Kiểm toán viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Lê Hòa
Nhiều kiến nghị quan trọng đối với doanh nghiệp và cơ quan thuế
Công tác kiểm tra, đối chiếu thuế được KTNN khu vực I thực hiện tại cơ quan thuế. Khi kiểm toán tổng hợp tại cục thuế, các tổ kiểm toán vừa kiểm toán tổng hợp thu ngân sách vừa kết hợp kiểm tra, đối chiếu. Việc thực hiện đối chiếu thuế có sự kết hợp chặt chẽ với các tổ kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên và tổ kiểm toán tổng hợp chi đầu tư để thu thập thông tin bổ sung, hỗ trợ việc chọn mẫu DN đối chiếu, bảo đảm bằng chứng chặt chẽ, nâng cao hiệu quả kiểm toán. Với các tổ kiểm toán ngân sách cấp huyện, nhóm kiểm toán thu ngân sách tại chi cục thuế cũng thực hiện tương tự, tổ kiểm toán tổng hợp thu vừa kiểm toán các nội dung thu của chi cục thuế vừa kết hợp kiểm tra, đối chiếu thuế, đồng thời kết hợp với nhóm kiểm toán chi thường xuyên và nhóm chi đầu tư.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiểm toán viên luôn đảm bảo tuân thủ Luật KTNN cũng như thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về kiểm tra, đối chiếu thuế của Ngành. Theo đó, trình tự kiểm tra, đối chiếu thuế gồm 4 bước: phân tích hồ sơ tài liệu về người nộp thuế được lưu trữ theo quy định tại cơ quan thuế để xác định người nộp thuế cần phải kiểm tra, đối chiếu; lập kế hoạch kiểm tra, đối chiếu trình trưởng đoàn và kiểm toán trưởng phê duyệt; thực hiện kiểm tra, đối chiếu; lập biên bản kiểm tra, đối chiếu.
Qua kiểm toán, KTNN khu vực I đều phát hiện tăng thu ngân sách về thuế đối với hầu hết DN được kiểm tra, đối chiếu. Kiến nghị tăng thu ngân sách về thuế và các khoản phải nộp NSNN chủ yếu là từ kết quả của việc đối chiếu thuế. Giai đoạn 2016-2019, KTNN khu vực I đã tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương 16 lượt tỉnh, thành phố. Qua đó, đơn vị đã kiểm tra, đối chiếu thuế của các DN trên địa bàn và kiến nghị xử lý tài chính đối với các DN được đối chiếu thuế 917,55 tỷ đồng, gồm: tăng thu ngân sách về thuế và các khoản phải nộp NSNN 351,67 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ 224,92 tỷ đồng; giảm thuế nộp thừa Nhà nước 10,91 tỷ đồng; thu hồi hoàn thuế 5,43 tỷ đồng; giảm lỗ 324,59 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn có nhiều kiến nghị về công tác quản lý thu của cơ quan thuế với các DN ngoài quốc doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể hóa các quy định về đối chiếu thuế
Tuy nhiên, việc kiểm tra, đối chiếu thuế còn gặp rất nhiều khó khăn như: đối tượng kiểm tra, đối chiếu chưa được cụ thể hóa; việc chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong kiểm tra, đối chiếu dẫn đến hiệu lực của công tác kiểm tra, đối chiếu chưa cao, nhận thức của một số người nộp thuế về vấn đề này chưa đầy đủ. Nhiều DN chưa phối hợp tốt với KTNN, không nghiêm túc chấp hành; một số DN có biểu hiện chây ỳ, đưa ra nhiều lý do để tránh né việc kiểm tra, đối chiếu thuế, kéo dài thời gian cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đồng bộ hồ sơ, tài liệu.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán và thanh tra, kiểm tra đôi khi còn có sự chồng chéo do cơ quan thuế, các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhà nước và địa phương chưa thực sự phối hợp trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời về kế hoạch thanh tra, kiểm tra của mình. Số lượng đối tượng nộp thuế lớn, địa bàn rộng khắp trong khi nguồn nhân lực của cơ quan kiểm toán còn hạn chế dẫn đến mẫu chọn kiểm toán trong số đối tượng quản lý còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Việc quản lý thuế được thực hiện bằng phần mềm, trong khi đó, kiểm toán viên chỉ thực hiện kiểm toán trên hồ sơ do cơ quan quản lý thuế chiết xuất, điều này phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế, KTNN cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, đề xuất ban hành văn bản pháp lý quy định và hướng dẫn thực hiện kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế theo hướng cụ thể, rõ ràng về đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp… Quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo kê khai thuế.
Hai là, nghiên cứu ban hành chế tài đối với hành vi vi phạm Luật KTNN của các đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là chế tài xử lý các DN không chấp hành hoặc không phối hợp trong việc đối chiếu thuế.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, truy cập hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan nhằm rút ngắn thời gian kiểm toán.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng phần mềm kiểm toán, phần mềm hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm toán; cập nhật và bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực kiểm toán và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho công chức, kiểm toán viên nhà nước.
ThS. HOÀNG THỊ CÚC
KTNN khu vực I