Ảnh minh họa - Nguồn:internet |
Thang điểm trưởng thành về công nghệ còn thấp
Theo ông Brian Christensen - Phó Chủ tịch Protiviti, Covid-19 cho thấy nhu cầu cấp thiết đối với các nhóm KTNB trong việc áp dụng công nghệ và nâng cao kỹ năng để trở thành đối tác chiến lược và cố vấn cho các C-suite, hội đồng quản trị và ủy ban kiểm toán. Điều này cũng đòi hỏi KTNB phải có khả năng tận dụng công nghệ để phân tích toàn diện và hiểu biết sâu sắc về môi trường rủi ro liên tục phát triển ngày nay.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy chỉ 14% số người tham gia khảo sát xác định bộ phận KTNB của họ là “đầu tàu kỹ thuật số”. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 72% các tổ chức dẫn đầu về kỹ thuật số báo cáo đã chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi sang mô hình làm việc từ xa khi Covid-19 bùng phát, cao hơn nhiều so với các tổ chức khác (51%).
Các lĩnh vực có mức độ trưởng thành thấp nhất theo khảo sát gồm: Học máy (ML) và Trí tuệ nhân tạo (AI), quy trình khai thác, tự động hóa, phân tích nâng cao. Đối với phần lớn các bộ phận KTNB không tự coi mình là “nhà lãnh đạo kỹ thuật số”, còn một chặng đường dài để vượt qua một số mặt trận công nghệ. Trên thang điểm trưởng thành từ 1 đến 10, nhóm này đánh giá đạt 4,1 về phân tích nâng cao; 3,8 về tự động hóa; 3,3 về khai thác quy trình và chỉ 2,8 về ML và AI.
Đối với các tổ chức đã tiến xa hơn về kỹ thuật số, đáng tiếc rằng kết quả khảo sát cũng cho thấy họ không thực sự tận dụng được các công nghệ mới như mong đợi. Nhóm tiên tiến này chỉ tự xếp hạng 5,6 điểm về việc áp dụng ML và AI. “Các kiểm toán trưởng (CAE) và nhóm của họ ngày nay đang gặp nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội tham gia và hỗ trợ DN theo những cách mới và sáng tạo hơn”- Báo cáo của Protiviti nhấn mạnh.
Nhận định thêm về vấn đề này, ông Brian Christensen cho rằng: Khi nhiều tổ chức chuyển sang mô hình làm việc kết hợp, điều quan trọng là các CAE phải thiết lập một lộ trình rõ ràng để tiếp cận và phát triển các kỹ năng cần thiết cho chức năng KTNB thế hệ tiếp theo. Đối với các nhóm KTNB, những người đang bị tụt hậu trong việc triển khai công nghệ mới, việc thiết lập các khuôn khổ để đạt được vị trí cần thiết với các phân tích tiên tiến và các công nghệ mới nổi khác là điều tối quan trọng. ”
Bốn thay đổi để bắt đầu “hành trình kỹ thuật số”
Theo khảo sát, nhiều nhóm KTNB chỉ mới bắt đầu với “hành trình kỹ thuật số” khi phần lớn có các sáng kiến cải tiến và chuyển đổi đang được tiến hành. Đây được xem là tín hiệu tốt đối với tương lai của KTNB. Các chuyên gia cho rằng, KTNB cần thay đổi tư duy để đi theo đường cong phát triển theo hướng sử dụng tốt hơn công nghệ tiên tiến. Trong đó, có bốn thay đổi cần được thực hiện để bắt đầu hành trình này:
Thay đổi cách thức quản trị, phương pháp luận của KTNB và hỗ trợ năng lực công nghệ cần thiết để giải quyết các rủi ro kinh doanh mới nổi, từ đó nâng cao kỳ vọng của các bên liên quan;
Tăng hiệu lực và hiệu quả của KTNB trong khi hoàn thành sứ mệnh cốt lõi của chức năng là bảo vệ giá trị của tổ chức;
Bắt đầu suy nghĩ khác đi;
Đánh giá lại thiết kế và năng lực của KTNB, phấn đấu trở thành một chức năng KTNB thế hệ tiếp theo nhanh nhẹn, đón nhận những lợi ích của tư duy, phương pháp và công nghệ mới nhất và có định hướng chuyển đổi.
Báo cáo của Protiviti đưa ra khuyến nghị: Các CAE cần đi đầu trong việc chuyển đổi các chức năng KTNB để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh. Điều này bao gồm việc xác định một lộ trình và có thể bắt đầu với các dự án nhỏ để tạo ra những chiến thắng có thể đạt được, đồng thời thiết lập văn hóa và tư duy đổi mới để nó trở thành một nỗ lực cấp cơ sở.
Mặc dù rất khó để hình dung hết được các công nghệ mới sẽ tác động đến bộ phận KTNB như thế nào nhưng hầu hết các kiểm toán viên nội bộ đồng ý rằng họ có thể làm tốt hơn và bắt kịp thời đại công nghệ. Sự hữu ích của AI, ML và blockchain là rõ ràng và đã được chứng minh qua các nhóm KTNB tại những tổ chức có tư duy tiến bộ trên toàn cầu./.
Khảo sát KTNB thế hệ tiếp theo năm 2021 được Protiviti thực hiện qua thăm dò ý kiến của 874 giám đốc điều hành trong quý I/2021, bao gồm các kiểm toán trưởng, giám đốc kiểm toán và giám đốc trong các ngành nghề khác trên toàn cầu. 60% các tổ chức tham gia khảo sát có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên. |
THÙY LÊ
(Thực hiện tuyên truyền Nghị quyết 84/NQ-CP của ngày 29/5/2020 của Chính phủ)