Kiểm toán nợ công và những khó khăn cần tháo gỡ

(BKTO) - Ở Việt Nam, việc quản lý và sử dụng nợ công đang được Quốc hội cũng như các cơ quan quản lý xem như một vấn đề hệ trọng trong hoạt động quản lý tài chính - ngân sách quốc gia. Để có thể phát huy các khoản vốn vay, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội, quá trình sử dụng nợ công đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý, hiệu quả, đặc biệt là phải thường xuyên được các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát.



KTNN cảnh báo về tình hình quản lý nợ công

Trên thực tế, vấn đề nợ công vẫn được KTNN tiến hành kiểm toán bằng các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm, với các nội dung chủ yếu như: kiểm toán các báo cáo nợ công của Chính phủ; kiểm toán nợ của Chính phủ; kiểm toán các khoản vay/trả nợ/dư nợ trong nước, vay nước ngoài; kiểm toán nợ của chính quyền địa phương; kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ…

Theo thông tin từ Vụ Tổng hợp của KTNN, hiện nay, công tác tổ chức và quản lý nợ công vẫn chưa được tập trung thống nhất như quy định của Luật Quản lý nợ công mà còn phân tán bởi sự chủ trì của các Bộ, ngành khác nhau. Tại Bộ Tài chính, việc quản lý nợ công còn rải ra nhiều đơn vị, chẳng hạn: Vụ Tài chính Ngân hàng quản lý bảo lãnh phát hành trái phiếu trong nước; Vụ Ngân sách nhà nước thực hiện và quản lý các khoản vay khác của NSNN, tổng hợp các khoản nợ của chính quyền địa phương; Kho bạc Nhà nước thực hiện và quản lý phát hành trái phiếu chính phủ, vay tồn ngân kho bạc; Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại quản lý nợ nước ngoài của Chính phủ, bảo lãnh vay vốn nước ngoài và trong nước, tổng hợp nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia…


KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong các quy định, chính sách về công tác quản lý nợ công - Ảnh: BÍCH NGỌC
Sự thiếu gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn với tổ chức thực hiện và trả nợ vay đã đưa đến tình trạng bị động trong việc cân đối nguồn trả nợ cũng như khuyến khích sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm. Quá trình tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất cũng còn khó khăn, dẫn đến nhiều sai sót.

Ngoài ra, KTNN cũng đã chỉ ra những bất cập trong các quy định, chính sách liên quan tới một số khía cạnh cụ thể của công tác quản lý nợ công, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất của Vụ Kinh tế đối ngoại; Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, chưa đúng niên độ; chưa tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro (tín dụng, tỷ giá...) đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ; việc đối chiếu với các cơ quan cho vay lại chưa kịp thời; chưa cập nhật số liệu rút vốn các năm trước, chưa điều chỉnh số liệu sau khi đối chiếu với chủ nợ; theo dõi và tổng hợp thiếu số liệu nợ…

Qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của Chính phủ và việc quản lý, sử dụng nợ công, góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý nợ có biện pháp quản lý tốt hơn.

Để kiểm toán nợ côngđạt hiệu quả mong muốn

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định song hoạt động kiểm toán nợ công của KTNN vẫn đang gặp không ít khó khăn. Điều này khiến chất lượng kiểm toán nợ công chưa đem lại kết quả như mong muốn.

Một đại diện của Vụ Tổng hợp KTNN cho biết: Đề cương kiểm toán nợ công thực tế đã được ban hành vào năm 2016, tuy nhiên, việc thực hiện một số mục tiêu, nội dung kiểm toán chưa đạt được như yêu cầu của Đề cương, chưa đánh giá được tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý và sử dụng nợ công.

Đặc thù của quản lý và sử dụng nợ công bao gồm những lĩnh vực rất rộng, có nhiều đơn vị tham gia, thế nhưng những năm qua, KTNN mới chỉ tập trung vào việc thu thập bằng chứng để đánh giá công tác theo dõi, hạch toán, tổng hợp và xác nhận số liệu nợ công. Việc kiểm toán tình hình sử dụng nợ chưa được thực hiện, hoặc nếu có thì quy mô kiểm toán còn quá nhỏ so với tổng thể, không đủ cơ sở đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc sử dụng nợ.

Công tác kiểm toán chủ yếu được thực hiện tại các cơ quan tổng hợp về tài chính nên hiệu quả sử dụng nợ công cụ thể của các đơn vị rất khó để đánh giá chính xác. Quản lý và sử dụng nợ công cũng là công tác mang tính đặc thù cao, tuy nhiên, KTNN lại chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này để có thể giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược cũng như thực hiện kiểm toán nợ công hằng năm một cách hiệu quả.

Một số kiểm toán viên mới tiếp cận lĩnh vực kiểm toán nợ công, chưa nắm rõ được nghiệp vụ, quy trình vay, theo dõi, hạch toán, quản lý và sử dụng các khoản nợ này nên gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin cũng như chưa phân tích, đánh giá số liệu để đưa ra các kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán phù hợp. Trên thực tế, nhiều cuộc kiểm toán mới chỉ đi sâu kiểm toán tính tuân thủ trong việc vay nợ, đánh giá quy mô, tỷ trọng nợ công, chưa đi sâu đánh giá cơ cấu nợ và các rủi ro về tỷ giá, lãi suất, rủi ro về thanh khoản… đối với các khoản nợ.

Để nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng cũng như thực hiện hiệu quả các cuộc kiểm toán nợ công, đại diện Vụ Tổng hợp KTNN đã kiến nghị một số giải pháp:

Thứ nhất, KTNN cần xây dựng quy chế phối hợp giữa KTNN với các cơ quan được giao quản lý nợ công, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… để có thể thường xuyên cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến nợ công. Kinh nghiệm cho thấy, KTNN chỉ có thể tiến hành kiểm toán một cách đầy đủ, có chất lượng và hiệu quả đối với công tác này khi được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về quản lý, sử dụng nợ, đồng thời kiểm toán viên phải được tiếp cận không giới hạn mọi thông tin liên quan đến quản lý nợ.

Thứ hai, KTNN cần xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm toán nợ công nhằm hướng dẫn kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán được đầy đủ, thuận lợi và hiệu quả, đặc biệt là đối với các kiểm toán viên chưa có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Thứ ba, KTNN cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nợ công bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, lớp bồi dưỡng để trao đổi kinh nghiệm, từ đó đưa ra những phương pháp, cách thức tiếp cận nhằm giúp đội ngũ kiểm toán viên có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu kiểm toán.

NHỊ NGUYÊN
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)
Cùng chuyên mục
Kiểm toán nợ công và những khó khăn cần tháo gỡ