Kiến nghị sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương

(BKTO) - Cử tri và nhân dân đánh giá cao giải ngân vốn đầu tư công tăng 5%, tương đương 110 nghìn tỷ đồng; đã hoàn thành hơn 650 km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500 nghìn tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương…

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

ba-anh.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày Báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Dự thảo Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam.

“Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% tương đương 110 nghìn tỷ đồng, đã hoàn thành hơn 650 km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500 nghìn tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” - bà Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự tin tưởng và tiếp tục ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực góp phần quan trọng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước đứng đầu là. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn, trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, thậm chí xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính nhưng còn nhiều trăn trở vì một số địa phương chưa quan tâm đúng việc bố trí, sắp xếp thực hiện chính sách đối với cán bộ không còn vị trí làm việc; một số cơ sở vật chất chưa được sử dụng còn lãng phí; cá biệt một số trường hợp còn nặng về sắp xếp theo kiểu cơ học, chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố văn hóa, xã hội.

Cử tri cũng bức xúc với tình trạng “quy hoạch treo” dự án đầu tư dở dang ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân; tình trạng một số người đã đầu tư mua nhà ở, đất ở đến nay dự án bị dừng, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng…

Từ tình hình trên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương để yên tâm công tác.

Đồng thời, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân; đề nghị các cấp, các ngành các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh với “tham nhũng vặt” gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và người dân.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Báo cáo đã bao quát toàn diện, đánh giá những ý kiến, kiến nghị của người dân về kết quả đạt được cũng như băn khoăn, lo lắng của cử tri và nhân dân, đồng thời đưa ra các kiến nghị.

UBTVQH cũng đề nghị, Báo cáo cần nêu rõ những nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, trọng tâm nổi lên từ Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6, những vấn đề cần phải kiến nghị tập trung giải quyết sau Kỳ họp thứ 6. Đồng thời, cần bổ sung, đánh giá rõ chất lượng các kiến nghị và ý kiến của người dân, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 5 của các cơ quan, Bộ, ban, ngành, địa phương, Trung ương và những yêu cầu cụ thể để tiếp tục giải quyết,

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, trên cơ sở kết quả thảo luận tại phiên họp, các cơ quan của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp thu và phối hợp với các cơ quan của UBTVQH bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, nhất là bổ sung ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội qua tiếp xúc cử tri.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương