Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp nào để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đối với hàng hoá của các doanh nghiệp trong nước để cân bằng tỷ trọng xuất khẩu, trong khi hiện nay phần lớn tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu về khai thác các thị trường FDI, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề đại biểu nêu rất đúng. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của nước ta, khoảng trên dưới 73%. Thực tế này có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, công nghệ, thương hiệu và mạng lưới phân phối từ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, các doanh nghiệp của chúng ta nguồn lực thì hạn chế, bên cạnh đó cũng mới chỉ đang từng bước thâm nhập vào thị trường.
Thứ hai, các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị luôn vượt trội so với nhóm hàng nông sản của các doanh nghiệp trong nước chúng ta. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn đầu, bởi vì chỉ có thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI thì chúng ta mới có điều kiện để hội nhập, học tập kinh nghiệm về quản trị, chuyển giao về công nghệ cũng như tiếp cận thị trường.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta hội nhập không phải chỉ là đo đếm bằng các Hiệp định thương mại tự do hay bằng các dự án mà nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kể cả là đo đếm bằng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên hàng năm, mà thước đo ở đây phải đo bằng sức khoẻ của nền kinh tế đất nước, bằng sự hội nhập của chính các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây là mục tiêu lớn.
“Cũng phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp nội của chúng ta trong thời gian qua đã vươn lên hội nhập khá tốt nhờ có sự tiếp cận và liên kết với các doanh nghiệp FDI. Bằng chứng là, năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu trong các doanh nghiệp này thì khu vực doanh nghiệp nội giảm thấp hơn so với các doanh nghiệp ngoại” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chứng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tuyệt đối của các doanh nghiệp nội tăng gấp 2 lần, khoảng 24%, trong khi đó, mức tăng của doanh nghiệp ngoại chỉ là 12%. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp nội cũng đang từng bước vươn lên để chiếm lĩnh thị trường này, khai thác được những lợi thế mà Việt Nam đang có, đó là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do, được hưởng những cơ chế ưu đãi từ các hiệp định này mang lại.
Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng được tỷ trọng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh với hàng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn phải kết nối chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước để phát triển, nhất là những ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, đa dạng hóa các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi, các Hiệp định FTA, phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định mới ở những khu vực còn nhiều tiềm năng. Hỗ trợ thông tin, cảnh báo, hướng dẫn doanh nghiệp có thể ứng phó với những vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài một cách hiệu quả./.