Kiểm toán nợ công giúp cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro tài chính quốc gia

(BKTO) - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công là chủ đề của Hội thảo do KTNN phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 6 vừa qua. Tại đây, các đại biểu trong nước đã tập trung tham luận, thảo luận về các vấn đề: thực trạng, vai trò của công tác quản lý nợ công; trọng tâm, mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán nợ công, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công.



Quản lý nợ công có vai tròquan trọng

Theo ông Trần Kim Lộc - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN), đây là diễn đàn để KTNN chia sẻ về thực trạng và thách thức trong thực hiện kiểm toán nợ công; lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý phân tích về ảnh hưởng của nợ công đối với nền kinh tế và khẳng định vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc ngăn ngừa các rủi ro phát sinh, đề ra các biện pháp quản lý các khoản nợ công một cách tốt hơn…


Toàn cảnh Hội thảo- Ảnh: HOÀNG LONG
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện của KTNN Việt Nam cho biết, nợ công của Chính phủ Việt Nam gồm: các khoản nợ Chính phủ, nợ bảo lãnh Chính phủ và nợ chính quyền địa phương, không bao gồm nợ của các DNNN; ngưỡng nợ công an toàn được Quốc hội đề ra là tổng nợ công/GDP là 65%. Còn theo đại diện của KTNN Latvia, nợ công của Latvia bao gồm trái phiếu chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ của các DNNN và ngân hàng. Tương tự, theo đại diện của Cơ quan Phân tích ngân sách của Vương quốc Anh, trong cơ cấu nợ công của Anh cũng có các thành phần tương tự như Latvia nhưng còn có thêm thành phần vay nợ trả lương hưu khu vực công. Latvia và Anh không quy định trần nợ công nhưng thường tham chiếu với mục tiêu nợ công/GDP của EU là mức dưới 60%.

Đề cập đến thực trạng nợ công của Việt Nam, đại diện của Bộ Tài chính cho biết, nợ công có chiều hướng tăng cao trong những năm gần đây (nợ công/GDP năm 2011 là 50%; 2012 là 51%; 2013 là 54%; 2018 là 58%; 2015 là 61%; 2016 là 64%; 2017 là 61%; 2018 là 58%), đồng thời với đó là áp lực trả nợ và lãi suất tăng lên khi Việt Nam chuyển thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008, tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế) từ năm 2017 và tốt nghiệp ADF (dừng vay vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển châu Á) từ năm 2019. Kết quả này dẫn đến chi phí lãi vay cao hơn, khả năng tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cao giảm, thay thế bằng các khoản vay kém ưu đãi hơn; hơn nữa, các nguồn vốn IDA, ADF còn áp dụng điều khoản trả nợ nhanh. Để chủ động ứng phó, trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp cơ cấu lại nợ công.

Tại Hội thảo, đại diện KTNN Latvia nêu rõ, nợ tổng hợp của Chính phủ Latvia lên đến 10 tỷ Euro trong năm 2016, tức là xấp xỉ 11.000 Euro/người có việc làm và nợ tổng hợp của Chính phủ đã tăng 11% so với năm 2012. Theo tính toán của kiểm toán viên KTNN Latvia, nợ tổng hợp của Chính phủ sẽ vượt 21.000 Euro/người có việc làm vào năm 2030. Tuy nợ Chính phủ không giảm nhưng lại được tái phân bổ ngân sách trong nghĩa vụ trả nợ, ngoài ra, Latvia còn phải vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách hiện tại. Điều này không thể đảm bảo các chính sách tài chính quốc gia ổn định và trách nhiệm. Qua kiểm toán, KTNN Latvia đã đưa ra 42 khuyến nghị, nhưng có tới 20 khuyến nghị chưa được thực hiện hoặc mới chỉ bắt đầu được khởi động.

Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II (KTNN) - cho biết, công tác quản lý nợ công có vai trò nền tảng đối với sự phát triển bền vững của nền tài chính quốc gia. Do đó, kiểm toán công tác quản lý nợ công có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Một trong những mục tiêu của kiểm toán nợ công là nhằm đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị về những khả năng, rủi ro tài chính quốc gia tiềm tàng; có được một bức tranh toàn diện về thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản nợ; đánh giá tính bền vững của các khoản nợ, từ đó có các biện pháp và quyết định phù hợp…

Siết kỷ cương tài chính côngqua kiểm toán nợ công

Ông Andy King - Cơ quan Phân tích ngân sách của Vương quốc Anh - cho rằng, có thể đánh giá nợ công bằng nhiều cách và phân tích nợ công từ nhiều góc độ khác nhau. Tùy vào từng mục đích cụ thể, việc thực hiện các biện pháp đánh giá giúp xây dựng được một bức tranh tổng thể về nợ công. Việc giám sát theo nhiều góc độ, bởi các cơ quan khác nhau cũng sẽ góp phần xác định các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, minh bạch là điều cốt yếu để có thể đối chiếu những điểm khác biệt giữa các biện pháp đánh giá và cho thấy rõ các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tài chính.

Đại diện cho KTNN Latvia, bà Lelde Dimante - Chuyên viên quản lý phân tích kết quả kiểm toán và quy trình cải tiến - cho biết, kiểm toán nợ công tại Latvia được thực hiện thông qua các cuộc kiểm toán tài chính hằng năm bằng các công cụ tài chính phái sinh, trái phiếu ngắn hạn và dài hạn, vay nợ ngắn hạn và dài hạn, nợ tiềm tàng, nợ phải trả của các DNNN. Đồng thời, kiểm toán nợ công được thực hiện thông qua kiểm toán hoạt động việc lập kế hoạch ngân sách tại Latvia. Từ đó, KTNN Latvia đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện kỷ cương tài chính, hướng đến tính bền vững của tình hình tài chính công.

Chia sẻ về kiểm toán nợ công tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Giang nêu rõ, năm 2011, lần đầu tiên KTNN Việt Nam đã bắt đầu và dần đưa nội dung kiểm toán công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính như một nội dung kiểm toán chi tiết trong nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hằng năm. Đặc biệt, từ năm 2016, KTNN đã tổ chức kiểm toán nợ công thành một cuộc kiểm toán chuyên đề hằng năm, bao gồm việc kiểm toán các dự án, chương trình có sử dụng nợ công.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN Việt Nam đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương. Mặc dù còn rất khiêm tốn và mới tập trung vào các nhận xét, đánh giá nhưng những ý kiến của KTNN đã góp phần cảnh báo tình hình quản lý nợ công, thúc đẩy các cơ quan quản lý nợ có biện pháp quản lý tốt hơn. Vì vậy, kết quả kiểm toán nợ công tạo được sự quan tâm của Quốc hội, các cơ quan chức năng và dư luận.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18/7/2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán nợ công giúp cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro tài chính quốc gia