Kiểm toán Nhà nước sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020: Dấu ấn nổi bật trong quản lý, điều hành thực hiện Kế hoạch kiểm toán

(BKTO) - Triển khai nhiệm vụ kiểm toán trong bối cảnh cả nước phát sinh dịch bệnh Covid-19, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN đã nắm bắt kịp thời tình hình để đề ra các biện pháp điều chỉnh linh hoạt nhằm tổ chức hoạt động kiểm toán đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đồng thời chia sẻ, giúp các đơn vị được kiểm toán vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là dấu ấn nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo KTNN đối với hoạt động kiểm toán trong những tháng đầu năm.




Trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên hầu hết các mặt công tác

Điều chỉnh kế hoạch kiểm toán, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của KTNN diễn ra vừa qua, Chánh Văn phòng KTNN Đỗ Văn Tạo cho biết, những tháng đầu năm, tình hình quốc tế và trong nước có những biến động phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế - xã hội. Song với tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc Kế hoạch công tác năm 2020, trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên hầu hết các mặt công tác, nổi bật là những chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của lãnh đạo KTNN trong công tác tổ chức hoạt động kiểm toán đã mang lại những kết quả quan trọng.

Theo đó, trong điều kiện tình hình dịch bệnh, lãnh đạo KTNN đã kịp thời điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán (KHKT), đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, minh bạch và thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp mới, có tính đột phá đã được KTNN tổ chức triển khai đồng bộ, như: Đẩy mạnh việc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tiếp tục xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối được kiểm toán; không đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN của các DN nhằm tạo điều kiện cho các DN có thời gian khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh sau thời gian cách ly xã hội.

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong mọi hoạt động của đơn vị. Đặc biệt, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, KTNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán đảm bảo phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong từng thời điểm cụ thể.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi KHKT năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công điện số 453/CĐ-KTNN ngày 24/4/2020 về việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2020 trong giai đoạn mới về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu các đơn vị kiểm toán tập trung rà soát, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán để các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2020 kết thúc trước ngày 30/11/2020, nhưng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và không để xảy ra tiêu cực.

Quyết tâm hoàn thànhKế hoạch kiểm toán vớichất lượng, hiệu quả cao

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa, trong bối cảnh toàn Ngành vừa thực hiện phòng, chống dịch bệnh cùng với cả nước, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN quan tâm. Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, kiểm toán viên, việc thực hiện KHKT năm 2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, việc phát hành Báo cáo kiểm toán (BCKT) theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) tiếp tục được chú trọng, đảm bảo thực hiện với yêu cầu chất lượng cao nhất. Theo Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT Ngô Minh Kiểm, tính đến ngày 30/6, qua công tác KSCLKT 21 cuộc kiểm toán cho thấy, việc KSCLKT tại các đơn vị đã đi vào nền nếp và ngày càng chất lượng hơn, phản ánh thực chất vấn đề; giá trị pháp lý của BCKT được nâng lên nhờ kết luận và kiến nghị kiểm toán có đầy đủ bằng chứng hơn, được thẩm định, kiểm soát qua nhiều cấp; chế độ báo cáo định kỳ được duy trì, phản ánh kịp thời kết quả kiểm toán.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là những giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, linh hoạt của lãnh đạo KTNN đã mang lại hiệu ứng rất tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động kiểm toán đã và đang gặp khó khăn, dự báo phần nào làm hạn chế kết quả công tác theo kế hoạch được giao.

Giải đáp các ý kiến của đại biểu về những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, cũng như chia sẻ với khó khăn của các đơn vị kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, các đơn vị tập trung hoàn thiện và khẩn trương phát hành BCKT các cuộc kiểm toán đã kết thúc theo đúng quy định, đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý, từ ngày 01/7/2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định các đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong BCKT, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN. Do đó, các đơn vị chủ trì kiểm toán phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ và an toàn; khi phát sinh các vấn đề trọng yếu, các phát hiện kiểm toán quan trọng cần kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo KTNN phụ trách. Các kiến nghị kiểm toán, nhất là kiến nghị về xử lý tài chính và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân cần thu thập đầy đủ, chặt chẽ các bằng chứng kiểm toán phù hợp. Các đơn vị kiểm toán cũng cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của kiểm toán viên và tính tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo các cấp, giữ gìn hình ảnh, uy tín của KTNN...
         
Tính đến ngày 30/6, toàn Ngành đã triển khai 84/179 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, trong đó, 54/179 đoàn đã kết thúc kiểm toán (đạt 30,1%), phát hành 8 BCKT. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/6 là 8.191 tỷ đồng, trong đó: tăng thu NSNN 2.599 tỷ đồng; giảm chi NSNN 2.247 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 3.345 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, thay thế các văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020: Dấu ấn nổi bật trong quản lý, điều hành thực hiện Kế hoạch kiểm toán