Hàng triệu khối gỗ rừng biến mất
Theo kết quả kiểm toán, tình trạng suy giảm chất lượng rừng thể hiện rõ qua số liệu kiểm kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng gỗ các năm 2012 và năm 2017 đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ya Lốp. Toàn bộ diện tích rừng trung bình theo kết quả kiểm kê năm 2012 là 11,6 nghìn ha đã chuyển thành rừng nghèo và nghèo kiệt; diện tích rừng nghèo kiệt năm 2012 không có, đến tháng 4/2017, con số này đã là 17,2 nghìn ha. Diện tích đất trống không có rừng vào thời điểm tháng 4/2017 đã tăng thêm gần 3,8 nghìn ha so với thời điểm 2012. Trữ lượng gỗ đã bị mất từ năm 2012 đến tháng 4/2017 của hai Công ty này ước tính 1,9 triệu m3 tương đương 3.827 tỷ đồng (tạm tính theo bảng giá gỗ do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành năm 2013).
Hay như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh (hiện đã sáp nhập vào Công ty TNHH sản xuất chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk), trong giai đoạn 2006-2016 đã làm mất gần 20,4 nghìn ha rừng tự nhiên trong tổng diện tích rừng được giao quản lý từ năm 2006 là 33,7 nghìn ha, gây thiệt hại tối thiểu theo giá trồng rừng mới thay thế là 1.725 tỷ đồng.
Việc UBND tỉnh Đắk Lắk không chỉ đạo thống kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng gỗ các thời điểm năm 2005, năm 2010 đã góp phần che dấu tình trạng suy giảm trữ lượng rừng, giúp các Công ty lâm nghiệp trốn tránh trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển rừng, vô tình làm cho tình trạng chặt phá rừng tại các Công ty lâm nghiệp trực thuộc diễn ra liên tục nhiều năm qua với mức độ nghiêm trọng. Điều đáng lưu ý là cũng tại địa bàn huyện Ea Súp, trong khi diện tích rừng giao cho Vườn Quốc gia Yok Đôn về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn qua nhiều năm, thì diện tích rừng giao cho các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện này lại bị tàn phá nghiêm trọng như đã nêu trên. Thực tế này cho thấy việc mất rừng, suy giảm trữ lượng rừng, ngoài nguyên nhân khách quan là lâm tặc phá rừng, người dân di cư, đồng bào địa phương đốt phá rừng,… thì các nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quan trọng trong việc mất rừng, mất tài nguyên rừng.
Do đó, đồng thời với kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước của người đứng đầu và các cá nhân có liên quan tại các Công ty lâm nghiệp được giao trực tiếp quản lý rừng tự nhiên nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm làm mất rừng, suy giảm chất lượng rừng, giảm trữ lượng gỗ nghiêm trọng.
Nhiều bất cập khác trong quản lý của địa phương
Giai đoạn 2006-2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định thu hồi hơn 3,8 nghìn ha rừng để chuyển sang mục đích khác không phải lâm nghiệp nhưng mới chỉ yêu cầu các chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng mới thay thế 52 ha, còn lại chưa yêu cầu các Chủ đầu tư trồng rừng mới thay thế theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014. KTNN xác định, tổng kinh phí trồng rừng thay thế của diện tích này là hơn 317,6 tỷ đồng, trong đó tiền trồng rừng thay thế mà các DN phải nộp vào Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Đắk Lắk gần 41,5 tỷ đồng, NSNN phải bố trí kinh phí trồng rừng thay thế số tiền hơn 276 tỷ đồng.
Hơn nữa, giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho phép chuyển đổi hơn 12,4 nghìn ha rừng tự nhiên sang trồng cao su, trồng rừng khác, tuy nhiên nhiều dự án không thực hiện hoặc thực hiện với tỷ lệ nhỏ so với diện tích rừng tự nhiên được giao. Vì thế, tổng diện tích được chuyển mục đích nhưng chưa trồng rừng tính đến thời điểm 30/10/2017 - theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk - là gần 6,9 nghìn ha. Thực tế này cho thấy chủ trương chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp không đạt mục tiêu đề ra, các dự án chuyển đổi chậm thực hiện hoặc không thực hiện, làm mất rừng tự nhiên, nhưng không có rừng trồng thay thế.
KTNN đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến các hạn chế, sai phạm phát hiện qua kiểm toán. Cụ thể, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ đạo cổ phần hóa DN của tỉnh, UBND TP.Buôn Ma Thuột, UBND huyện Krông Ana và các DN nông, lâm nghiệp trực thuộc UBND tỉnh liên quan đến các hạn chế, sai phạm phát hiện qua kiểm toán. |
Mặt khác, Quyết định số 829/QĐ-BNN-TCLN ngày 23/4/2014 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Đề án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho phép các dự án chuyển mục đích rừng tự nhiên sang trồng cao su không phải trồng rừng mới thay thế là trái với quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT và Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của liên bộ NN&PTNT - Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, diện tích rừng tự nhiên chuyển sang trồng cao su là diện tích chuyển sang mục đích không phải lâm nghiệp, nên Quyết định số 829/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NN&PTNT đã gây thiệt hại lớn cho các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của các địa phương. Riêng tại Đắk Lắk, văn bản trên đã tạo điều kiện cho các DN được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su không phải trồng rừng mới thay thế hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đối với diện tích hơn 8,8 nghìn ha, tương ứng gần 750 tỷ đồng.
ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 21ra ngày 24/5/2018