Kiên Giang: Tổng trị giá hàng hóa dịp Tết dự kiến đạt hơn 2,6 nghìn tỷ đồng

(BKTO) - Dự kiến tổng trị giá hàng hóa khoảng 2.631,70 tỷ đồng, tăng 9,53% (tăng 228,94 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2022. Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch bảm đảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

20240112_113455.jpg
Cần đảm bảo nguồn cung cho thị trường hàng hóa Tết trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Ảnh: N.Lộc

Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 có thời gian nghỉ dài, do đó nhu cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và sức mua trên thị trường sẽ tăng mạnh. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ đẩy mạnh hoạt động, tăng lợi nhuận cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp này. 

Một số mặt hàng được dự trữ nhiều để phục vụ tết như 10,6 triệu quả trứng (33,8 tỷ đồng); gạo các loại khoảng 14.829 tấn (299 tỷ đồng); tôm, cá khoảng 5.445 tấn (785 tỷ đồng); thịt các loại khoảng 3.765 tấn (755 tỷ đồng); 926 tấn chè, cà phê (122 tỷ đồng); 1.448 tấn đường, kẹo, sữa, bánh mứt (122 tỷ đồng)…

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp chủ lực trong tỉnh như: Công ty CP Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Công ty CP Thương mại Kiên Giang, Công ty CP Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang... xây dựng kế hoạch dự trữ nguyên liệu sản xuất; dự trữ hàng hóa để kịp thời cung ứng ra thị trường khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Sở Công Thương đề nghị các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh tăng cường hợp tác, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh; tích cực tham gia các chương trình của Sở Công Thương tổ chức về kết nối tiêu thụ hàng nông, thủy sản, các mặt hàng thực phẩm an toàn đã được các cơ quan chức năng chứng nhận.

Chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường và tham gia triển khai các chương trình bình ổn thị trường; đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa nhằm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân.

Các chợ, siêu thị chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ, giá cả hợp lý và đúng theo nhà cung cấp đưa ra; triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh, nhất là mặt hàng thịt heo, tránh xảy ra tình trạng tăng giá mất kiểm soát dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, tỉnh cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề cung ứng các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu xuyên suốt dịp Tết. Theo đó, đối với các thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu có hệ thống phân phối trong tỉnh chủ động các phương án tăng nguồn cung và dự trữ lưu thông hàng hóa; thực hiện tốt các quy định về kinh doanh xăng, dầu đảm bảo nguồn xăng, dầu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm 2023; trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Dự kiến tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trong tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 54.585 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2.631,70 tỷ đồng, tăng 9,53% (tăng 228,94 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2023.

Cùng chuyên mục
Kiên Giang: Tổng trị giá hàng hóa dịp Tết dự kiến đạt hơn 2,6 nghìn tỷ đồng