Kiểm toán nội bộ trong ngành bán lẻ: Linh hoạt để giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức

(BKTO) - Trong bối cảnh ngành bán lẻ phát triển nhanh chóng, kiểm toán nội bộ (KTNB) không chỉ đóng vai trò kiểm tra tuân thủ mà còn giúp nhận diện rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo tính minh bạch. Những biến động liên quan đến thuế quan, chuỗi cung ứng và yêu cầu bảo vệ dữ liệu khách hàng đang đặt ra yêu cầu KTNB phải sáng tạo và linh hoạt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức.

17-1-_z6779738405310_a28cb4454790cc55baf2a228b786c767.jpg
Kiểm toán ngành hàng bán lẻ cần linh hoạt nhưng vẫn phù hợp với chuẩn mực kiểm toán toàn cầu. Ảnh minh họa

Những thay đổi toàn cầu tác động đến ngành bán lẻ

Theo các chuyên gia của AuditBoard, trên phạm vi toàn cầu, các cơ quan quản lý đang ngày càng siết chặt và mở rộng các tiêu chuẩn về bảo vệ dữ liệu, tính bền vững, quyền lợi người tiêu dùng và khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung quy định về quyền riêng tư dữ liệu, buộc các nhà bán lẻ phải triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, đặc biệt trong bối cảnh thương mại số ngày càng phát triển. Tại Hoa Kỳ, các quy định về báo cáo môi trường, giảm thiểu chất thải và minh bạch nguồn gốc cũng được đẩy mạnh, yêu cầu các doanh nghiệp cải thiện hệ thống giám sát và tuân thủ.

17-2-_z6779738457549_ae275a84b1eba36157e369c6b29d6e1d.jpg
Các cơ quan quản lý đang thắt chặt tiêu chuẩn về bảo vệ dữ liệu, tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường quốc tế và tăng cường hiện diện trực tuyến khiến các nhà bán lẻ phải đối mặt với những rào cản pháp lý đa dạng theo từng quốc gia, khu vực. Ví dụ, giao dịch xuyên biên giới và thương mại điện tử hiện phải tuân theo nhiều quy định chặt chẽ, đòi hỏi phải kiểm soát kỹ hơn mối quan hệ với nhà cung cấp và hệ thống thanh toán để đảm bảo tuân thủ. Ở EU, các quy định nghiêm ngặt về nhãn sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn (GPSR) và quyền lợi người tiêu dùng liên tục được cập nhật, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ.

Tại Hoa Kỳ - thị trường lớn mà nhiều doanh nghiệp mong muốn chinh phục - chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã nới lỏng nhiều quy định để thúc đẩy tăng trưởng nội địa. Tuy nhiên, điều này lại tạo thêm thách thức cho các nhà bán lẻ toàn cầu, khi môi trường kinh doanh ngày càng liên kết chặt chẽ. Các thay đổi về thuế quan và chính sách thương mại đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các kiểm toán viên nội bộ phải rà soát lại phương pháp đánh giá rủi ro.

Linh hoạt nhưng vẫn phù hợp với chuẩn mực kiểm toán toàn cầu

Sự kết hợp giữa các thay đổi về quy định toàn cầu và chính sách nội địa đang tạo ra một môi trường rủi ro đa tầng. Để thích ứng, kiểm toán viên (KTV) nội bộ cần điều chỉnh phương pháp luận và nâng cao tính linh hoạt. Họ phải giám sát đồng thời các quy định trong nước và quốc tế, cập nhật quy trình quản lý rủi ro theo sự thay đổi của môi trường pháp lý, tận dụng phân tích dữ liệu để giám sát tuân thủ liên tục và nhận diện rủi ro trên toàn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tăng cường giám sát sẽ giúp KTNB xử lý hiệu quả những phức tạp nảy sinh từ sự thay đổi trong hệ thống quy định.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động và yêu cầu quản trị khu vực ngày càng cao, các KTV nội bộ cần đánh giá lại cách tiếp cận rủi ro chuỗi cung ứng. Cụ thể, KTNB cần thường xuyên đánh giá nhà cung cấp về mức độ tuân thủ quy định, đảm bảo hợp đồng và hoạt động kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn mới; kiểm soát các rủi ro liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nguồn cung và báo cáo bền vững. Đồng thời, cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, chiến lược ứng phó với những gián đoạn tiềm ẩn do thay đổi về thuế quan hoặc chính sách thương mại gây ra. Việc chủ động kiểm soát các rủi ro này giúp doanh nghiệp bán lẻ duy trì tính linh hoạt và ổn định hoạt động.

Tiêu chuẩn KTNB toàn cầu mới cập nhật năm 2025 yêu cầu các nhóm KTNB tăng cường kiểm toán dựa trên rủi ro, nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Với các nhà bán lẻ hoạt động đa quốc gia, KTNB phải điều chỉnh hoạt động theo các tiêu chuẩn này. Cụ thể: Cần trang bị đầy đủ công cụ và nguyên tắc cho KTV (Tiêu chuẩn 4.1); tăng cường quản trị để hỗ trợ ra quyết định và quản lý rủi ro (Tiêu chuẩn 9.1); và phát triển đội ngũ thông qua đào tạo chuyên sâu về kiểm toán rủi ro, đạo đức và công nghệ hiện đại (Tiêu chuẩn 12.2). Việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế giúp KTNB trở thành đối tác chiến lược, thúc đẩy tuân thủ và hỗ trợ phát triển bền vững.

Để đáp ứng các yêu cầu mới, KTV nội bộ cần áp dụng chiến lược chủ động và đổi mới. Trong môi trường bán lẻ hiện nay, nơi một xu hướng trên TikTok cũng có thể làm thay đổi hành vi tiêu dùng chỉ sau một đêm, KTNB phải cực kỳ linh hoạt để kiểm soát rủi ro phát sinh trong mạng lưới bán lẻ toàn cầu. Các nhóm KTNB cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận pháp chế, tuân thủ và vận hành để ứng phó kịp thời với các biến động quy định và kiểm soát thanh toán bằng tiền điện tử.

Các nhóm KTNB lĩnh vực bán lẻ phải hiệu chỉnh lại phương pháp luận của mình, đầu tư vào công nghệ và linh hoạt hơn để mang lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường toàn cầu không ngừng thay đổi.

Công nghệ là công cụ hỗ trợ thiết yếu cho hoạt động KTNB hiện đại. KTNB cần tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá rủi ro, phát hiện các bất thường mà phương pháp lấy mẫu truyền thống có thể bỏ sót; tích hợp hệ thống AI vào các nền tảng số để theo dõi tuân thủ; ứng dụng phân tích dự đoán nhằm nhận diện sớm sự cố tiềm tàng, đặc biệt trong quản lý hàng tồn kho và xử lý tiền mặt.

Văn hóa tuân thủ là yếu tố then chốt để quản lý rủi ro hiệu quả. KTNB có thể thúc đẩy văn hóa này thông qua đào tạo về đạo đức và tuân thủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đo lường hiệu quả các kiến nghị bằng thời gian khắc phục và mức độ tái phạm. KTNB đóng vai trò định hướng doanh nghiệp vận hành đúng hướng, thích ứng với những thay đổi trong quy định. Bằng cách kết hợp công nghệ, áp dụng chuẩn mực quốc tế và củng cố văn hóa tuân thủ, KTNB có thể giúp ngành bán lẻ phát triển bền vững và tối ưu hóa lợi nhuận./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán chăm sóc sức khỏe: Đảm bảo tuân thủ và cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân
    3 giờ trước Kiểm toán
    (BKTO) - Kiểm toán chăm sóc sức khỏe (CSSK) là quá trình xem xét có hệ thống các quy trình, chính sách và hồ sơ bệnh nhân của tổ chức y tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Các cuộc kiểm toán này giúp phát hiện sai lệch trong thanh toán, nhận diện gian lận và tăng độ chính xác trong hoàn trả chi phí điều trị.
  • Tuổi trẻ Kiểm toán nhà nước: Khẳng định bản lĩnh trong hành trình mới
    3 giờ trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tháng 5/2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Đoàn Thanh niên (ĐTN) Kiểm toán nhà nước (KTNN) chính thức trở thành một trong hai tổ chức Đoàn trực thuộc ĐTN Quốc hội - mô hình Đoàn tương đương cấp tỉnh. Từ tổ chức Đoàn thuộc Khối các cơ quan Trung ương, ĐTN KTNN đã có bước chuyển mình lớn trong bối cảnh hệ thống chính trị đang có nhiều thay đổi. “Áp lực nhiều, nhưng đó là vinh dự chung của toàn thể ĐTN KTNN” - Bí thư ĐTN KTNN Lê Mạnh Cường đã nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán.
  • Quản lý nhà, đất công qua lăng kính Kiểm toán nhà nước.
Bài 3: Rốt ráo xử lý trụ sở, đất công bỏ hoang sau sắp xếp
    3 giờ trước Kiểm toán
    (BKTO) - Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện không ít trường hợp trụ sở, đất công dư thừa nhưng chưa được sắp xếp, xử lý theo quy định, dẫn đến tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài sản. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, vấn đề xử lý tài sản công dư thừa sau sắp xếp càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp xử lý triệt để, tránh lãng phí nguồn lực to lớn này.
  • Hiệu lực kiến nghị kiểm toán: Từ con số "biết nói" đến mục tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ mới. Bài 2: Lan tỏa những kinh nghiệm quý
    3 giờ trước Kiểm toán
    (BKTO) - Những con số ấn tượng về tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đã khẳng định vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương ngân sách, thúc đẩy quản lý tài chính công minh bạch, hiệu quả. Đó cũng là minh chứng cho chất lượng kiểm toán, sự phối hợp đồng bộ và tinh thần trách nhiệm, cầu thị của các đơn vị được kiểm toán - những yếu tố cần tiếp tục được lan tỏa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính công, góp phần phát triển bền vững đất nước.
  • Kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
    3 giờ trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong nhiệm kỳ 2020-2025, công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) của Đảng bộ Kiểm toán nhà nước (KTNN) không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đặc biệt, việc đổi mới phương thức kiểm tra, tăng cường chiều sâu và hiệu lực thực hiện đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy KTNN - về kết quả đạt được và định hướng trong thời gian tới.
Kiểm toán nội bộ trong ngành bán lẻ: Linh hoạt để giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức