Kiểm toán nhà nước làm rất mạnh công tác luân chuyển, điều động cán bộ

(BKTO) - Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong nội ngành luôn là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất. Kiểm toán nhà nước (KTNN) làm rất mạnh công tác luân chuyển, điều động cán bộ...

quoc-hoi-khoa-xv-tien-hanh-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Trong phiên chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn sáng nay, 05/6, đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đặt câu hỏi: Mô hình KTNN theo khu vực có đảm bảo được tính độc lập, tính khách quan khi tiến hành kiểm toán tại các địa phương, khu vực và giải pháp của KTNN trong vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Huyền, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Hiện nay, KTNN được phân 1.974 biên chế và hiện đang có 1.864 biên chế, tổ chức theo 32 đơn vị gồm: 8 cơ quan tham mưu, 8 chuyên ngành, 13 khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp.

“Việc PCTNTC trong nội ngành luôn là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất. Thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131), KTNN làm rất mạnh công tác luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.

tong-2.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Theo Quy định 131, trong vòng 2 - 3 năm phải luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ.

Thực tế những năm qua, KTNN đã thực hiện luân phiên trong công tác kiểm toán và chỉ đạo kiểm toán đối với từng địa phương, khu vực. "Như vậy, chúng tôi đã hạn chế được quan hệ thân hữu, giúp PCTNTC, chú trong công tác luân chuyển từ trụ sở chính về khu vực, luân chuyển trong nội bộ khu vực, luân chuyển theo địa bàn, lĩnh vực. Tôi hy vọng rằng những giải pháp như vậy đã hạn chế tối đa PCTNTC" - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh. 

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của KTNN cho thấy, hằng năm, KTNN đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành; tăng cường các cuộc thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất các cuộc kiểm toán. Đồng thời, triển khai đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, kê khai thu nhập, tài sản của công chức và trong công tác cán bộ theo quy định.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động của KTNN; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là vai trò của thủ trưởng đơn vị ở từng cấp quản lý trong hoạt động kiểm toán nhằm tăng cường phát hiện và ngăn chặn tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Thời gian tới, KTNN tiếp tục quán triệt và yêu cầu toàn bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các Công điện, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác PCTNTC. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, yêu cầu công chức, viên chức và người lao động nâng cao hơn nữa việc giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và lòng tự tôn nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất Kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.

KTNN đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động, việc thực hiện quy tắc ứng xử, bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán.

Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán của Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên, thành viên Đoàn KTNN tham gia hoạt động kiểm toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước làm rất mạnh công tác luân chuyển, điều động cán bộ