Sự thiên vị có thể gây hậu quả bất lợi cho tổ chức
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các cuộc biểu tình và đối thoại về thời gian làm việc, mức lương, chủng tộc và giới tính diễn ra thường xuyên hơn và dễ tạo hiệu ứng lan truyền dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Điều này đã khiến nhiều tổ chức phải đối mặt với sự giám sát liên quan đến vấn đề D&I.
Theo Khảo sát D&I của Deloitte với khoảng 3.000 nhân viên, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, gần 80% số người được hỏi nói rằng họ tin vào việc tổ chức có nuôi dưỡng một nền văn hóa D&I. Tuy nhiên, có tới 64% cho biết họ đã trải qua hoặc chứng kiến sự thiên vị trong vòng 12 tháng trước đó và 83% trong số này nói rằng sự thiên vị được thực hiện gián tiếp hoặc rất tinh vi.
Hơn 2/3 số người được hỏi nói rằng, việc trải qua hoặc chứng kiến sự thiên vị có tác động tiêu cực đến năng suất và mức độ gắn kết của họ trong công việc. “Những trường hợp này có thể khiến các tổ chức gặp phải những hậu quả bất lợi về kinh tế, pháp lý, quy định và uy tín. Hơn nữa, đạt được D&I trong các tổ chức đơn giản là điều nên làm”, Michael Schor - Lãnh đạo Rủi ro và Tư vấn tài chính, Deloitte - cho biết.
Tận dụng công nghệ mới để đánh giá sự đa dạng và hòa nhập
Kiểm toán viên nội bộ với tầm nhìn bao quát về rủi ro doanh nghiệp và mối quan hệ hợp tác với nhiều bên liên quan, bao gồm cả hội đồng quản trị, quản lý cấp cao, có vai trò giúp các tổ chức đánh giá các phương pháp tiếp cận hiện tại của họ đối với D&I và cân nhắc hướng đi tiếp theo. Các chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả đã mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi việc kiểm soát rủi ro tài chính truyền thống và xem xét các lĩnh vực trừu tượng hơn, chẳng hạn như rủi ro về văn hóa.
Năm 2019, Viện Kiểm toán nội bộ (IIA) đã ban hành Hướng dẫn nghiệp vụ để hỗ trợ kiểm toán viên nội bộ hiểu được các rủi ro liên quan đến văn hóa và nêu rõ cách thức quản lý rủi ro văn hóa hiệu quả. Theo đó, kiểm toán viên nội bộ có thể đánh giá về các chương trình đã thiết lập để hỗ trợ D&I có đáp ứng mục tiêu đề ra hay không và báo cáo kết quả cho hội đồng quản trị, lãnh đạo cấp cao.
“Các kiểm toán viên nội bộ đã chứng minh khả năng gia tăng giá trị cho tổ chức bằng cách đưa ra những nhận định sâu sắc và vận dụng kiến thức chuyên môn vào việc đánh giá văn hóa doanh nghiệp”, Sarah Fedele - Giám đốc Deloitte Risk & Financial Advisory - chia sẻ.
Các chuyên gia của Deloitte cho rằng, cho dù thực hiện kiểm toán D&I với tư cách là một cuộc kiểm toán độc lập hay một dự án đặc biệt, các kiểm toán viên nội bộ đều phải bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản như: Tổ chức có sáng kiến D&I hay không và sáng kiến đó bao gồm những gì? Nếu một tổ chức công bố số liệu thống kê D&I ra thị trường, kiểm toán viên nội bộ có thể kiểm tra độc lập tính chính xác của số liệu.
Các kiểm toán viên có thể đánh giá các phương pháp được sử dụng để theo dõi, đo lường và báo cáo về chương trình D&I, cũng như đánh giá xem có thể thực hiện bất kỳ cải tiến nào hay không.
Nếu sáng kiến D&I của một tổ chức bao gồm tiến hành khảo sát nhân viên, kiểm toán viên nội bộ có thể đánh giá các bản khảo sát có được thiết kế phù hợp hay không (câu hỏi, đối tượng khảo sát, tính độc lập, khách quan trong câu trả lời).
Theo các chuyên gia của Deloitte, kiểm toán viên nội bộ có thể phân tích các thuộc tính của chương trình D&I trên cơ sở đánh giá 8 yếu tố chính bao gồm: Cơ sở hạ tầng, tài năng, văn hóa, khách hàng, cộng đồng, thương hiệu, phân tích và khả năng lãnh đạo.
Kiểm toán viên nội bộ cũng có thể đánh giá hiệu quả hoạt động khảo sát bằng cách kiểm tra kết quả, cách các nhà lãnh đạo sử dụng cuộc khảo sát và đánh giá xem hành động tiếp theo đã diễn ra hay chưa. Ngoài ra, kiểm toán nội bộ có thể đánh giá việc tổ chức có đạt được các mục tiêu D&I trong việc tuyển dụng, phân công hoặc thăng chức cho nhân sự.
Ngoài việc đánh giá về hiệu quả hoạt động của các chương trình D&I, kiểm toán viên nội bộ đánh giá mức độ trưởng thành để phân tích các thuộc tính của chương trình D&I như một cách thúc đẩy cải tiến liên tục. Kiểm toán viên nội bộ cũng có thể đánh giá các giai đoạn khác nhau trong thời gian làm việc của nhân viên, từ đó xác định rủi ro thiên lệch và bất bình đẳng tiềm ẩn.
Để có thể tiếp cận chủ động hơn, kiểm toán viên nội bộ cần tận dụng các công cụ và công nghệ mới, chẳng hạn như cảm biến rủi ro để đánh giá các vấn đề về D&I. Những công cụ này có thể quét các nguồn dữ liệu khác nhau hoặc làm sáng tỏ các chủ đề trong các phát hiện kiểm toán và chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn.
Ví dụ, tận dụng thông tin có sẵn trong tổ chức, thông qua công nghệ cảm biến rủi ro, kiểm toán viên có thể xác định sự gia tăng số lượng đơn từ chức trong một lĩnh vực nhất định của doanh nghiệp. Những loại thông tin chi tiết này giúp tổ chức thực hiện các hành động thay đổi trước khi hậu quả lớn hơn xảy ra./.