Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Trọng Quỳnh |
Triển khai nhiều cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội
Thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình...”, ngoài việc kiểm toán toàn diện chuyên đề CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 theo Nghị quyết số 91/2015/QH13, hằng năm KTNN đã thực hiện kiểm toán lồng ghép Chương trình này khi kiểm toán ngân sách địa phương. Năm 2020, KTNN đã kiểm toán chuyên đề CTMTQG xây dựng nông thôn mới tại 18 tỉnh. Kết quả kiểm toán đã phát hiện một số tồn tại, bất cập trong ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ T.Ư đến địa phương; tồn tại trong tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí Chương trình; một số mục tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra.
Thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XIV về “rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả...”, KTNN đã kiểm toán Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2; Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình. Kết quả kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó, KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật (Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình), chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ một số dấu hiệu vi phạm để xử lý (Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình).
Tại Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, có đưa ra giải pháp “Tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác...”. Thực hiện Nghị quyết này, KTNN đã kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai giai đoạn 2014-2018; chuyên đề công tác quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý năm 2016.
Kết quả kiểm toán đã phát hiện một số tồn tại trong công tác quản lý rừng, còn tình trạng đất rừng bị lấn chiếm diễn ra thời gian dài với quy mô lớn, trên diện rộng nhưng không được xử lý; không xây dựng kế hoạch trồng lại rừng mới đối với diện tích đã khai thác trắng rừng; không đánh giá trữ lượng gỗ của từng loại rừng làm cơ sở giao rừng, cho thuê rừng; hiệu quả chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp không đạt mục tiêu đề ra...
Nhiều kết quả kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát
Trên cơ sở bám sát các hoạt động của Quốc hội để triển khai hoạt động kiểm toán, những năm qua, KTNN đã cung cấp nhiều kết quả kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; đưa ra nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Năm 2018, để phục vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, KTNN đã tổng hợp kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội.
Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN giai đoạn 2011-2017 tại Bộ Tài chính, 24 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số địa phương. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi về Quỹ 3.536 tỷ đồng, thu hồi các khoản nợ tồn đọng 1.218 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN đã đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời và sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN.
Cũng trong năm 2018, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố. Qua đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu 577 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 791 tỷ đồng; xử lý, xem xét thu hồi nếu đủ điều kiện theo quy định đối với 03 thửa đất và 7.591.427 m2 đất; kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại; kiến nghị sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, KTNN đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất của DN đang sử dụng sang mục đích khác phải thông qua đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước và NSNN. |
Giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, KTNN đã tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng đất đô thị để báo cáo Quốc hội. Kết quả kiểm toán đã cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Kết quả kiểm toán cho thấy, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, công tác quản lý và sử dụng đất đã có những biến chuyển tích cực, chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội; nguồn thu về đất đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách và là một nguồn lực quan trọng cho phát triển. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch; công tác giao đất và xác định giá đất cũng như bất cập trong việc tuân thủ pháp luật khi triển khai thực hiện dự án.
Toàn cảnh phiên họp- Ảnh: Trọng Quỳnh |
Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.749,2 tỷ đồng, xử lý khác 6.054,6 tỷ đồng; kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại đã được KTNN chỉ ra; đồng thời kiến nghị sửa đổi 02 văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, năm 2020 KTNN xác định nội dung kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là một trong những nội dung kiểm toán trọng tâm khi thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên đến nay nội dung này mới đang trong quá trình thực hiện. Trong kế hoạch kiểm toán năm 2021, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường kiểm toán chuyên đề toàn ngành đối với nội dung này theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 82/2019/QH14.
N. HỒNG