Ảnh minh họa - Nguyễn Lộc |
Kiểm toán việc quản lý nguồn nước sông Mê Công - Yêu cầu cấp thiết
Do sức ép của quá trình phát triển kinh tế, sự thiếu đồng thuận về lựa chọn chiến lược phát triển bền vững, các nước trong lưu vực Mê Công đã và đang khai thác triệt để các nguồn lợi từ hệ thống sông nhằm phục vụ các ưu tiên phát triển của quốc gia. Cụ thể, phía thượng lưu, Trung Quốc đã xây dựng 14 công trình thủy điện. Ở hạ lưu, Lào đã xây dựng và đưa vào vận hành 37 công trình thủy điện; dự kiến 37 công trình thủy điện khác của Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ được đưa vào vận hành, chưa kể các dự án chuyển nước từ sông Mê Công về vùng Đông Bắc phục vụ sản xuất nông nghiệp của Thái Lan trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, hàng nghìn hồ chứa, đập dâng, trạm bơm đã được xây dựng trên các dòng nhánh để sản xuất thủy điện, lấy nước phục vụ tưới tiêu và các nhu cầu khác của phát triển kinh tế. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, chất lượng nước, giảm lượng phù sa… tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Ở vị thế quốc gia cuối nguồn và hơn 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới, Việt Nam đang đứng trước những thách thức về an ninh nguồn nước do ảnh hưởng từ việc khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững của các quốc gia thượng nguồn. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, những tác động của hệ thống thủy điện phía thượng lưu sẽ gây thiếu hụt phù sa nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (có thể lên đến 90% so với hiện nay), gây hiện tượng “nước đói” làm gia tăng xói lở bờ sông. Ngoài ra, chế độ vận hành cực đoan của hệ thống thủy điện sẽ gây thiếu hụt cục bộ dòng chảy vào mùa khô, dẫn đến khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng…
Trong khi đó, kết quả cuộc kiểm toán song song “Các vấn đề nước lưu vực sông Mê Công” năm 2012 đã chỉ ra rằng, công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước còn yếu kém; cơ chế chính sách còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ; thiếu sự điều phối và phối hợp liên ngành; năng lực kỹ thuật, nhận thức và kiến thức về quản lý tổng hợp tài nguyên nước vẫn còn hạn chế; thiếu sự chia sẻ thông tin; khó khăn về tài chính… Điều này dẫn đến thực trạng khai thác, sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Công bất hợp lý, thiếu quy hoạch và tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng.
Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và sinh kế của người dân vùng hạ lưu sông, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề này, đồng thời, thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về thúc đẩy vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội, với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 và tổ chức triển khai trong năm 2021.
5 đổi mới trong thực hiện cuộc kiểm toán
Cuộc kiểm toán hợp tác được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song do KTNN Việt Nam chủ trì và SAI Thái Lan, Myanmar là thành viên. Điểm đáng lưu ý là thông qua các sáng kiến và đề xuất của KTNN Việt Nam, cuộc kiểm toán có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện:
Thứ nhất, về nội dung: Bên cạnh đánh giá trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý nguồn nước, cuộc kiểm toán sẽ tập trung đánh giá tác động do quản lý, khai thác và sử dụng bất hợp lý, thiếu bền vững nguồn nước lưu vực sông Mê Công đối với số lượng và chất lượng nước, phù sa, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân ở các nước trong lưu vực sông Mê Công; đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công và việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho vùng hạ lưu sông Mê Công giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, bám sát định hướng của INTOSAI trong kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, cuộc kiểm toán xác định mục tiêu triển khai gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể đánh giá việc thực hiện Mục tiêu cụ thể 6.5 liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, thuộc Mục tiêu phát triển bền vững số 6 ban hành kèm theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, về cách thức tổ chức thực hiện: Theo thông lệ, các SAI tham gia cuộc kiểm toán song song sẽ cùng thống nhất chủ đề, mục tiêu và hài hòa phương pháp kiểm toán; trên cơ sở kết quả kiểm toán được thực hiện độc lập tại mỗi quốc gia, đưa ra các báo cáo kiểm toán với những khuyến nghị cho từng quốc gia. Tuy nhiên, cuộc kiểm toán lần này, bên cạnh chủ đề và mục tiêu kiểm toán đã được thống nhất, KTNN Việt Nam xây dựng Đề cương kiểm toán xác định cụ thể 4 nội dung và các tiêu chí kiểm toán tương ứng của cuộc kiểm toán và khuyến khích các SAI cùng thực hiện các nội dung và tiêu chí kiểm toán do KTNN Việt Nam xác định tại quốc gia của mình, đặc biệt 4 tiêu chí thuộc Nội dung kiểm toán số 2 về đánh giá tác động do quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Công đối với số lượng và chất lượng nước, phù sa, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân ở các nước trong lưu vực sông Mê Công.
Thứ ba, về phương pháp tiếp cận: Do tính chất phức tạp và đa dạng của công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, cuộc kiểm toán áp dụng phương pháp tiếp cận “toàn Chính phủ” nhằm phát hiện sự phân mảnh, khoảng trống, trùng lặp và chồng chéo trong vai trò, trách nhiệm và chức năng ở các cấp Chính phủ; xác định lỗ hổng của cơ chế, chính sách cũng như những bất cập về cơ chế phối hợp và giám sát giữa các cơ quan Chính phủ theo ngành dọc và các cơ quan cùng cấp. Từ đó, KTNN đưa ra những đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung chính sách và hoàn thiện cơ chế. Phương pháp này cũng giúp đánh giá liệu việc phân bổ ngân sách cho các Bộ, ngành, địa phương và trong nội bộ các đơn vị có dựa trên sự ưu tiên, chính sách, kế hoạch hành động và vai trò của từng đơn vị trong việc hoàn thành các mục tiêu.
Thứ tư, về tổ chức thực hiện khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán: Xác định đây là cuộc kiểm toán phức tạp, đa dạng về nội dung, liên quan đến nhiều Bộ, ngành và đa quốc gia, KTNN đã sớm chủ động triển khai xây dựng Kế hoạch khảo sát cụ thể đối với từng Bộ, ngành và địa phương có liên quan. Việc xây dựng Đề cương khảo sát bám sát mẫu biểu của Ngành, đi sâu vào xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trọng tâm kiểm toán tại từng đơn vị để yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp các hồ sơ tài liệu một cách cụ thể, tránh việc thiếu thông tin nhằm xây dựng một kế hoạch kiểm toán sát với thực tế.
Thứ năm, về trình bày các phát hiện kiểm toán: Đối với mẫu Báo cáo của KTNN hiện nay, các phát hiện kiểm toán chủ yếu đang được trải đều và trình bày theo trình tự: Thực trạng vấn đề - Phát hiện - Nguyên nhân - Kết luận. Đối với cuộc kiểm toán này, báo cáo kiểm toán dự kiến sẽ được trình bày theo thông lệ quốc tế với trình tự: Phát hiện kiểm toán - Tác động - Nguyên nhân cốt lõi - Kết luận - Kiến nghị. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hiện, Đoàn kiểm toán sẽ tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng mục tiêu, nội dung và tiêu chí kiểm toán đã được phê duyệt tại Kế hoạch kiểm toán tổng quát./.
ThS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH
KTNN chuyên ngành III