Xuất phát từ lợi ích quốc gia và của người dân đóng thuế, tài chính công mặc nhiên phải được kiểm tra, giám sát trong việc tạo lập, sử dụng các nguồn tài chính Nhà nước, các tài sản quốc gia của một cơ quan độc lập là nguyên lý có tính phổ quát trong một xã hội dân chủ.
KTNN chính là một bộ phận quan trọng cấu thành bộ máy và cơ chế kiểm soát tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước không thể thiếu trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ (trong đó có Bộ Tài chính, ngành thuế, hải quan) là cơ quan hành pháp, cùng với cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp và các chủ thể khác, trong đó có KTNN, theo quy định của Hiến pháp và luật pháp phối hợp chặt chẽ trong một hệ thống quyền lực nhằm gia tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, làm cho nền tài chính quốc gia phát triển ổn định, bền vững.
Hướng dẫn của INTOSAI, kinh nghiệm tốt của các SAI trên thế giới cũng như yêu cầu từ thực tiễn quản lý tài chính công và kiểm toán tài chính công đã giúp chúng ta nhận thức một cách toàn diện, từ đó đi đến sự thống nhất rằng, việc tổ chức kiểm toán thuế thực sự rất cần thiết và là một tất yếu khách quan, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp thực tiễn quản lý nền kinh tế thị trường trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Kiểm toán thuế góp phần quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, vừa chống thất thu thuế vừa giúp người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ nghĩa vụ thuế trong thực thi pháp luật thuế; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thuế, đồng thời cải cách thủ tục hành chính thuế.
PGS,TS. NGUYỄN ĐÌNH HÒA
Q. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019