Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM: Nhiều bất cập ở các đơn vị trực thuộc

(BKTO) - Trong khuôn khổ cuộc kiểm toán Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, KTNN đã thực hiện kiểm toán chi tiết tại một số đơn vị trực thuộc Trường và phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh, đáng chú ý như việc xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ; hạch toán sai các khoản phải thu, phải trả; quản lý kinh phí được cấp cho nhiệm vụ đào tạo…

8-so10.png
KTNN đã phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM  - Ảnh minh họa

Quy chế chi tiêu nội bộ sơ sài, chưa đầy đủ

Theo đánh giá của KTNN, các đơn vị trực thuộc Trường đã xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ về cơ bản phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Năm 2019, Đại học Kinh tế TP. HCM quản lý 17 đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập tự chủ về tài chính. Nhiệm vụ chính của các đơn vị là thực hiện các dịch vụ về đào tạo, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, dịch vụ khoa học công nghệ… Trên cơ sở báo cáo tài chính của các đơn vị, Trường tổng hợp chung vào báo cáo của Trường. Kết quả, tổng số thu năm 2019 của các đơn vị đạt xấp xỉ 151,84 tỷ đồng và có 7/16 báo cáo tài chính đã được công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán.

Tuy nhiên, cùng với những đánh giá tích cực trên, KTNN đã phát hiện một số hạn chế của các đơn vị. KTNN nêu rõ, theo số liệu tổng hợp báo cáo có 6/16 đơn vị hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, lỗ trong năm 2019. Trong đó, Trung tâm Tin học lỗ 129,5 triệu đồng; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị lỗ 364,3 triệu đồng; Trung tâm Pháp - Việt lỗ 11,3 triệu đồng; Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á lỗ 11,2 triệu đồng; Công ty Sách kinh tế lỗ 50,4 triệu đồng…

Ngoài 16 đơn vị có báo cáo tài chính, có 1 đơn vị là Viện Đổi mới sáng tạo (được thành lập tại Quyết định số 1168/QĐ-ĐHKT-TCHC ngày 20/4/2018, đến ngày 22/4/2019 được Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM cấp Chứng nhận đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ) trong năm 2019 có phát sinh thu hoạt động dịch vụ 153,5 triệu đồng nhưng được Đại học Kinh tế TP. HCM hạch toán phản ánh vào sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Trường do Viện chưa hoàn thiện tổ chức bộ máy, chưa lập báo cáo tài chính riêng.

Qua thực tế kiểm toán, KTNN chỉ ra vấn đề các đơn vị trực thuộc chưa được Trường kiểm tra, xét duyệt quyết toán; có 8/16 đơn vị chưa được công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của Trường. Cụ thể, tại mục 5 Phụ lục số 19 của Quyết định số 298/QĐ-ĐHKT-TCKT ngày 30/01/2019 ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2019 của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM quy định, hằng năm, Phòng Tài chính - Kế toán và Ban Kiểm tra tài chính, kế toán nội bộ tiến hành kiểm tra báo cáo quyết toán theo năm dương lịch. Các đơn vị có dấu tròn phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính năm và gửi báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập về Trường trong năm tiếp theo.

Đồng thời, KTNN cũng nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị còn bất cập. Hầu hết tại các đơn vị, Quy chế chi tiêu nội bộ còn sơ sài, chưa quy định đầy đủ các nội dung, định mức thu, chi; chưa xây dựng đơn giá dịch vụ trên cơ sở thu bù đắp chi làm cơ sở kiểm soát hoạt động tài chính kế toán tại đơn vị. Việc quy định các khoản chi mang tính chất thu nhập tăng thêm, chi phụ cấp quản lý không căn cứ vào kết quả kinh doanh trong khi đơn vị hoạt động không hiệu quả. Cá biệt như Viện Chính sách công chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Viện trưởng 30 triệu đồng/tháng, tổng chi trong năm là 360 triệu đồng (chưa bao gồm các khoản chi từ phúc lợi và chi giảng dạy), chiếm 46,9% doanh thu và chiếm 39,5% tổng chi phí, trong khi kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 lỗ 173,1 triệu đồng.

Trường cần siết lại quản lý với các đơn vị trực thuộc

Qua kiểm toán chi tiết tại một số đơn vị, KTNN đã chỉ ra tình trạng chưa phản ánh đầy đủ doanh thu trong kỳ, như tại Công ty TNHH MTV In Kinh tế số tiền 9,9 triệu đồng; Viện Đào tạo Quốc tế số tiền 320,1 triệu đồng. Tại Viện Đào tạo Quốc tế cũng chưa đối chiếu với Trường về kinh phí cấp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo số tiền 21,8 tỷ đồng, số đã chi gần 16,28 tỷ đồng, dẫn đến tồn lũy kế đến cuối năm 2019 xấp xỉ 12 tỷ đồng, trong khi Trường đã ghi nhận chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là các khoản chi mang tính chất thu nhập tăng thêm không căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị, không căn cứ vào hiệu quả đóng góp của cán bộ nhân viên (Viện Đào tạo Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển). Trong khi đó, tại Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển hoạt động không hiệu quả, nguồn thu chỉ đủ trả lương cho cán bộ nhân viên đến hết tháng 8/2019, từ tháng 9/2019 chỉ được trả 50% lương.

Cùng với đó, một số khoản phải thu, phải trả tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên có số dư từ những năm trước chuyển sang không xác định được đối tượng và nguyên nhân; Viện Đào tạo Quốc tế chưa thực hiện đối chiếu xác nhận nợ phải thu, phải trả, một số khoản phải trả tồn đến ngày 31/12/2019 phản ánh trên sổ kế toán chưa chính xác. Tại Công ty TNHH MTV In Kinh tế, đơn vị không xây dựng giá thành đối với từng mã sản phẩm và chưa có quy định về định mức sử dụng nguyên vật liệu cho sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đơn vị hoạt động không hiệu quả, năm 2017 lỗ 24,8 triệu đồng, năm 2018 lỗ 244,5 triệu đồng. Đơn vị cũng chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện quỹ tiền lương, tiền thưởng theo quy định áp dụng đối với Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cũng tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, KTNN còn phát hiện đơn vị ký hợp đồng hợp tác với một số cá nhân bên ngoài để thực hiện việc trông giữ xe, hoạt động căng tin, giặt ủi, nhưng thực chất là cho thuê mặt bằng. Đơn vị đã không lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hơn nữa, nội dung các hợp đồng không phản ánh số diện tích cho thuê, không tổ chức đấu giá. Đơn vị cũng không niêm yết, thông báo công khai giá cho thuê và giá cho thuê lại rất thấp, chỉ từ 2 triệu đến 20 triệu đồng/tháng/địa điểm.

Trước những bất cập này, KTNN đã kiến nghị Trường Đại học Kinh tế TP. HCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ tuân thủ theo quy định; chấn chỉnh mức chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Viện trưởng Viện Chính sách công. Đồng thời, Trường phải chỉ đạo Viện Đào tạo Quốc tế, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên thành lập Hội đồng, rà soát các khoản phải thu, phải trả do hạch toán sai và còn tồn đọng đến ngày 31/12/2019 để có biện pháp xử lý dứt điểm; rà soát kinh phí cấp cho Viện Đào tạo Quốc tế thực hiện nhiệm vụ đào tạo còn dư trong khi Trường đã ghi nhận chi hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Về phía Trường, cần tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh công tác quản lý tài chính tại các đơn vị trực thuộc, hằng năm phải thực hiện kiểm tra xét duyệt quyết toán theo quy định, cũng như rà soát việc kê khai, khấu trừ quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại các đơn vị trực thuộc.

Cùng với đó, KTNN cũng yêu cầu Trường tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm, viện, công ty thuộc, trực thuộc nhằm tái cơ cấu lại theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Cùng chuyên mục
Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM: Nhiều bất cập ở các đơn vị trực thuộc