Hướng tới xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh bền vững chứ không chỉ trông đợi tỷ giá thuận lợi

(BKTO) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn sáng 05/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chính sách về tín dụng.

2(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn sáng 05/6. Ảnh: VPQH

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực nội tại cho doanh nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), qua nghiên cứu Báo cáo số 118 của Bộ Công Thương, đại biểu thấy tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang rất khả quan và xu hướng năm 2024, 2025 sẽ rất tốt, nhất là thị trường FTA rất rộng.

Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp, đại biểu thấy còn rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là tỷ giá đồng USD với đồng Euro đang có xu hướng hơi bất lợi. Thứ hai là vấn đề chi phí vận tải biển rất cao. Thứ ba, nhiều quốc gia có xuất khẩu nông sản như chúng ta đang phá giá đồng tiền rất mạnh, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu rất khó khăn.

Đại biểu hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng với Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chính sách về tín dụng. Chúng ta nên có một đặc thù cho những doanh nghiệp xuất khẩu.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương rất đồng tình với đại biểu về tác động bất lợi của tỷ giá, một số ngoại tệ mạnh tác động đến xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian vừa qua, nhất là việc nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản liên tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và giữ lãi suất ở mức cao; từ năm 2023 đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Mặt khác, chi phí logistics tăng cao do xung đột vũ trang địa chính trị cũng gây bất lợi cho xuất nhập khẩu của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá kết hợp với chính sách tài khóa phù hợp, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong năm qua, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm rất ngoạn mục.

“Trên thực tế thì tỷ giá đô la Mỹ ở mức cao, tuy ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu nhưng lại có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu, mà Việt Nam chúng ta xuất khẩu là chủ đạo, cho nên phần nào đó thì chúng ta có lợi trong tình huống này” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tất nhiên, chúng ta hướng tới xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh bền vững chứ không chỉ trông đợi tranh thủ tỷ giá thuận lợi. Do vậy, các giải pháp căn bản phải thực hiện sắp tới đó là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nội tại nhờ hàng hóa chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Thứ hai là, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tiếp cận thị trường thông qua việc đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán, ký kết và khai mở những thị trường mới, tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử.

Thứ ba là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, thị trường nước ngoài, cập nhật thông tin để có những phản ứng chính sách phù hợp và có lợi cho Việt Nam. Nhà nước thì cũng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho vay thông thoáng hơn, chứ còn chủ trương thì có nhưng mà điều kiện thì bó đi thì cũng không giải quyết được.

3.jpg
Quang cảnh Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn sáng 05/6. Ảnh: VPQH

Đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả khai thác ưu đãi từ các Hiệp định FTA

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối; tạo việc làm; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 03 Hiệp định và 01 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF)).

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả khai thác ưu đãi từ các Hiệp định FTA:

Một là,khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hai là,nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu các ngành hàng: Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ba là, cung cấp thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu.

Bốn là,tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác.

Năm là,hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp tại nước ngoài: Chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

Sáu là,đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử./.

Cùng chuyên mục
  • Phát huy vai trò các thương vụ để đẩy mạnh xuất khẩu
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trong đó có giải pháp thúc đẩy và nâng cao vai trò của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
  • Nhiều thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 04/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng an ninh nguồn nước đang là một vấn đề đáng báo động hiện nay, đòi hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh nguồn nước.
  • Doanh nghiệp nội thời gian qua đã vươn lên hội nhập khá tốt
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu đối với hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước được các đại biểu đặc biệt quan tâm và đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
  • Biến rác thải thành tài nguyên, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 04/6, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
  • Mong có Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 04/6, tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh mong muốn trong dài hạn, chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường.
Hướng tới xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh bền vững chứ không chỉ trông đợi tỷ giá thuận lợi