Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện kiểm toán định kỳ công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định, Kiểm toán Nhà nước còn thực hiện kiểm toán các chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; quản lý sử dụng nguồn vốn ODA; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu…
Trên cơ sở các ý kiến kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, sửa đổi một số Thông tư quy định định mức kinh tế kỹ thuật và dự thảo trình Chính phủ sửa đổi một số Nghị định cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo các văn bản, chính sách ban hành được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý được thực hiện tốt hơn. Qua đó, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên- Môi trường và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm toán đảm bảo phát huy vai trò trách nhiệm và tính chủ động của mỗi bên, trong đó đề cao sự phối hợp, trao đổi thông tin góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán; bảo đảm nguyên tắc độc lập, tuân thủ theo pháp luật, trung thực khách quan trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán tại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thuộc Bộ; phối hợp trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, góp phần tăng cường quản lý nhà nước về việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Qua đó, phát huy hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đảm bảo đúng với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Chính vì vậy để Kiểm toán Nhà nước có thể hoàn thành tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn tiếp theo:
Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước ngoài việc kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, cần triển khai và đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động. Qua kiểm toán hoạt động sẽ có điều kiện xác định tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động thu - chi nguồn ngân sách Nhà nước và những thất thoát do chi sai mục đích, sai chế độ, cũng như việc thiếu minh bạch trong quyết định đầu tư hoặc thực hiện chương trình, dự án.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động Kiểm toán Nhà nước cần chú trọng tăng cường thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trong chính nội bộ hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cấp, xử lý nghiêm các vi phạm, công khai kết quả xử lý để mỗi cá nhân và tập thể cùng rút kinh nghiệm.
NAM SƠN (ghi)