Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Tọa đàm- Ảnh: Phùng Nguyên |
Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Lê Minh Khái- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Hồ Đức Phớc- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; các nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước: Đỗ Bình Dương, Nguyễn Hữu Vạn; các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh; các nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Hà Ngọc Son, Hoàng Ngọc Hài, Lê Hoàng Quân, Hoàng Hồng Lạc, Cao Tấn Khổng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, nguyên lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc hiện đang là chuyên gia, giảng viên của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; công chức, viên chức và người lao động KTNN tại trụ sở 116 Nguyễn Chánh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN đã và đang khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường tính minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, những giai đoạn lịch sử phát triển của KTNN luôn gắn liền với những sự kiện chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước đã trở thành những mốc son ghi đậm dấu ấn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN. Dấu mốc đầu tiên là, ngày 11/7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/CP về việc thành lập KTNN, đây là căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn khai sinh ra KTNN.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm- Ảnh: Phùng Nguyên |
Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã thông qua Luật KTNN mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới của KTNN. Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi), trong đó, Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của KTNN:“KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
KTNN từ cơ quan được luật định thành cơ quan được Hiến định, giúp nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, ngày 24/6/2015, Luật KTNN sửa đổi, bổ sung đã được ban hành thay thế Luật KTNN năm 2005, tạo thêm cơ sở vững chắc để KTNN bước vào một thời kỳ phát triển mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đây thực sự là trọng trách nặng nề nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức vinh dự và tự hào của KTNN.
Trước yêu cầu hội nhập và đổi mới của đất nước - theo Tổng Kiểm toán Nhà nước - việc thực hiện nhiệm vụ của KTNN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. KTNN vẫn phải đối mặt với một số hạn chế và thách thức như: Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; Công tác tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của KTNN chưa được hoàn thiện, tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên còn khoảng cách so với yêu cầu thực tế và chuẩn mực quốc tế, vấn đề giữ gìn đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên luôn là thách thức lớn; Hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của KTNN chưa đồng bộ…
Quang cảnh Tọa đàm- Ảnh: Phùng Nguyên |
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Để tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua, KTNN cần phải tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa nội lực, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong nhiều năm tới nhằm phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ tin tưởng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của Nhân dân và các Bộ, ngành đối với KTNN, cùng với những nỗ lực to lớn của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, KTNN sẽ thực hiện thành công Chiến lược phát triển với tầm nhìn thời đại, đạt được giá trị cốt lõi “Minh bạch - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng - Không ngừng gia tăng giá trị” nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã bày tỏ sự trân trọng biết ơn các thế hệ lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ đã tạo dựng được hình ảnh, vị thế của ngành KTNN; tri ân các bậc lão thành, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của KTNN qua các kỳ đã có những đóng góp to lới để ngành KTNN vượt qua mọi khó khăn để có được thành tựu và vị trí ngày hôm nay.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên trình bày Báo cáo tóm tắt 25 năm xây dựng và phát triển của KTNN- Ảnh: Phùng Nguyên |
Trình bày Báo cáo tóm tắt 25 năm xây dựng và phát triển của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Từ những ngày đầu thành lập, KTNN mới chỉ có 05 đơn vị thì đến nay đã có 31 đơn vị và Văn phòng Đảng- Đoàn thể. Đội ngũ cán bộ, công chức cũng có sự phát triển vượt bậc với 1.974 công chức và 135 viên chức, trong đó có 05 giáo sư, phó giáo sư; 52 tiến sỹ; 865 thạc sỹ; 174 người được đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài và chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế; 100% có trình độ đại học…
Trong 25 năm qua và đặc biệt là những năm gần đây, KTNN có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Ngoài việc kiểm toán hằng năm đối với quyết toán NSNN theo quy định của Luật KTNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 02 năm một lần, NSNN đã đảm bảo kiểm toán được trên 50% tổng thu-chi NSNN hằng năm. KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và các lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán CNTT, kiểm toán môi trường, tài nguyên, khoáng sản, BOT, BT…
Chất lượng kiểm toán của KTNN cũng đã được nâng cao, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn. Việc công khai kết quả kiểm toán hằng năm đã được tổ chức họp báo theo định kỳ. Báo cáo kiểm toán khi phát hành được gửi đến đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan; Báo cáo kiểm toán năm, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN được gửi đến từng đại biểu Quốc hội; thời gian phát hành các báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ngày càng được đẩy nhanh.
Song song với đó, KTNN đã ký quy chế phối hợp công tác với 81 cơ quan Bộ ngành trung ương, địa phương, cơ quan báo chí và thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán...
Tổng hợp kết quả kiểm toán 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 92.716 tỷ đồng, giảm chi NSNN 93.730 tỷ đồng. Tính riêng 05 năm gần đây (2014-2018), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 265.565 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 25 năm, trong đó các khoản tăng thu NSNN 63.568 tỷ đồng, giảm chi NSNN 71.365 tỷ đồng, tăng giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần 14.773 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 115.857 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với thực tế. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 899 văn bản...
Về hoạt động hợp tác quốc tế, KTNN đã có quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan KTNN trên thế giới, ký kết 28 thỏa thuận quốc tế với các cơ quan kiểm toán tối cao và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, tháng 9/2018, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Hà Nội với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021…
Nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Đỗ Bình Dương chia sẻ kỷ niệm những ngày đầu về KTNN- Ảnh: Phùng Nguyên |
Tiếp đó, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng nghe một số ý kiến phát biểu, chia sẻ và tham luận. Trong đó, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Đỗ Bình Dương chia sẻ kỷ niệm những ngày đầu về KTNN; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải tham luận với chủ đề “Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN”; Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Hà Thị Mỹ Dung trình bày tham luận “Nguồn nhân lực - Yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển KTNN”; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Kim Lộc trình bày tham luận “Dấu ấn của KTNN Việt Nam trên đường hội nhập”; Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn tham luận với chủ đề “KTNN khu vực I cùng tiến bước trong 25 năm xây dựng và phát triển của KTNN”./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm- Ảnh: Phùng Nguyên |
THÙY ANH - XUÂN HỒNG