Kiểm toán Tổng công ty Điện lực miền Trung: Sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo khả năng thanh toán

(BKTO) - Qua kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), KTNN đánh giá, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của toàn Tổng công ty có lãi và hoàn thành kế hoạch đề ra, tăng trưởng so với năm 2018. Các chỉ tiêu về khả năng thanh toán được đảm bảo. Tuy nhiên, EVNCPC và các đơn vị cần lưu ý, chấn chỉnh một số vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

8-so12.jpg
KTNN lưu ý EVNCPC và các đơn vị cần chấn chỉnh một số vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh - Ảnh: TTXVN

Doanh thu và lợi nhuận tăng, bảo toàn được vốn

Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm của EVNCPC đạt 19.303 triệu kWh, tăng 9,93% so với cùng kỳ, đạt 100,8% kế hoạch năm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Sản lượng điện sản xuất thực hiện là 148,5 triệu kWh, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Sản lượng điện mua thực hiện đạt 20.150 triệu kWh, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty sau kiểm toán là 38.232 tỷ đồng, tăng 6.237 tỷ đồng, tương ứng tăng 19,49% so với năm 2018.

Liên quan đến sản lượng điện sản xuất năm 2019, KTNN nêu rõ, tại Công ty PC3-INVEST, các chỉ tiêu về sản lượng điện và doanh thu bán điện không đạt kế hoạch, giảm so với thực hiện năm 2018. Theo báo cáo của Công ty, các nhà máy thủy điện nhỏ không có hồ chứa, năm 2018-2019 do tình hình thời tiết khô hạn cực đoan không đủ nước để phát điện theo năng lực thiết kế; chi phí của Dự án Thủy điện Sông Tranh 5 là 2,9 tỷ đồng phát sinh từ năm 2008 đến năm 2019 phải hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh các năm tiếp theo. Tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (ĐNPC), mặc dù sản lượng điện thương phẩm, tổng doanh thu, thu nhập và lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2019 tăng so với năm 2018 nhưng Công ty không hoàn thành chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm theo kế hoạch được EVNCPC giao lần đầu, chỉ hoàn thành khi kế hoạch được điều chỉnh. Cùng với đó, tuy chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2019 của ĐNPC tăng so với năm 2018 nhưng các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trên tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2019 lại giảm so với năm 2018. Ở một đơn vị thành viên khác của EVNCPC là Công ty Điện lực Đắk Lắk (ĐLPC) còn để xảy ra sự cố trên lưới điện trung áp và sự cố Trạm biến áp 110kV, xảy ra tai nạn lao động do người lao động vi phạm quy trình, quy định an toàn… Những nguyên nhân trên đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVNCPC và các đơn vị.

Với kết quả sản xuất như trên, theo báo cáo của EVNCPC, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế toàn Tổng công ty năm 2019 là 893,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ phân phối điện là 1.189,8 tỷ đồng; lợi nhuận từ sản xuất khác là 71,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ dịch vụ là 55,6 tỷ đồng, lợi nhuận từ kinh doanh khác là 49,9 tỷ đồng, nhưng hoạt động tài chính lỗ 701,9 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ hoạt động khác là 92,3 tỷ đồng và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết là 131,8 tỷ đồng. Sau kiểm toán, KTNN xác định lợi nhuận kế toán trước thuế của Tổng công ty tăng 40,44 tỷ đồng. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát năm 2019 là 1,48 lần, giảm 0,02 lần so với năm 2018; hệ số thanh toán hiện hành là 1,2 lần, giảm 0,04 lần; hệ số thanh toán nhanh là 0,34 lần, giảm 0,08 lần. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2019 là 2,09 lần. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 7,53%, tăng 1,06 điểm phần trăm so với năm 2018. KTNN đánh giá, Công ty mẹ EVNCPC và các đơn vị thành viên được kiểm toán năm 2019 đã bảo toàn được vốn.

KTNN lưu ý 2 vấn đề ảnh hưởng đến doanh thu

Qua cuộc kiểm toán này, KTNN chỉ ra 2 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất là về chi phí phân bổ công tơ điện, ngày 05/12/2018, EVN ban hành Văn bản hướng dẫn các đơn vị phân bổ giá trị công tơ điện theo tháng kể từ tháng xuất dùng với thời gian 60 tháng, bao gồm cả việc phân bổ giá trị công tơ điện chưa phân bổ đến ngày 31/12/2017 và giá trị công tơ điện phát sinh năm 2018 trở đi. Ngày 21/3/2019, trên cơ sở đề nghị của EVNCPC, EVN đã ban hành Văn bản về phương pháp phân bổ công tơ điện của EVNCPC. Theo đó, năm 2018, Công ty mẹ EVNCPC đã thực hiện phân bổ 100% số dư giá trị công tơ còn lại tại ngày 31/12/2017 và 50% giá trị công tơ phát sinh năm 2018 vào giá thành năm 2018.

KTNN cho rằng, việc điều chỉnh lại phương pháp phân bổ công tơ điện này tuy không trái với quy định tại Nghị định số 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhưng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, EVNCPC chưa thuyết minh đầy đủ thông tin của ảnh hưởng này trên Báo cáo tài chính.

Thứ hai là về việc ghi nhận doanh thu bán điện. Mặc dù EVNCPC và các công ty điện lực đã cơ bản ấn định ngày chốt chỉ số công tơ tại các hợp đồng mua bán điện với khách hàng theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ; ghi nhận thời điểm xác định doanh thu là ngày xác nhận chỉ số công tơ theo quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc nhiều khách hàng có thời điểm ấn định ghi chỉ số công tơ trong hợp đồng không trùng với thời điểm cuối hàng tháng đã dẫn đến doanh thu theo niên độ tài chính chưa tương ứng với chi phí phát sinh. Thực trạng ấn định ngày chốt chỉ số công tơ không trùng với thời điểm cuối tháng tại các hợp đồng mua bán điện như vậy chỉ phù hợp trong điều kiện phương pháp xác nhận bằng thủ công, ghi chỉ số công tơ cơ. Còn thực tế hiện nay, Tổng công ty đã và đang thực hiện việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử, trong đó đến ngày 31/12/2019, tỷ lệ thay thế đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt đã đạt 91,22% và việc xác nhận, ghi chỉ số điện với khách hàng cơ bản được thực hiện thông qua hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa nên đơn vị cần xem xét có giải pháp nhằm đảm bảo việc ghi nhận doanh thu bán điện phù hợp với việc ghi nhận chi phí - KTNN khuyến nghị.

Để chấn chỉnh tình trạng này, KTNN yêu cầu EVNCPC chỉ đạo các công ty điện lực thực hiện rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng điện, cập nhật cơ chế tài chính của các khách hàng sử dụng điện cho nhiều mục đích khác nhau ngoài mục đích sinh hoạt để xác định tỷ lệ điện sử dụng cho mỗi loại mục đích theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Đồng thời chấn chỉnh công tác ghi chỉ số công tơ đối với các khách hàng mua bán điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt có mức tiêu thụ từ 50.000 đến 100.000 kWh/tháng và trên 100.000 kWh/tháng theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP; chỉ đạo ĐNPC nghiêm túc thực hiện đúng quy định tại Quy trình kinh doanh điện năng mà EVN đã ban hành và Điều 12 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP về bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh/tháng. Song song với đó, EVNCPC phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thay đổi ngày ấn định chốt chỉ số công tơ kỳ 1, 2, 3 trùng với ngày cuối tháng tại các hợp đồng mua bán điện, nhất là hợp đồng đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt nhằm đảm bảo việc ghi nhận doanh thu bán điện phù hợp với việc ghi nhận chi phí.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán Tổng công ty Điện lực miền Trung: Sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo khả năng thanh toán