Kiểm toán nhà nước Việt Nam - Tòa Thẩm kế Pháp: Thúc đẩy hợp tác kiểm toán phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Nhận lời mời của Tòa Thẩm kế Pháp, ngày 11-12/9, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có chuyến thăm và làm việc tại Tòa Thẩm kế Pháp. Trọng tâm của chuyến công tác là thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về: Kiểm toán phòng, chống tham nhũng, các biện pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng; đánh giá các chính sách và chương trình công của Chính phủ.

Kiên định mục tiêu phòng, chống tham nhũng, bảo vệ ngân sách công

Ngày 11/9, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm với Chủ tịch danh dự Tòa Thẩm kế Pháp Gilles-Pierre Levy. Tại Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, kiểm toán phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

9b.jpg
Đoàn đại biểu KTNN Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đồng nghiệp của Tòa Thẩm kế Pháp. Ảnh: CTV

Thông qua hoạt động kiểm toán, tính trong 5 năm gần đây, KTNN đã phát hành 610 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến các vi phạm, sai sót phát hiện qua kiểm toán. KTNN Việt Nam chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra 23 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chuyển 1.456 lượt báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc kiểm toán đánh giá các chính sách và chương trình công, trong giai đoạn vừa qua, KTNN đã tiến hành kiểm toán nhiều chính sách lớn của Nhà nước như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phòng, chống đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ…

“Các kết quả, kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến các chính sách, chương trình công luôn được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân đặc biệt quan tâm” - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết.

Tòa Thẩm kế Pháp đánh giá cao những kết quả mà KTNN Việt Nam đạt được, đồng thời cho biết, Tòa Thẩm kế Pháp đảm bảo việc sử dụng tài chính công hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả thông qua thực hiện 4 nhiệm vụ, gồm: Phán xét, kiểm soát, đánh giá và xác nhận. Tòa Thẩm kế ra phán xét quyết toán tài khoản cá nhân; kiểm tra tính chính xác của tất cả các nguồn thu chi, xác nhận tính hợp lý của tài khoản đã kiểm tra. Từ đó, ra “Thông báo miễn trừ đối với cá nhân công chức” hoặc ra “Tuyên bố trách nhiệm tài chính” khi có sai phạm. Để đảm bảo công quỹ được sử dụng chính xác, hiệu quả và tiết kiệm, Tòa Thẩm kế kiểm soát tính phù hợp của các hoạt động quản lý theo pháp luật và quy định (bao gồm cả Pháp và Liên minh châu Âu); đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hoặc huy động hiệu quả nhất.

Đồng thời, thực hiện đánh giá, kiểm soát đối với các chính sách công hoặc với các cơ quan cụ thể. Khi các chính sách này được thực hiện ở cả cấp quốc gia và địa phương, Tòa sẽ phối hợp với 23 Tòa thẩm kế vùng/khu vực để tiến hành các cuộc đánh giá chung. Mục tiêu là cung cấp thông tin đáng tin cậy về tình hình tài chính của các tài khoản nhà nước và an sinh xã hội.

Thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 12/9, tại Trụ sở Toà Thẩm kế Pháp, Chủ tịch thứ nhất Tòa Thẩm kế Pháp Pierre Moscovici đã có buổi tiếp Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ mong muốn tiếp tục được Toà Thẩm kế Pháp hỗ trợ, đặc biệt về các hoạt động mà Toà có thế mạnh như: Hoạt động đánh giá chính sách công, về kiểm toán phòng, chống tham nhũng, rửa tiền và kiểm toán các cơ quan bên ngoài…

9a.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Chủ tịch thứ nhất Tòa Thẩm kế Pháp Pierre Moscovici. Ảnh: CTV

Chủ tịch Pierre Moscovici khẳng định: “Tất cả đội ngũ của chúng tôi đều sẵn sàng hợp tác với KTNN Việt Nam. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không chỉ hợp tác trên diễn đàn song phương mà cả trên các diễn đàn đa phương. Từ năm 2017-2019, mô hình hợp tác giữa hai cơ quan được đánh giá rất thành công”.

Bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất mời KTNN Việt Nam tham gia Hiệp hội Các tổ chức Kiểm toán tối cao cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (AISCCUF), Chủ tịch Pierre Moscovici đưa ra thêm đề xuất Việt Nam có thể tham gia Nhóm các nước thành viên của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) có mô hình Tòa Thẩm kế. Trước tiên, KTNN Việt Nam có thể tham gia với tư cách là quan sát viên. “Đây là một cơ hội rất tốt cho KTNN Việt Nam tiếp thu, học hỏi thông qua việc theo dõi các cuộc họp trao đổi kinh nghiệm giữa các nước về lĩnh vực kiểm toán quản lý tài chính công. Nhiều nước như: Brazil, Chile, Tây Ban Nha, Maroc, một số nước châu Phi cũng tham gia vào nhóm này và sau đó họ đã hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều”.

Tòa Thẩm kế Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ KTNN Việt Nam, có thể cử cán bộ đến trực tiếp hỗ trợ KTNN Việt Nam; đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán phòng, chống tham nhũng”.

Chủ tịch danh dự Tòa Thẩm kế Pháp Gilles-Pierre Levy

Đồng thuận với đề xuất của Chủ tịch Pierre Moscovici, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tin tưởng đây sẽ là cơ hội để KTNN Việt Nam hoàn thiện bộ máy hoạt động và bày tỏ mong muốn Tòa Thẩm kế Pháp sẽ hỗ trợ KTNN Việt Nam hoàn thiện quy trình thực hiện các thủ tục xin gia nhập Nhóm này./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước Việt Nam - Tòa Thẩm kế Pháp: Thúc đẩy hợp tác kiểm toán phòng, chống tham nhũng