chính sách về ưu đãi người có công