Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng khảo sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cao Bằng vừa có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về việc thực hiện Luật BHXH năm 2014.

1(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tạp chí BHXH

Báo cáo của BHXH tỉnh Cao Bằng cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Luật BHXH, số người tham gia và diện bao phủ BHXH tại Cao Bằng gia tăng mạnh. Đơn cử, năm 2016, toàn tỉnh có 36.700 người tham gia BHXH, thì đến hết tháng 8/2023 đã có hơn 51.000 người tham gia BHXH, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 1.312 người lên 16.025 người...

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật BHXH năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn như: Quy định chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành Hợp tác xã không hưởng tiền lương không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nên chủ những đơn vị này thiếu quan tâm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động làm thuê cho họ.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 3 trường hợp người lao động có tổng thời gian tham gia BHXH đủ 20 năm và đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định của Luật BHXH, nhưng chưa thể giải quyết chế độ hưu trí do chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện, do người tham gia được hưởng ít quyền lợi hơn so với BHXH bắt buộc, trong khi thời gian đóng lại kéo dài, gây nên tâm lý so sánh và không ưu tiên tham gia BHXH tự nguyện.

Cụ thể, BHXH bắt buộc áp dụng 5 chế độ, nhưng BHXH tự nguyện mới triển khai có 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, nên chưa khuyến khích được nhiều người tham gia, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Từ thực tế trên, BHXH tỉnh Cao Bằng kiến nghị bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; cho phép ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng là chủ hộ kinh doanh cá thể để giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

Đồng thời, Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện; HĐND, UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

Đặc biệt, BHXH tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị các cơ quan Trung ương sớm xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn, giải quyết số tiền chậm đóng của các DN phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, đề nghị BHXH tỉnh Cao Bằng làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu còn đạt thấp như: Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện Luật BHXH; công tác thanh tra, kiểm tra; thực trạng người lao động rút BHXH một lần; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH...

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng - ông Bế Minh Đức - ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của BHXH tỉnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc, ông Đức cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, sửa đổi và hoàn thiện Luật BHXH đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị BHXH tỉnh Cao Bằng phối hợp với các đơn vị nắm bắt thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm./.

Cùng chuyên mục
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng khảo sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội