Xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và việc vận dụng đối với Việt Nam

(BKTO) - Để bảo đảm hiệu lực của hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật, Luật KTNN của hầu hết các nước trên thế giới đều trực tiếp quy định về xử lý hành vi vi phạm Luật KTNN. Đây là những kinh nghiệm quý cần được nghiên cứu, vận dụng trong sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.



Kinh nghiệm quốc tế

Luật KTNN Trung Quốc có 1 chương riêng (Chương VI) quy định về trách nhiệm pháp lý với 10 điều (từ Điều 43 đến Điều 52), cụ thể như sau:
Nếu đơn vị được kiểm toán từ chối cung cấp hoặc trì hoãn việc cung cấp các thông tin liên quan đến các vấn đề kiểm toán hoặc cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, từ chối hoặc cản trở việc kiểm tra thì tổ chức kiểm toán có liên quan phải yêu cầu đơn vị đó khắc phục và có thể gửi một thông báo phê bình và đưa ra một cảnh báo cho đơn vị đó; nếu đơn vị đó từ chối khắc phục, đơn vị đó sẽ bị điều tra trách nhiệm theo quy định của pháp luật (Điều 43).

Khi một đơn vị được kiểm toán có hành vi chuyển nhượng, che giấu, làm sai lệch hoặc tiêu hủy các hồ sơ kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính hoặc thông tin khác liên quan đến các khoản thu chi công hoặc chuyển nhượng, che giấu các tài sản thuộc sở hữu của mình có được vi phạm các quy định của Nhà nước và tổ chức kiểm toán cho rằng những người trực tiếp phụ trách và những người khác chịu trách nhiệm trực tiếp phải chịu các biện pháp trừng phạt theo quy định của pháp luật, thì tổ chức kiểm toán phải đưa ra các gợi ý cho hiệu lực này (Điều 44).

Trường hợp một người trả thù hoặc vu khống đối với một kiểm toán viên, người đó sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nếu hành vi đó cấu thành tội phạm thì sẽ bị điều tra trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 51).

Trường hợp một kiểm toán viên lạm dụng quyền hạn của mình, tham gia vào các hành vi sai trái vì lợi ích cá nhân, bỏ bê nhiệm vụ hoặc tiết lộ bí mật nhà nước hoặc bí mật kinh doanh mà kiểm toán viên đó biết thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nếu hành vi đó cấu thành tội phạm thì sẽ bị điều tra trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 52).

Luật KTNN Vương quốc Campuchia cũng có một chương riêng (Chương 10) gồm 2 điều (Điều 44, Điều 45) quy định về hình phạt. Nội dung của Chương này quy định hình thức xử phạt (phạt tiền hoặc phạt tù) với các mức phạt cụ thể đối với cá nhân có trách nhiệm thuộc các đơn vị được kiểm toán hoặc những cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán khi vi phạm các điều khoản của Luật KTNN quy định về: Trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN (Điều 31); Không tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán theo quy định (Điều 33); Cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho KTNN (Điều 34). Cụ thể là:

Không kể các hình phạt khác có thể, người nào vi phạm Điều 31 (trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN) hoặc Điều 33 (không tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán theo quy định) của Luật này phải chịu khoản tiền phạt từ 1 triệu Riel tới 5 triệu Riel hoặc bị phạt tù trong thời gian từ 1 đến 3 tháng hoặc phải chịu cả phạt tiền và phạt tù (Điều 44).

Không kể các hình phạt khác có thể, người nào vi phạm Điều 34 (cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho KTNN) của Luật này phải chịu khoản tiền phạt lên tới 5 triệu Riel hoặc hơn hoặc bị phạt tù trong thời gian từ 1 đến 5 năm hoặc phải chịu cả phạt tiền và phạt tù (Điều 45).
Luật KTNN Hàn Quốc, có 1 điều quy định về xử phạt, cụ thể:

Điều 51. Xử phạt:

(1) Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tù tới 1 năm hoặc phạt tiền tới 5 triệu Won:

a. Người chịu sự kiểm toán theo Luật này mà khước từ kiểm toán, cung cấp thông tin hoặc trình hồ sơ;

b. Người ngăn cản kiểm toán theo Luật này;

c. Người không chịu trình bày hoặc trình bày hồ sơ theo quy định tại Điều 27 (mời đến trình bày hồ sơ, niêm phong...) khoản 2 và Điều 50 (sử dụng sự giúp đỡ của người khác trong khi kiểm toán) hoặc không có mặt để trình bày mà không có lý do chính đáng.

(2) Vi phạm quy định tại Điều 27, khoản 4 sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền tới 20 triệu Won.

(3) Các hình phạt tù và phạt tiền quy định tại khoản 2 trên đây có thể được áp dụng đồng thời cho một hành vi vi phạm.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, Điều 32, KTNN có thể yêu cầu Bộ trưởng chủ quản hoặc đơn vị trực tiếp quản lý tiến hành biện pháp kỷ luật công chức có trách nhiệm đã khước từ kiểm toán hoặc trình hồ sơ theo tinh thần của Luật này mà không có lý do thoả đáng.

Luật Kiểm toán Cộng hòa liên bang Đức, có 1 điều quy định về xử lý kỷ luật đối với các uỷ viên của KTNN liên bang, cụ thể là:

- Điều 18: Thẩm quyền của toà án công vụ liên bang

+ Toà án công vụ liên bang chuyên trách về xét xử kỷ luật có tính chất hình thức đối với các uỷ viên của KTNN liên bang và về việc xét xử công tác kiểm toán theo nghĩa Điều 66 - Đạo luật thẩm phán Đức - có liên quan đến uỷ viên của KTNN liên bang. Quyền đề nghị khởi tố theo Điều 63, khoản 2 và Điều 66, khoản 3 - Đạo luật thẩm phán Đức - của các cơ quan công vụ tối cao đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch thuộc về Chủ tịch Quốc hội liên bang hoặc Chủ tịch của Hội đồng liên bang.

+ Các bồi thẩm không thường trực của toà án công vụ phải là uỷ viên của KTNN liên bang. Chủ tịch của toà án liên bang chọn những bồi thẩm này cho thời gian hoạt động 5 năm theo thứ tự trong danh sách đề nghị do Đại hội đồng lập.

+ Những quy định của Đạo luật thẩm phán Đức được áp dụng cho việc xét xử trước toà án công vụ.

Luật Kiểm toán Cộng hòa Pháp có 1 khoản quy định việc xử phạt hành vi cản trở các kiểm toán viên trong khi thực hiện các quyền hạn theo luật định như sau:

Khoản 8, Điều 9: Người nào ngăn cản dưới bất kỳ hình thức nào các công chức có địa vị thẩm phán, các kiểm toán viên đặc biệt và các báo cáo viên kiểm toán trong khi họ thi hành các thẩm quyền mà pháp luật trao cho họ thì bị phạt tiền tới hơn 15.000 EURO. Uỷ viên công tố tối cao tại KTNN có quyền khởi kiện tại phòng xử phạt của KTNN đối với những hành vi này.

Luật Kiểm toán Cộng hòa Séc, có 1 khoản quy định việc xử phạt hành vi vi phạm của tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán; xử lý kỷ luật đối với các uỷ viên của KTNN, cụ thể là:

Khoản 1, Điều 28: Một thể nhân có lỗi trong việc đã làm cho đơn vị được kiểm toán không thực hiện được các nghĩa vụ của mình được ghi tại Điều 24 của Luật này thì có thể bị phạt tiền đến gần 2.000 EURO.

Điều 44: Biện pháp kỷ luật

(1) Đối với một vi phạm công vụ thì có thể tuyên phạt một trong các biện pháp kỷ luật sau đây:

a. Cảnh cáo,

b. Hạ lương cao nhất là 15% đối với thời gian dài nhất là 3 tháng.

(2) Đối với một vi phạm công vụ trầm trọng hoặc trường hợp tái phạm thì có thể tuyên phạt một trong các biện pháp kỷ luật sau đây:

a. Hạ lương cao nhất là 15% đối với thời gian dài nhất là 6 tháng,

b. Đề nghị bãi chức một uỷ viên của KTNN khỏi chức vụ của người đó,

c. Đề nghị bãi chức (người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị vi phạm).

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN cho thấy, Luật KTNN của các nước được nghiên cứu đều có các quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm Luật KTNN. Tuy nhiên, các quy định về xử lý hành vi vi phạm Luật KTNN của các nước có thể khác nhau về mức độ, nội dung cụ thể.

Cũng theo kinh nghiệm quốc tế, đa số các Luật KTNN nhấn mạnh và đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc những hành vi cản trở các kiểm toán viên trong khi thực hiện các quyền hạn theo luật định hoặc trừng phạt những hành động cất giấu hoặc tiêu hủy các hồ sơ tài liệu; hành vi vi phạm pháp luật của bên thứ ba dẫn đến việc làm cho đơn vị được kiểm toán không thực hiện được các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN. Ngoài việc nhấn mạnh biện pháp xử lý những hành vi nêu trên, nhiều Luật KTNN đều quy định biện pháp xử lý những hành vi vi phạm kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước.

Về thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN, Luật KTNN của nhiều nước định rõ thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN. Theo đó, những chế tài liên quan trực tiếp đến quyền tự do của công dân (phạt tù) hoặc phạt tiền đều được phán quyết bởi cơ quan toà án. Ngoài chế tài phạt tiền do cơ quan toà án tuyên phạt (phạt tiền theo con đường tư pháp), hình thức phạt tiền (phạt hành chính) cũng được thực hiện bởi cơ quan KTNN, như khoản 1, Điều 28 Luật KTNN Cộng hòa Séc quy định: “Một thể nhân có lỗi trong việc đã làm cho đơn vị được kiểm toán không thực hiện được các nghĩa vụ của mình được ghi tại Điều 24 của Luật này thì có thể bị Cục phạt tiền đến gần 2.000 EURO”.

Về quyền kiến nghị xử lý của KTNN đối với hành vi vi phạm Luật KTNN, kinh nghiệm của các nước cho thấy: Trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị được kiểm toán, của tổ chức, cá nhân có liên quan thì KTNN phải xử lý theo quy định của pháp luật đối với những nước mà Luật KTNN trao quyền xử lý cho KTNN. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan khác hoặc đối với những nước mà KTNN không có thẩm quyền xử lý trực tiếp thì KTNN phải kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý hành vi vi phạm pháp luật thông qua việc kiến nghị và chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm do KTNN phát hiện trong hoạt động kiểm toán.

Bổ sung quy định về xử lý vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm xử lý hành vi vi phạm Luật KTNN của các nước có thể rút ra một số vấn đề để tham khảo trong quá trình hoàn thiện Luật KTNN ở nước ta hiện nay.

Thứ nhất, để bảo đảm hiệu lực của hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật, cần quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hiện nay, ở nước ta, hệ thống pháp luật về KTNN chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 71: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về KTNN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về xử lý các hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan nên không có cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thực tế thực hiện pháp luật về KTNN những năm qua cho thấy, đã phát sinh những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan như: cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách,... song chưa có sở pháp lý để xử lý mà chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở, đã làm giảm hiệu lực hoạt động KTNN nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Luật KTNN năm 2015 không quy định KTNN có quyền xử lý vi phạm, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (chưa quy định mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt của KTNN). Đây là “khoảng trống pháp lý” cần khắc phục khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.

Thứ hai, bổ sung Luật KTNN năm 2015 một số quy định về xử lý đối với hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan, Quốc hội cần sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Trước mắt, cần hoàn thiện Luật KTNN theo hướng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

TS. ĐẶNG VĂN HẢI - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 9/5/2019
Cùng chuyên mục
Xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và việc vận dụng đối với Việt Nam