Việc kiểm toán phương án kinh tế - tài chính tại các dự án ĐTXD đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Ngọc Bích
Phân tích kinh tế - tài chính giúp nhận diện sớm những dự án kém
Hoạt động phân tích kinh tế - tài chính sẽ giúp chủ đầu tư lựa chọn và thiết kế những dự án có đóng góp cho phúc lợi chung của quốc gia. Hoạt động này có tác dụng lớn nhất nếu được sử dụng sớm trong chu kỳ dự án để nhận diện những cấu thành dự án kém. Do đó, nếu phân tích kinh tế được sử dụng vào giai đoạn cuối của chu kỳ dự án thì hoạt động này chỉ có thể giúp xem xét quyết định là liệu có nên tiếp tục triển khai dự án nữa hay không. Hoặc nếu chỉ đơn thuần để tính các thước đo tổng hợp như giá trị hiện tại ròng (NPV) hay tỷ suất nội hoàn (IRR) của dự án thì phân tích kinh tế chỉ đáp ứng cho một mục đích hạn hẹp.
Trong những năm vừa qua, bên cạnh việc kiểm toán tuân thủ các quy định của pháp luật, chế độ quản lý đầu tư và xây dựng công trình theo hướng dẫn tại Quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình của KTNN ban hành theo Quyết định số 02/2017/QĐ-KTNN ngày 13/3/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, KTNN chuyên ngành V đã chủ động nghiên cứu, triển khai kiểm toán chuyên sâu phương án kinh tế - tài chính tại các dự án ĐTXD. Qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành V bước đầu phát hiện một số hạn chế ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư và hiệu quả đạt được của dự án. Cụ thể như sau:
Đối với một số dự án nguồn điện: Xác định giá điện tính toán trong một số dự án thủy điện không phù hợp với quy định; áp dụng sai tỷ lệ chi phí bảo dưỡng, số giờ vận hành trung bình của các nhà máy; chưa thực hiện phân tích độ nhạy vốn đầu tư tăng 10%; chi phí O&M, chi phí nhiên liệu tăng 10%; tổ hợp vốn đầu tư tăng 10%, điện năng phát giảm 10%... làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, kết quả kinh doanh khi đưa vào khai thác vận hành không đạt được như phương án tính toán.
Tại một số dự án giao thông: Việc giả định, tính toán lưu lượng khách hàng chưa phù hợp với số liệu thống kê, dự báo của cơ quan chức năng có thẩm quyền; lượng hóa các lợi ích xã hội không phù hợp, không có cơ sở như: số lượng người hưởng lợi, giảm ùn tắc từ dự án phát triển giao thông công cộng, dẫn tới phân tích, tính toán sai hiệu quả tài chính, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư sử dụng các dữ liệu đầu vào tính toán phương án tài chính chưa có cơ sở, chưa thuyết minh được nguồn gốc số liệu của tư vấn; chưa lượng hóa hoặc lượng hóa không phù hợp thực tế các rủi ro về giá nguyên vật liệu đầu vào (có biến động giá 300%); rủi ro không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra...
Tăng cường công tác kiểm toán trước đầu tư
Việc kiểm toán phương án kinh tế - tài chính tại các dự án ĐTXD còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Trước hết, thông thường việc kiểm toán phương án kinh tế - tài chính được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán dự án đầu tư sau khi dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động nên tính hiệu lực của kết quả kiểm toán không cao.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp quy về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án cũng chưa có. Chẳng hạn, các dự án nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện...) mới chỉ có văn bản quy định tạm thời nội dung tính toán phân tích kinh tế - tài chính đầu tư và khung giá mua bán điện các dự án nguồn điện từ năm 2007. Việc đánh giá hiện tại dựa trên các cơ sở về phương pháp, số liệu do đơn vị tư vấn thu thập, không đảm bảo về tính pháp lý và không có cơ sở chắc chắn.
Ngoài ra, kiểm toán viên cũng khó tiếp cận các số liệu chính thức nguồn dữ liệu thống kê đầu vào của các chỉ tiêu kinh tế, giá cả các mặt hàng đặc thù (là nguồn vào của phương án tài chính dự án) như: giá các chế phẩm xăng, dầu, ethanol, than; các thống kê về số lượng người sử dụng dịch vụ công cộng; tỷ lệ chi phí vận hành, bảo dưỡng của các dự án lớn... Trong các dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn tới xã hội và môi trường, chưa có hướng dẫn đánh giá, tính toán về những ảnh hưởng xã hội (lợi ích và các lợi ích âm).
Để nâng cao chất lượng kiểm toán phương án kinh tế - tài chính tại các dự án đầu tư xây dựng cũng như nâng cao hiệu lực các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm toán trước đầu tư, tức là kiểm toán ngay trong giai đoạn lập chủ trương, phê duyệt dự án đầu tư, đặc biệt đối với các dự án lớn, quan trọng của quốc gia. Kết quả kiểm toán là một căn cứ để các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, cũng như phê duyệt dự án đầu tư.
Thứ hai, xây dựng và ban hành phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án, trong đó tập trung lượng hóa về các chi phí trong quá trình vận hành của dự án như: tỷ suất chiết khấu tính toán, chi phí vận hành bảo dưỡng, các chỉ tiêu phân tích độ nhạy cho từng lĩnh vực, dự án riêng biệt.
Thứ ba, xây dựng quy định, quy chế đánh giá hiệu quả đầu tư định kỳ (trong đó có nội dung hiệu quả tài chính - kinh tế, xã hội của dự án) trong thời gian thực hiện dự án, đặc biệt các lần điều chỉnh dự án. Theo Luật Đầu tư công 2019, Chính phủ quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công. Tuy nhiên cho đến nay, các quy định trên vẫn chưa được ban hành.
Thứ tư, quy định, gắn trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể trong việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án kinh tế - tài chính chưa chính xác hoặc thiếu cơ sở, dẫn tới dự án đầu tư không đạt được hiệu quả kinh tế như mục tiêu đề ra.
THÀNH VINH, SỸ NAM - KTNN chuyên ngành V