Kiểm toán Nhà nước quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018

(BKTO) - Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong bầu không khí phấn khởi của năm mới 2018, xin đồng chí vui lòng chia sẻ về những kết quả nổi bật mà KTNN đạt được trong năm qua?

- Đến thời điểm này, có thể nói, thông qua việc quán triệt một cách nghiêm túc các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN, toàn Ngành đã thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch công tác năm 2017 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm.

         
   
Đồng chí Hồ Đức Phớc
   
Năm qua, KTNN đã đạt được những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Song song với việc tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách, KTNN đã chú trọng kiểm toán các lĩnh vực mới, nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, như việc giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đô thị; việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương; hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các chương trình, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), các dự án sử dụng vốn ODA; kiểm toán kết quả xác định giá trị DN...

Kết quả kiểm toán sơ bộ đến thời điểm này (273/282 báo cáo kiểm toán) cho thấy, kiến nghị về xử lý tài chính của toàn Ngành là 43.660 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN là 32.609 tỷ đồng; kiểm toán 37 dự án BOT, 12 dự án BT, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính, giảm thời gian thu phí hoàn vốn 109 năm 5 tháng; kiểm toán xác định giá trị DN Nhà nước trước khi cổ phần hóa 6 DN, KTNN phát hiện, kiến nghị tăng thêm vốn nhà nước là 8.688 tỷ đồng và các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 504,5 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán của KTNN ngày càng được đánh giá cao và là một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm và dự toán NSNN, phân bổ ngân sách T.Ư năm tiếp theo.

Đặc biệt, thông qua kết quả kiến nghị của KTNN, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe lãnh đạo KTNN báo cáo về một số bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết. Thủ tướng đã đánh giá cao báo cáo của KTNN và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của KTNN để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, như: Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; …

Để đạt được kết quả đó, trong năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN chú trọng hàng đầu với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát sao. Ngay từ cuối năm 2016, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai nhiệm vụ kiểm toán năm 2017, KTNN đã chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) một cách khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai, hạn chế tối đa sự chồng chéo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình kiểm toán, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành luôn được quan tâm quán triệt, kiểm tra, đôn đốc. Chế độ báo cáo kết quả kiểm toán định kỳ được duy trì, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán được chú trọng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán (BCKT)...

Cùng với đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng và phổ biến pháp luật, tổ chức cán bộ và đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán... đều đạt kết quả tốt.

Với những nỗ lực không ngừng, KTNN đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2017. Đồng thời, việc hoàn thành cơ bản toàn diện 8 mục đích của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 đã tạo đà cho việc xây dựng cơ quan KTNN có trình độ cao, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Khép lại một năm hoạt động thắng lợi, KTNN xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của toàn Ngành như thế nào, thưa đồng chí?

Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách giai đoạn 2016-2020.

Đối với KTNN, đây là năm đầu tiên tổ chức kiểm toán ngân sách theo Luật NSNN năm 2015 với nhiều chính sách, thay đổi trong quản lý điều hành NSNN; tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Đặc biệt, năm 2018 cũng là năm KTNN đăng cai tổ chức Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 nhằm nâng cao vị thế trong cộng đồng quốc tế.

         
Trong KHKT năm 2018 ban hành ngày 04/12/2017, KTNN lần đầu tiên xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán. Điểm khác biệt, đổi mới này nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán.
   
   Theo đó, KTNN sẽ thực hiện 205 cuộc kiểm toán, bao gồm kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2017 tại 16 Bộ, ngành T.Ư và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 9 chủ đề kiểm toán hoạt động; 25 chuyên đề kiểm toán chuyên sâu; 52 dự án đầu tư, công trình; 33 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước...
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 là: “Bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; nâng cao vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14; tăng cường đổi mới hơn nữa để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật; gia tăng hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan KTNN, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương và kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên”.

Nhiệm vụ của KTNN năm 2018 là tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; kiểm toán, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA; kiểm toán hoàn thuế GTGT; Bảo hiểm y tế; chính sách các đặc khu kinh tế; quản lý tài chính công, tài sản công và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14.

Trên cơ sở đó, KTNN đã cụ thể hóa bằng 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán để ngày càng khẳng định vị thế của cơ quan KTNN trong hệ thống nhà nước pháp quyền, xứng đáng với địa vị pháp lý đã được hiến định; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Chủ động triển khai thực hiện Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức của KTNN sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; Tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14, khẳng định tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI nhiệm kỳ 2017-2019, tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số SAI chiến lược; Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho hoạt động của Ngành, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ, triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020.

Đặc biệt, KTNN sẽ quyết tâm tổ chức thực hiện tốt KHKT năm 2018 trên tinh thần bám sát chủ trương đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Có thể nói, với bối cảnh năm 2018 và những nhiệm vụ mà Ngành đặt ra là hết sức nặng nề, đầy thách thức, những giải pháp nào sẽ được KTNN chú trọng thực hiện để quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2018, thưa đồng chí?

- Để đảm bảo thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 nêu trên, KTNN đã đề ra 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, giải pháp số một là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2018 đảm bảo khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Đối với hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành để xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2018 một cách khoa học và hiệu quả, đảm bảo kết thúc các cuộc kiểm toán đúng thời gian quy định. Để thực hiện mục tiêu này, KTNN sẽ đổi mới phương pháp khảo sát, lập KHKT và thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách và xác nhận báo cáo quyết toán; nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra công vụ; đẩy mạnh hình thức kiểm soát, thanh tra đột xuất các đoàn, tổ kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán và xử lý kịp thời các sai phạm ngay trong quá trình kiểm toán. Ngay thời điểm này, các đơn vị trực thuộc cần bám sát Kế hoạch công tác năm 2018 của Ngành để xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Đặc biệt, Đảng ủy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN sẽ lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế của KTNN, nhất là đối với nhiệm vụ đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.

Cùng với đó, KTNN cũng sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với nắm bắt tình hình, theo dõi, kiểm tra và giám sát các Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên, các đơn vị trực thuộc; thực hiện tốt các quy chế phối hợp đã ký, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan T.Ư, cấp ủy và chính quyền địa phương; tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2018; tiếp tục kiện toàn công tác cán bộ trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu biên chế của các đơn vị trực thuộc.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với với việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục; thực hiện công khai, minh bạch mọi hoạt động của toàn Ngành; nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng.

Với nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Ngành, tôi tin tưởng rằng KTNN sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 11-02-2018
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018