
Nỗ lực phát triển hạ tầng số và nền tảng số
Chuyển đổi số (CĐS) đang là một trong những ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm gần đây. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, hướng tới kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8,0%. Để thực hiện được mục tiêu trên, một trong những giải pháp tạo nền móng cho CĐS là việc phát triển hạ tầng số và nền tảng số.
Về thể chế, rất nhiều luật, quy định đã ban hành như: Luật Dữ liệu số; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN; Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025.
Tháng 9/2024, Liên Hợp Quốc công bố Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71 trong xếp hạng Chính phủ điện tử, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm "rất cao", đạt mục tiêu xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2024.
Chính phủ đã xác định 10 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, trong đó có 05 cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hoàn thiện và khai thác (dân cư; bảo hiểm; đăng ký doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức; thủ tục hành chính). Đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã triển khai, kết nối và chia sẻ dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương và 04 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia hiện kết nối với hơn 90 cơ quan, doanh nghiệp, cung cấp trên 30 dịch vụ dữ liệu với 2,59 tỷ giao dịch, trong đó năm 2024 đạt 942 triệu giao dịch.
Năm 2024, Chính phủ đã giao 5.117 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương với hệ thống cung cấp API kết nối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 03 bộ và 19 địa phương. Hệ thống họp và xử lý công việc đã phục vụ 23 phiên họp, xử lý 657 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 250.600 hồ sơ giấy. Tổng cộng, hệ thống đã phục vụ 111 hội nghị, xử lý 2.662 phiếu và thay thế khoảng 953.700 hồ sơ giấy.
Đến nay, có hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp; 87,08% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; hơn 13 triệu chữ ký số đã được cấp, đạt tỷ lệ 25% tổng số người trưởng thành có chữ ký số. 100% người dân sử dụng VNeID để đăng nhập Dịch vụ công trực tuyến với hơn 93,7 triệu lượt truy cập vào cuối tháng 11/2024.
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính đạt 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 45%, tăng 28% so với 2023, trong đó khối bộ đạt 62,48%. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.475 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính và đồng bộ hơn 382 triệu hồ sơ trạng thái xử lý, tăng 82,5 triệu so với năm 2023.
Về an toàn thông tin, Việt Nam tăng 8 bậc, từ vị trí 25 lên vị trí 17/194 quốc gia, đạt 99,74/100 điểm, thuộc nhóm “hình mẫu” (gồm 46 quốc gia) và đứng thứ 4/38 nước khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chưa kịp thời, đồng bộ, nhiều nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Đề án 06 chưa hoàn thành theo tiến độ. Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa kịp thời. Một số bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS.
Thực tế, kinh tế số chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng manh mún; hạ tầng số, nền tảng số của nhiều cơ quan đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ thông tin; vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có đường cáp quang. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, mã độc tống tiền và lừa đảo qua mạng tăng mạnh trong thời gian qua.
Thông tin sơ bộ về hoạt động CĐS của một số địa phương và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” của KTNN cho thấy, nhiều địa phương chưa thiết lập được đầy đủ hệ thống cơ chế, chính sách làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của việc ứng dụng CNTT. Tình trạng không bố trí đủ kinh phí tối thiểu cho CNTT, thiếu nhân sự CNTT diễn ra khá phổ biến tại một số đơn vị.
Các địa phương chưa có cơ chế chính sách để phát huy giá trị thương mại, đáp ứng nhu cầu khai thác của các tổ chức, doanh nghiệp và Chính phủ đối với nguồn tài nguyên số. Nguyên nhân một phần là do thiếu khung cơ chế chính sách và các quy định liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực CNTT quy định tại Luật CNTT làm cơ sở để khai thác nguồn tài nguyên số công đang ngày càng trở nên quan trọng trong công cuộc CĐS quốc gia.
Việc phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT 2021-2025 chưa đúng thẩm quyền; thiếu cơ chế để kiểm soát chất lượng của các kế hoạch 05 năm, kế hoạch hàng năm gắn với hệ thống công cụ cần thiết theo quy định dẫn đến các kế hoạch ứng dụng CNTT không đồng bộ do thiếu sự kiểm soát chung, khó đảm bảo về chất lượng.
Các nghiệp vụ quan trọng gắn với an toàn thông tin, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ mới, các nền tảng quản trị thống nhất và dữ liệu dùng chung chưa được triển khai hoặc triển khai chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tính hiệu lực của các kế hoạch ứng dụng CNTT đã đặt ra. Trong đó, việc không bố trí vốn đầy đủ cho các nhiệm vụ, hoạt động triển khai đầu tư và thuê dịch vụ CNTT kéo dài do các thủ tục, một số phần mềm đã triển khai xong nhưng chậm hoặc chưa đưa vào hoạt động trong thực tế.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, chính sách đầu tư và thuê dịch vụ CNTT còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh CĐS. Giá thuê dịch vụ CNTT theo quy định thường không sát với giá thị trường, gây khó khăn khi thuê dịch vụ; các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc không theo kịp công nghệ thay đổi liên tục; các tiêu chí đấu thầu, đặc biệt là về năng lực và kinh nghiệm không phù hợp với tính đặc thù của ngành CNTT, dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu...
Một số phần mềm CNTT chưa phát huy hết chức năng trong thực tế do thiếu quy hoạch tổng thể. Việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa đạt yêu cầu, chậm tiến độ do thiếu chiến lược và thiếu các công cụ quản lý quan trọng. Nhiều nội dung của Đề án 06 bị chậm dữ liệu do cơ sở dữ liệu bị rời rạc, chưa được chuẩn hóa, không theo quy hoạch của kiến trúc Chính phủ điện từ.
Tăng cường kiểm toán, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả
Ngày 04/4/2025, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định 448/QĐ-KTNN về việc ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc đầu tư, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT phục vụ chuyển đổi số tại các địa phương giai đoạn 2021-2024.
Theo đó, KTNN sẽ đánh giá việc tuân thủ pháp luật và tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc đầu tư, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT phục vụ CĐS. Đồng thời, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Các Đoàn kiểm toán sẽ triển khai kiểm toán tổng hợp tại các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, quản lý liên quan đến hoạt động CĐS; nhiệm vụ quản lý ngân sách và tài sản công của địa phương trong hoạt động đầu tư và thuê dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động CĐS.
Trong đó, tại Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh, các sở và UBND các cấp, kiểm toán đánh giá việc địa phương triển khai thực hiện Chương trình CĐS quốc gia; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; kiểm toán đánh giá việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách để triển khai các hoạt động đầu tư, ứng dụng phần mềm CNTT và thuê dịch vụ CNTT phục vụ CĐS của địa phương; kiểm toán đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg và số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Đánh giá công tác lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; công tác điều chỉnh, bổ sung, điều hòa nguồn vốn liên quan đến các dự án/nhiệm vụ đầu tư phần mềm CNTT; kiểm toán đánh giá công tác lập, giao và thực hiện dự toán kinh phí từ nguồn chi thường xuyên của NSĐP, nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (nếu có) để thực hiện dự án/nhiệm vụ đầu tư phần mềm ứng dụng CNTT và thuê dịch vụ CNTT phục vụ CĐS của địa phương.
Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, hạn chế tối đa chồng chéo, ảnh hưởng tới hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán, các KTNN chuyên ngành, khu vực thực hiện kiểm toán theo phương án đã được phê duyệt; tăng cường phối hợp trong tổ chức kiểm toán, đảm bảo chất lượng, thống nhất, phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán chi tiết tại các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, thị xã thuộc tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ đầu tư, hoạt động thuê dịch vụ CNTT và hoạt động quản lý, ứng dụng phần mềm CNTT phục vụ CĐS. Trong đó, đánh giá việc tuân thủ quy định của pháp luật và tính kinh tế trong quản lý, sử dụng NSNN thực hiện các dự án/nhiệm vụ đầu tư phần mềm, thuê dịch vụ CNTT phục vụ CĐS; đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong đầu tư, ứng dụng phần mềm CNTT và thuê dịch vụ CNTT phục vụ CĐS.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao KTNN khu vực XIII chủ trì, xây dựng đề cương tổng quát của chuyên đề kiểm toán; các KTNN khu vực căn cứ vào Đề cương kiểm toán được Lãnh đạo KTNN ký ban hành để xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với các vấn đề cụ thể thông qua việc tổ chức khảo sát, thu thập thông tin tại đơn vị được kiểm toán.
Các KTNN khu vực I, II, III, VII, VIII, X, XI, XII được giao nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề bám sát Đề cương kiểm toán được Lãnh đạo KTNN ký ban hành, phát hành Báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán do đơn vị chủ trì, đồng thời gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về KTNN khu vực XIII trước ngày 30/11/2025 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo KTNN.
KTNN khu vực XIII tổng hợp kết quả kiểm toán của các đoàn kiểm toán, lập Báo cáo tổng hợp kết quả của chuyên đề trình lãnh đạo KTNN, đồng thời gửi Vụ Tổng hợp để tổng hợp kết quả kiểm toán trước ngày 31/12/2025.
Đối với cuộc kiểm toán chuyên đề việc đầu tư, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT phục vụ chuyển đổi số tại các địa phương giai đoạn 2021-2024, đã có 6/9 KTNN khu vực đang triển khai kiểm toán, do đó, các KTNN khu vực phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm toán, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mỗi đơn vị theo quy định về Cơ chế phối hợp trong thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành, chuyên đề do nhiều đơn vị thực hiện ban hành theo Quyết định số 377/QĐ-KTNN ngày 17/3/2025 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
KTNN khu vực XIII đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, KTNN mở diễn đàn nội bộ để các thành viên tham gia kiểm toán chuyên đề tương tác, nêu câu hỏi, quan điểm, khó khăn, vướng mắc, chia sẽ kinh nghiệm; đồng thời KTNN khu vực XIII thành lập các Tổ tổng hợp cho mỗi chuyên đề để thực hiện các nhiệm vụ do đơn vị chủ trì. Tổ tổng hợp này sẽ trao đổi, giải đáp vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ, tổng hợp báo cáo. Các đơn vị liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo cuộc kiểm toán thành công.
Ông Nguyễn Đức Tín - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII