Kiểm toán Tổng công ty Điện lực miền Trung: Cần chấn chỉnh công tác sửa chữa lớn tài sản cố định

(BKTO) - Qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), bên cạnh việc chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tiền và tài sản là hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu..., KTNN đã yêu cầu EVNCPC và các đơn vị được kiểm toán phải chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác sửa chữa lớn tài sản cố định.

9_lai(1).jpg
Điện lực miền Trung (EVNCPC). Ảnh minh họa.

Kế hoạch sửa chữa lớn chưa sát thực

KTNN nhận thấy kế hoạch sửa chữa lớn của các đơn vị chưa sát thực tế. EVNCPC giao kế hoạch chi phí sửa chữa lớn chưa thực sự căn cứ vào nhu cầu thực tế của các đơn vị nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung, như tại các Công ty Điện lực (PC): Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Nam, cá biệt tại PC Khánh Hòa phải điều chỉnh tới 5 lần.

Việc EVNCPC giao bổ sung kế hoạch vốn cho các đơn vị cũng chưa phù hợp với chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đảm bảo tiết kiệm chi phí, cũng như của chính EVNCPC về việc đăng ký điều chỉnh giảm kế hoạch vốn sửa chữa lớn tài sản cố định năm 2019. Cụ thể, EVNCPC đã giao bổ sung kế hoạch vốn cho PC Quảng Trị tăng từ 24,533 tỷ đồng lên 47,003 tỷ đồng; PC Thừa Thiên Huế tăng từ 28,422 tỷ đồng lên 45,599 tỷ đồng; PC Quảng Nam tăng từ 41,968 tỷ đồng lên 61,402 tỷ đồng; PC Phú Yên tăng từ 27,513 tỷ đồng lên 30,68 tỷ đồng; PC Gia Lai tăng từ 40,27 tỷ đồng lên 61 tỷ đồng; PC Kon Tum tăng từ 12,863 tỷ đồng lên 14,31 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số đơn vị phê duyệt kế hoạch vốn sửa chữa lớn cao hơn EVNCPC phê duyệt. Tình trạng này được KTNN ghi nhận tại PC Quảng Trị và PC Thừa Thiên Huế với mức phê duyệt kế hoạch vốn sửa chữa lớn lần lượt cao hơn phê duyệt của EVNCPC là 110 triệu đồng và 1,35 tỷ đồng. Tuy nhiên, KTNN cũng nêu rõ, giá trị quyết toán vốn của các đơn vị lại thấp hơn kế hoạch vốn được duyệt. Cùng với đó, có đơn vị đã lập kế hoạch sửa chữa lớn chậm so với quy định, hồ sơ xây dựng kế hoạch không lưu trữ biên bản về việc họp rà xét, thông qua danh mục.

Liên quan đến công tác khảo sát, lập phương án kỹ thuật, lập và phê duyệt dự toán, một số đơn vị được kiểm toán đã không so sánh hiệu quả kinh tế giữa việc nên sửa chữa hay mua mới thay thế; hồ sơ khảo sát lập phương án kỹ thuật chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo hướng dẫn của EVNCPC. Trong đó, tại công trình đại tu đường dây 22kV huyện Tuy An và công trình đại tu đường dây trung áp khu vực huyện Phú Hòa của PC Phú Yên đã không có biên bản thí nghiệm, biên bản điều tra sự cố, phiếu kiểm tra định kỳ, tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất…; tại 2 công trình sửa chữa lớn của PC Khánh Hòa chưa ghi thông tin về năm đưa vào vận hành, sửa chữa gần nhất. Phần lớn hồ sơ các công trình sửa chữa lớn tài sản cố định của PC Thừa Thiên Huế được kiểm tra cho thấy khi phê duyệt không có tài liệu mô tả chi tiết tình trạng và số lượng tài sản hư hỏng. Còn hồ sơ đánh giá hiện trạng sửa chữa tại PC Quảng Ninh có lưu trữ hình ảnh nhưng lại là ảnh đen trắng nhìn không rõ và cũng chỉ có một số ảnh đại diện, đồng thời, Công ty có lưu trữ phiếu kiểm tra theo ngày nhưng chỉ có 1 ngày và không ghi ngày cụ thể.

Có tình trạng lãng phí vật tư, thiết bị

KTNN cũng phát hiện vấn đề thay thế vật tư, thiết bị không phù hợp với tình trạng hư hỏng của tài sản tại PC Thừa Thiên Huế. Đó là khi sửa chữa lớn Trạm biến áp 110kV Điền Lộc hạng mục thay thế 106 ắc quy 220V. Theo Biên bản xác định tình trạng tài sản cố định trước khi sửa chữa thì còn 46/106 ắc quy vẫn đảm bảo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, tuy nhiên, khi thực hiện, Công ty đã thay thế toàn bộ 106 ắc quy, bao gồm cả 46 ắc quy có tình trạng hoạt động bình thường. Tại 3 đơn vị là PC Đắk Nông, PC Gia Lai và PC Kon Tum, công tác khảo sát, lập phương án sửa chữa lớn chưa phù hợp dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh. Trong đó, tại nhiều công trình của PC Đắk Nông phải điều chỉnh, thay đổi khối lượng vật tư, thay đổi vị trí tuyến và chiều dài đường dây sửa chữa làm ảnh hưởng đến công tác quản lý tiến độ thi công và vật tư xuất cho công trình. Với công trình thay dây dẫn huyện Krông Nô phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế 2 lần, phần lớn điều chỉnh sang nhánh rẽ khác trên cùng tuyến đường dây với tổng chiều dài 12,131km/21,681km dây thiết kế. Công trình thay dây dẫn huyện Cư Jút điều chỉnh bổ sung 1 tuyến đường dây với chiều dài 884m. Công trình sửa chữa, thay thế sứ đứng 22kV khu vực huyện Đắk R’Lấp năm 2018 phải điều chỉnh giảm số lượng sứ cần thay thế là 135 quả trên tổng số 2.465 quả theo khối lượng thiết kế (thi công thực tế dùng 2.330 quả). KTNN cũng nêu rõ, nội dung thuyết minh bản vẽ thiết kế thi công các công trình sửa chữa thay thế đường dây, sứ cách điện này không thể hiện số pha để tính toán khối lượng làm cơ sở lập dự toán (chiều dài dây dẫn, số pha của từng đoạn đường dây và số lượng sứ), chỉ có bảng kê tổng hợp khối lượng; hồ sơ thiết kế điều chỉnh chỉ được Công ty lập cho các đoạn tuyến có điều chỉnh phạm vi thực hiện, không lập điều chỉnh cho toàn bộ công trình cần sửa chữa dẫn đến khó quản lý vật tư, vật liệu thi công.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, PC Đắk Nông dự toán tính giá trị vật tư thu hồi 2% để giảm chi phí thực hiện công trình là chưa có cơ sở; PC Thừa Thiên Huế và PC Quảng Bình đã tính chi phí chung với công trình tự thực hiện; PC Khánh Hòa không lập dự toán theo đơn giá thấp nhất. PC Kon Tum tính thừa 28 triệu đồng tại Công trình đại tu đường dây hạ thế sau Trạm biến áp Plei Sak và tại Công trình sửa chữa hệ thống ắc quy Trạm biến áp 110kV Tân Mai và tủ nạp Trạm biến áp 110kV Kon Tum, Công ty lập dự toán chỉ căn cứ trên báo giá của 1 nhà cung cấp…

Từ những bất cập trên, KTNN kiến nghị EVNCPC chấn chỉnh công tác xây dựng, giao kế hoạch vốn sửa chữa lớn cho các đơn vị trực thuộc đảm bảo sát nhu cầu thực tế, chỉ thực hiện điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch vốn đối với những công trình khi thực sự cần thiết./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán Tổng công ty Điện lực miền Trung: Cần chấn chỉnh công tác sửa chữa lớn tài sản cố định