Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước: Dư âm và kỳ vọng…

(BKTO) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao từ lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, để lại ấn tượng tốt đẹp với cử tri và nhân dân. Quan trọng hơn, từ Phiên chất vấn đã gợi mở nhiều vấn đề nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước.

202406051038482192_z5508934357197_f7851d9df38e2973ff2cb8921081c5eb.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: VPQH

Sau hơn 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Tổng Kiểm toán nhà nước được lựa chọn để trả lời chất vấn trước Quốc hội. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đối với hoạt động kiểm toán nhà nước (KTNN).

Bày tỏ vinh dự này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là dịp để KTNN có điều kiện báo cáo trước Quốc hội, trước cử tri cả nước về hoạt động KTNN - một lĩnh vực chuyên môn sâu và đặc thù.

Còn đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì cho rằng, việc lần đầu tiên Quốc hội lựa chọn chất vấn đối với cơ quan giúp việc cho Quốc hội cho thấy một sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Nhìn lại Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều đại biểu Quốc hội có chung đánh giá: Tổng Kiểm toán nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, không vòng vo, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

“Mặc dù là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn song Tổng Kiểm toán nhà nước đã thể hiện sự tự tin, trả lời thẳng thắn, trực diện những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Trong đó, có những vấn đề nhạy cảm như lĩnh vực phòng, chống tham nhũng hay vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của kiểm toán viên đều được Tổng Kiểm toán giải trình, tiếp thu, giải trình với tinh thần rất cầu thị. Vì vậy, về cơ bản các đại biểu Quốc hội cảm thấy hài lòng” - đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ với phóng viên bên lề Phiên chất vấn.

Cũng theo đại biểu Tạ Văn Hạ, từ các ý kiến, câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội cho thấy đặt ra yêu cầu về tính chủ động của cơ quan KTNN. Đó là, ngoài việc kiểm toán việc quản lý tài chính, tài sản công theo kế hoạch, theo yêu cầu, thì các cơ quan, các doanh nghiệp còn chủ động mời KTNN vào kiểm toán. Đây là điều rất đáng mừng về nhận thức của xã hội đối với vai trò của KTNN song
đồng thời cũng đặt ra thách thức với KTNN về cả nhân lực, nguồn lực, chuyên môn để làm sao đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Cùng với đó là việc giữ gìn, tạo được uy tín, hình ảnh của lực lượng kiểm toán viên nhà nước trong xã hội.

ta_van_ha-1654822634545.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ. Ảnh: nhandan.vn

Còn theo nhìn nhận của đại biểu Phan Đức Hiếu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, qua những nội dung chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước cho thấy, KTNN cần lựa chọn nội dung, chủ đề và đối tượng kiểm toán sát hơn nhằm phát hiện sớm những sai sót, vi phạm, từ đó phát huy tốt hơn nữa vai trò cảnh báo, phòng ngừa các hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm toán.

Hay như với vấn đề thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, việc thực hiện tốt kiến nghị kiểm toán là điều kiện tiên quyết để đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán. Muốn vậy, KTNN phải nâng cao được chất lượng của hoạt động kiểm toán, phải tạo dựng và duy trì được tính chuyên môn, chuyên nghiệp, đạo đức, tính độc lập trong hoạt động kiểm toán.

Đặc biệt, đối với những kiến nghị về sửa đổi cơ chế chính sách, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, đây là những kiến nghị rất quan trọng, bởi việc hoàn thiện thể chế tạo ra nền tảng lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội. “Vì vậy, tôi mong muốn thời gian sắp tới KTNN cần tập trung phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết hiệu quả vấn đề này” - đại biểu Phan Đức Hiếu nói.

Theo đó, đại biểu đề xuất, bên cạnh cách làm như hiện nay, KTNN thể nghiên cứu áp dụng cách làm mới theo hướng gắn với chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Hàng năm, KTNN có thể lọc ra những văn bản, những quy định không phù hợp, buộc phải bãi bỏ và kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản bãi bỏ dứt điểm, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ trình Quốc hội bãi bỏ để bảo đảm nhanh, kịp thời” - ông Phan Đức Hiếu gợi mở và cho rằng, nếu làm được điều này sẽ phát huy rất tốt vai trò của KTNN trong công tác hoàn thiện thể chế.

dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thai-binh-phan-duc-hieu-1666924211.jpg
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: quochoi.vn

Chia sẻ băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc KTNN đã phát hiện và kiến nghị, xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, song thực tiễn cho thấy vẫn xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, để giảm đi những sai phạm, để phát huy tốt hiệu quả phòng ngừa qua kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tính tuân thủ của các đơn vị được kiểm toán, đòi hỏi KTNN phải phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn để các đơn vị hiểu hơn về hoạt động kiểm toán, về công tác quản lý tài sản, quản lý, chi tiêu ngân sách.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, KTNN có thể lựa chọn ra những lĩnh vực dễ xảy ra sai sót, những dự án loại nào hay xảy ra sai sót, những sai sót gì là điển hình…để nhân rộng, phổ biến, tập huấn cho các cơ quan có liên quan. Có như vậy mới giúp giảm đi sai sót, vi phạm. Đó cũng mới là đích đến thành công của KTNN

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu

Có thể thấy, những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra cũng chính là trăn trở, là mục tiêu mà KTNN đang hướng đến. Đó là làm sao để xã hội hiểu hơn về Ngành, về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN; làm sao để giá trị của mỗi kiến nghị kiểm toán không ngừng được nâng tầm, khả thi, thuyết phục và được thực hiện kịp thời, đầy đủ, từ đó khẳng định hiệu lực, hiệu quả, đóng góp của hoạt động kiểm toán nhà nước đối với hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị…

Trong không khí hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, dư âm từ Phiên chất vấn cũng như những gửi gắm, kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội sẽ là động lực để KTNN tiếp tục phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt sứ mệnh, tiếp tục khẳng định vai trò, giá trị đóng góp của mình trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Cùng chuyên mục
  • Góp phần xây dựng Kiểm toán nhà nước ngày càng chuyên nghiệp và vững mạnh
    4 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - “Tôi luôn nhận thức rằng, khoảng thời gian 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một chặng đường lịch sử không quá dài, có những người đến và đi để đảm nhận các vị trí, công việc khác nhau, với tư cách từng là lãnh đạo Vụ Tổng hợp, tôi muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu và đóng góp nhiều hơn với Ngành…” - ông Trần Khánh Hòa, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp) chia sẻ.
  • Hoàn thiện chính sách để “gỡ vướng” trong thực thi kiến nghị kiểm toán
    4 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Dù tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng cao, song để giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng, chậm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, thì một trong những giải pháp căn cơ là phải hoàn thiện hệ thống chính sách, trong đó có việc sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các luật có liên quan. Vấn đề này đã được Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
  • Phạm vi của Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập không liên quan trực tiếp đến nhau
    4 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN), KTNN chỉ có một nội dung liên quan duy nhất đến kiểm toán độc lập (KTĐL) là KTNN có quyền thuê KTĐL tiến hành một số nội dung công việc, nhưng KTNN vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả kiểm toán - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thông tin đến các đại biểu Quốc hội.
  • SCB không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước
    4 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định: SCB không không thuộc đối tượng, không thuộc phạm vi của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, đây là công ty đại chúng và SCB thuộc đối tượng bắt buộc kiểm toán độc lập…
  • Kiểm toán nhà nước thực hiện tốt vai trò phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    4 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trả lời chất vấn của đại biểu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ nội ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ được Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) rất quan tâm và quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước: Dư âm và kỳ vọng…