Kiểm toán nội bộ: Tăng khả năng phù hợp, bắt kịp những nhu cầu mới của tổ chức

(BKTO) - Động lực có giá trị nhất để tăng mức độ phù hợp của kiểm toán nội bộ (KTNB) là có công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ cũng như đội ngũ nhân tài kế cận - khảo sát KTNB thế hệ tiếp theo năm 2023 của Protiviti nhấn mạnh.

anh-minh-hoa.-nguon-internet.png
KTNB đang dần định vị bản thân để thực hiện mục tiêu tăng mức độ phù hợp. Ảnh minh họa

Kết quả Khảo sát KTNB thế hệ tiếp theo năm 2023 của Protiviti (công ty tư vấn toàn cầu về tài chính, công nghệ, dữ liệu, pháp lý, rủi ro và kiểm toán nội bộ…) cho thấy, khi đề cập đến những mục tiêu phát triển trong tương lai, giám đốc điều hành KTNB (CAE) tập trung vào việc thu hút nhân tài, lấp đầy khoảng trống về kỹ năng công nghệ và nâng cao khả năng hỗ trợ của công nghệ đối với hoạt động KTNB.

Công nghệ và nhân tài có mối liên hệ mật thiết với nhau

Theo Protiviti, các tổ chức đẩy mạnh việc sử dụng dữ liệu và công nghệ có xu hướng thành công hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Thực tế cho thấy, nghề kiểm toán cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nhân tài, đặc biệt là nhân tài có khả năng giải quyết nhiều loại rủi ro và thông thạo các công nghệ mới nổi.

Có tới 43% CAE tham gia khảo sát của Protiviti cho biết họ không có khả năng tiếp cận được nhân lực mà họ cần. Trong khi đó, KTNB sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp các công ty vượt qua những khó khăn với hàng loạt rủi ro, các quy định mới và biến động thị trường tạo ra.

“Trong một thị trường lao động eo hẹp, KTNB không thoát khỏi cuộc chiến giành nhân tài, đặc biệt là khi kỳ vọng ngày càng cao đối với các chức năng KTNB liên quan đến đổi mới, chuyển đổi và các chủ đề nóng khác”, ông Andrew Struthers Kennedy - Lãnh đạo toàn cầu của Protiviti cho biết.

Cuộc khảo sát của Protiviti đã xác định rằng, các lĩnh vực thiếu hụt nhân tài nhất là học máy và trí tuệ nhân tạo. Việc đầu tư vào dữ liệu và công nghệ đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các tổ chức để giành được nhân tài cũng như nhu cầu nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại các kiểm toán viên nội bộ.

“Khoảng cách về nhân tài KTNB và sự trưởng thành về công nghệ có liên quan mật thiết với nhau” - Giám đốc điều hành Protiviti Angelo Poulikakos nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tuyển dụng, nâng cao kỹ năng và giữ chân nhân tài, 36% CAE tham gia khảo sát cũng cho biết, chi phí tiền lương tăng cao là mối quan tâm hàng đầu của KTNB hiện nay. Theo đó, các CAE phải phát triển các chiến lược để thu hút, giữ chân và đào tạo những người có trình độ, trong khi vẫn phải tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của KTNB và tối đa hóa mức độ phù hợp của KTNB trong tương lai. Đây là lý do khiến nhiều tổ chức vừa phải sử dụng nguồn lực bên ngoài và vừa nâng cao đội ngũ nội bộ, nhất là các nhân viên có kỹ năng công nghệ tham gia hoạt động kiểm toán.

Tăng khả năng phù hợp thông qua kết nối và chia sẻ thông tin

Theo các chuyên gia của Protiviti, KTNB đang dần định vị bản thân để thực hiện mục tiêu tăng mức độ phù hợp. Nói rộng ra, sự phù hợp được thể hiện qua kết nối và liên kết với những yếu tố quan trọng nhất trong tổ chức cũng như cung cấp giá trị thông qua các hình thức chia sẻ thông tin.

Điều cốt yếu đối với KTNB là phải luôn phù hợp và bắt kịp với những nhu cầu đang thay đổi cả bên trong và bên ngoài tổ chức, cũng như những kỳ vọng ngày càng tăng và những tiến bộ trong nghề.

Andrew Struthers Kennedy - Lãnh đạo toàn cầu của Protiviti

Theo đó, để thực sự phù hợp với tổ chức cũng như bối cảnh hiện tại, KTNB sẽ cần điều chỉnh: Các quy trình và thiết lập tầm nhìn, chiến lược ngắn, hạn, trung hạn, dài hạn; tiếp cận và điều chỉnh nhân lực cho các nhiệm vụ; phối hợp với các chức năng đảm bảo và rủi ro khác; đánh giá rủi ro theo cách năng động hơn; báo cáo linh hoạt và truyền thông hiệu quả; tích hợp dữ liệu và các công nghệ hỗ trợ.

Đặc biệt, KTNB cần tập trung nhiều hơn vào việc truyền thông và thực hiện các báo cáo một cách hợp lý, thường xuyên, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, mỗi cuộc kiểm toán sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nhân lực, đảm bảo huy động nguồn lực từ cả bên trong và bên ngoài tổ chức.

Để truyền thông hiệu quả, các kiểm toán viên nội bộ phải tối ưu hóa các hoạt động trong suốt vòng đời kiểm toán, bao gồm đánh giá rủi ro, xác định phạm vi/lập kế hoạch, dự án, tình trạng, báo cáo ủy ban kiểm toán, theo dõi và xác nhận vấn đề.

Bên cạnh đó, các CAE cũng nên đảm bảo rằng họ đang truyền đạt đầy đủ thông tin về những mối quan tâm và thách thức của KTNB đến giám đốc điều hành và hội đồng quản trị.

Ngược lại, các ủy ban kiểm toán cần thường xuyên đặt câu hỏi cho CAE rằng: KTNB có đủ các nguồn lực cần thiết không? Rào cản nào khiến KTNB không thể tập trung vào các mục ưu tiên ngắn hạn hoặc dài hạn không? Câu trả lời của CAE sẽ là các khung tham chiếu để các bên hợp tác và thấu hiểu hơn về hoạt động kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nội bộ: Tăng khả năng phù hợp, bắt kịp những nhu cầu mới của tổ chức