Kiểm toán nhà nước Việt Nam: Đề cao vai trò của Cơ quan Kiểm toán tối cao với thảm họa công

(BKTO) - Ngày 10/11, Đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung dẫn đầu đã tham dự phiên họp toàn thể Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế lần thứ 24 (INCOSAI 24) tại Brazil.

Phiên họp toàn thể của Đại hội đã thảo luận về 2 chủ đề chính: “Vai trò của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) khi đương đầu với các thảm họa công” và “Tiếng nói toàn cầu, kết quả toàn cầu và ảnh hưởng sâu rộng của SAI”. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung đã có bài tham luận nhóm chủ đề 1 về “Vai trò của Cơ quan Kiểm toán tối cao đối với thảm họa công - góc nhìn của Việt Nam”.

qu.jpg
Đoàn Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham dự Đại hội. Ảnh: Vụ HTQT

Trong những năm qua, thảm họa công gồm thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… đã xảy ra làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường tại nhiều quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới và là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi. Thảm họa công cũng gây ra một số tác động lớn đối với hoạt động của KTNN Việt Nam.

Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời để điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo ưu tiên tối đa cho hoạt động phòng, chống Covid-19 theo đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, KTNN đã điều chỉnh giảm 28 cuộc kiểm toán tương ứng với 38 Đoàn kiểm toán; giảm thời gian kiểm toán và đầu mối đơn vị được kiểm toán.

Trong bối cảnh này, KTNN đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thảm họa công. Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực tối đa cho công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa và phục hồi kinh tế sau thiên tai, đại dịch. Những đánh giá, xác nhận của KTNN có ý nghĩa không thể thiếu trong quá trình triển khai các chính sách phòng ngừa, ứng phó và phục hồi kinh tế Việt Nam sau thiên tai và đại dịch.

KTNN thực hiện kiểm toán đánh giá tác động của các chính sách tại cả 3 khâu: Phòng ngừa thảm họa, Ứng phó với thảm họa và Phục hồi sau thảm họa. KTNN góp phần minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng nguồn lực công; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện các chính sách phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thảm họa. Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện các hành vi gian lận, vi phạm, từ đó kiến nghị xử lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn lực công nói chung và cho công tác phòng ngừa, ứng phó, phục hồi sau thiên tai, dịch bệnh nói riêng. KTNN cũng tham gia, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến thảm họa công theo quy định của pháp luật.

Bài tham luận của Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung đã đưa ra những bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ KTNN Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, KTNN cần nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm toán liên quan đến các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thảm họa công của Chính phủ; kịp thời bám sát các chương trình, gói hỗ trợ, các chủ thể chịu tác động của thảm họa công đã và đang được Chính phủ triển khai để đưa vào lựa chọn chủ đề kiểm toán đồng thời, chỉ ra những điểm bất cập, những lỗ hổng của cơ chế để tư vấn cho Chính phủ hoàn hiện. KTNN cần bám sát chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện kiểm toán; cần bố trí đầy đủ nguồn lực và các yếu tố cần thiết để thực hiện kiểm toán các nội dung liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thảm họa công.

Bài tham luận đã đề xuất một số kiến nghị của SAI Việt Nam đối với INTOSAI. Liên quan đến vấn đề đào tạo và phương pháp kiểm toán về các khoản chi tiêu công trong các trường hợp khẩn cấp, ứng phó với thảm họa công, INTOSAI đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập, chuyển giao đào tạo năng lực cho các SAI. INTOSAI đã ban hành hệ thống chuẩn mực 5500 về kiểm toán các khoản viện trợ liên quan đến thảm họa. Việc hướng dẫn cụ thể, đào tạo năng lực kiểm toán viên liên quan đến hệ thống chuẩn mực này cũng như những nghiên cứu, báo cáo của các tổ chức và cơ quan kiểm toán thành viên đòi hỏi nỗ lực của INTOSAI và các SAI có thể thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị.

Bên cạnh năng lực chuyên môn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán là vô cùng cần thiết trong bối cảnh thiên tai, đại dịch khiến việc kiểm toán trực tiếp hay thu thập tài liệu, bằng chứng tại đơn vị được kiểm toán gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc chia sẻ công nghệ mới của INTOSAI cũng như giữa các SAI sẽ đóng vai trò quan trọng để duy trì hiệu lực và hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Các SAI cần chuẩn bị tốt đội ngũ kiểm toán viên kinh nghiệm đánh giá liên quan, đội ngũ chuyên gia và công nghệ hỗ trợ; cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với đơn vị được kiểm toán, các cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm tài trợ và quản lý thảm họa.

Các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với thảm họa ở những mức độ và cường độ khác nhau, ISSAI 5510 chỉ ra rằng hợp tác quốc tế giữa các SAI trong việc kiểm toán giảm thiểu rủi ro thảm họa có ý nghĩa rất quan trọng vì thảm họa có thể ập đến nhiều quốc gia cùng lúc. Việc thực hiện kiểm toán hợp tác cũng giúp nâng cao vị thế của SAI, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện các hoạt động và chương trình, tăng cường mối quan tâm chính trị đối với trách nhiệm giải trình và chia sẻ kiến thức giữa các SAI. Để kiến nghị Chính phủ và cơ quan lập pháp củng cố hệ thống, chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong hoạt động một cách kịp thời và đảm bảo hiệu lực, tính kịp thời của báo cáo kiểm toán và các kiến nghị kiểm toán đóng vai trò quan trọng. SAI có thể xem xét việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, báo cáo theo những chủ đề riêng lẻ và tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc cuối kỳ để đảm bảo tiến độ, hiệu lực của kiến nghị kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước Việt Nam: Đề cao vai trò của Cơ quan Kiểm toán tối cao với thảm họa công