Kiểm toán Nhà nước Nam Phi thể hiện vai trò trong thời kỳ khủng hoảng

(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi Kimi Makwetu vừa qua đã phát hành báo cáo về sự phản ứng của cơ quan kiểm toán quốc gia trước tình hình đại dịch Covid-19. Báo cáo thể hiện những nỗ lực và cam kết của KTNN Nam Phi trong việc khuyến nghị những hành động đối phó kịp thời, hỗ trợ Chính phủ ngăn chặn chiếm đoạt, tham nhũng và xây dựng niềm tin đối với công dân.



Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi Kimi Makwetu phát biểu trước truyền thông. Ảnh: ST
Cam kết hỗ trợ Chính phủ chống dịch

Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi nhận định, trong hai thập kỷ qua, các cơ quan kiểm toán quốc gia đã cho thấy sự phản ứng nhanh với các tình huống khủng hoảng như: sự kiện sóng thần ở Indonesia vào năm 2004, trận động đất ở Nhật Bản vào năm 2011 và dịch Ebola ở châu Phi vào năm 2015. Báo cáo cũng thể hiện rõ, trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, KTNN Nam Phi cũng như nhiều cơ quan kiểm toán quốc gia khác đã tích cực hỗ trợ Chính phủ đảm bảo nguồn vốn, tài nguyên được phân bổ đạt được các mục tiêu dự kiến, góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, xây dựng niềm tin với người dân thông qua việc ngăn chặn chiếm đoạt, lừa đảo và tham nhũng.

Ông Kimi Makwetu cho biết, Chính phủ Nam Phi hiện đang tập trung đặc biệt vào các nỗ lực bảo vệ sức khỏe, phúc lợi của người dân và mới đây, Tổng thống Nam Phi đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ Rand. Ông Kimi Makwetu đánh giá, nhiều hoạt động liên quan được thực hiện trong một hệ thống vốn đã có những điểm yếu về kiểm soát nội bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm công. Điều này làm gia tăng những rủi ro và thách thức mà Chính phủ phải đối mặt, từ những thách thức liên quan đến nguồn vốn, tính toàn vẹn của cơ sở dữ liệu hướng dẫn, cũng như việc thực hiện hỗ trợ đến tay người thụ hưởng thích hợp thông qua các cơ quan như: Cơ quan An sinh xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi, để hỗ trợ Chính phủ đối phó với các thách thức đặt ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, KTNN Nam Phi đã quyết định thành lập một nhóm công tác đa ngành. Nhóm công tác này bao gồm các chuyên gia có hiểu biết và kỹ năng cao về các quy trình đánh giá rủi ro, liên kết các rủi ro này với các biện pháp kiểm soát phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý khủng hoảng của Chính phủ, từ đó cung cấp cho Chính phủ những hành động can thiệp kịp thời trước những rủi ro về gia tăng tham nhũng trong và sau đại dịch Covid-19.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia

Ngày 12/5/2020, Bộ Y tế Nam Phi cho biết, nước này ghi nhận tổng cộng 11.350 ca nhiễm Covid-19, với 206 ca tử vong. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, tỉnh Western Cape - nơi có thành phố biểu tượng du lịch toàn cầu Cape Town - hiện là ổ dịch lớn nhất ở nước nước này với 6.105 ca mắc, chiếm 53,8% tổng số ca mắc trên cả nước, tiếp theo là tỉnh Gauteng - nơi đặt thủ đô hành chính Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, với 2.014 ca nhiễm.

Theo đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch Covid-19 và đưa ra hàng loạt các biện pháp cụ thể, bao gồm: đóng cửa toàn bộ trường học trên cả nước; cấm nhập cảnh người nước ngoài từ các nước vùng dịch lớn gồm: Italia, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Hoa Kỳ; đóng cửa phần lớn các cảng, cửa khẩu trên đất liền và cảng biển quốc tế; cấm tụ tập các sự kiện trên 100 người; hủy bỏ nhiều sự kiện và chuyến công tác nước ngoài của quan chức Chính phủ.

Chính phủ Nam Phi cũng thành lập một trung tâm phản ứng quốc gia do Tổng thống đứng đầu và nhóm họp thường xuyên. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân để thiết lập một hệ thống theo dõi giám sát quốc gia đối với tình trạng dịch bệnh Covid-19 và đang hoàn thiện một gói tài chính riêng để hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trước đó, KTNN Nam Phi đã từng cảnh báo Chính phủ Nam Phi cần áp dụng các biện pháp mạnh và nhanh, vì Nam Phi nói riêng và đa phần các nước châu Phi nói chung đều có hạ tầng y tế thiếu thốn và yếu kém, cộng với tình trạng bệnh lý nền của người dân có thể dẫn đến thiệt hại về người và kinh tế rất lớn nếu để dịch bùng phát nghiêm trọng.

NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
  • Slovenia:  Ngân hàng Trung ương chịu chỉ trích do sai phạm
    4 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Trong Báo cáo mới nhất của Tòa Thẩm kế Slovenia phát hành hôm 14/5/2020, Chủ tịch Tòa Thẩm kế Tomaz Vesel đã chỉ trích nhiều sai phạm tài chính và quản lý tại Ngân hàng Trung ương Slovenia trong năm tài chính 2017 và 2018.
  • Đại học Zambia:  Quản lý yếu kém dẫn đến những khoản nợ lớn
    4 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tháng 4 vừa qua, Tổng Kiểm toán nước Cộng hòa Zambia đã công bố Báo cáo kiểm toán cho năm tài chính 2018 của Trường Đại học Zambia (UNZA). Báo cáo lên án tình trạng trì trệ, yếu kém của Ban Lãnh đạo khi để UNZA rơi vào cảnh nợ nần nghiêm trọng.
  • Phần Lan: Lỗ hổng trong Chương trình hỗ trợ Covid-19
    4 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Mika Lintila mới đây đã công bố những thông tin về cuộc kiểm toán quản lý tài chính đặc biệt đối với Business Finland liên quan đến chương trình hỗ trợ tài chính do ảnh hưởng của Covid-19, trong đó chỉ trích nhiều lỗ hổng trong Chương trình hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ Phần Lan.
  • Kenya: IMF kiểm toán gói hỗ trợ Covid-19
    4 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Kristalina Georgieva - cho biết sẽ lên kế hoạch tiến hành một cuộc kiểm toán độc lập nhằm làm rõ tính minh bạch của Chính phủ Kenya trong chi dùng các khoản tiền hỗ trợ chống Covid-19 tiếp nhận từ IMF, đảm bảo việc sử dụng các khoản tiền được phân bổ một cách hợp lý.
  • Sierra Leone:  Thất thoát ngân sách nghiêm trọng tại nhiều  cơ quan Chính phủ
    4 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Ủy ban Phòng, chống tham nhũng (ACC) nước Cộng hòa Sierra Leone (Tây Phi) đã tổ chức họp bàn, thảo luận về một báo cáo của Văn phòng Tổng Kiểm toán trong đó chỉ ra rằng, khoảng 14,3 triệu USD đã bị các Bộ, ban, ngành của Chính phủ chi tiêu lãng phí và biển thủ. Số tiền này chưa bao gồm nhiều khoản chi bất thường tại các đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao.
Kiểm toán Nhà nước Nam Phi thể hiện vai trò trong thời kỳ khủng hoảng