“Kiềng 3 chân” trong đào tạo đội ngũ kiểm toán viên nhà nước

(BKTO) - Xu hướng vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đặt ra yêu cầu cho mỗi kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) phải được đào tạo và tự đào tạo về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và những kỹ năng bổ trợ cần thiết khác để thích ứng với điều kiện mới. Công cuộc đào tạo này cần có sự tham gia với quyết tâm cao của 3 chủ thể liên quan.




KTVNN phải đáp ứng yêu cầu kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin. Ảnh tư liệu

CMCN 4.0, với các yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), đã và đang làm thay đổi tư duy và phương thức làm việc tại tất cả các ngành, nghề. Cùng với sự thay đổi đó là những cơ hội và thách thức cho người lao động.

Kiểm toán viên khó khai thác dữ liệu nếu thiếu kiến thức công nghệ

Đối với KTVNN, CMCN 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin, dữ liệu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối vạn vật. Các dữ liệu về kết quả kiểm toán được tích lũy và chia sẻ, hình thành kho dữ liệu thông tin lớn, hữu ích cho hoạt động kiểm toán. Khoảng cách địa lý không còn là trở ngại đáng kể trong thu thập thông tin. Thông tin, kết quả kiểm toán được truyền tải nhanh hơn, chính xác hơn, kịp thời phục vụ công tác quản lý và tác nghiệp trong các giai đoạn của quy trình kiểm toán. KTVNN có nhiều cơ hội chia sẻ, tiếp cận phương pháp, quy trình kiểm toán hiện đại, từ đó gia tăng trình độ và kinh nghiệm xử lý các tình huống kiểm toán.
CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức làm cản trở hoạt động kiểm toán nếu KTVNN không có các giải pháp hữu hiệu. KTVNN phải am hiểu công nghệ thông tin để khai thác, phân tích dữ liệu và thực hiện kiểm toán trong bối cảnh các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tổ chức và xử lý nghiệp vụ kế toán; phương thức luân chuyển chứng từ kế toán và việc lưu trữ thông tin cũng được thay đổi thích ứng với môi trường công nghệ số. Dữ liệu kiểm toán trở nên phức tạp và khó khai thác đầy đủ hơn nếu KTVNN không được trang bị nền tảng kiến thức về công nghệ và kỹ năng khai thác thông tin…

Tạo lập môi trường, chính sách, khuyến khích kiểm toán viên

Việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0 đang trở nên cấp thiết đối với mỗi KTVNN. Vì vậy, KTNN phải đặc biệt coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - KTVNN giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin. Để công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, cần có sự tham gia với quyết tâm cao của ba chủ thể liên quan.
Theo đó, KTNN đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc tạo lập môi trường, chính sách và khuyến khích sự phát triển của KTVNN. Hiện nay, KTNN nên ưu tiên nguồn lực để phát triển những giải pháp công nghệ mới, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật kiểm toán. Các phần mềm ứng dụng đảm bảo hỗ trợ việc thực hiện nghiệp vụ kiểm toán, công tác quản lý và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của KTVNN.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của KTVNN, KTNN cần tăng cường lưu trữ thông tin về đối tượng được kiểm toán, kết quả kiểm toán, các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ kế toán - kiểm toán… Sự kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin về kinh nghiệm, kỹ năng kiểm toán cần được đề cao như một giải pháp góp phần gia tăng tri thức cho đội ngũ nhân sự thực hiện kiểm toán. KTNN cũng cần khuyến khích KTVNN nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các khóa đào tạo bắt buộc hoặc tự đào tạo. Chuẩn kiến thức cần được thiết lập và không ngừng nâng cao, tạo động lực phấn đấu cho mỗi KTVNN.

Vai trò nòng cốt của cơ sở đào tạo

Giữ vai trò nòng cốt đối với việc đào tạo, bồi dưỡng KTVNN chất lượng cao, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cần đổi mới cách thức quản lý, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học... để xây dựng phương thức đào tạo 4.0 thích ứng với điều kiện mới.

Phương pháp quản l‎ý đào tạo truyền thống dần chuyển sang “quản lý thông minh” nhờ các ứng dụng công nghệ. Nâng cấp và hoàn thiện phần mềm quản lý đào tạo là yêu cầu căn bản có tác dụng hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đào tạo, từ việc khảo sát nhu cầu để xây dựng kế hoạch đến quản lý lớp học, người học, giảng viên, chương trình tài liệu… và lưu trữ kết quả đào tạo phục vụ công tác quản lý. Hình thức đào tạo đa dạng hóa, có sự phối kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa đào tạo tập trung truyền thống và đào tạo trực tuyến. Hình thành hệ thống đào tạo E-learning nhằm tạo môi trường học tập mọi lúc, mọi nơi cho KTVNN.

Cùng với đó, Trường cần nhanh chóng xây dựng và vận hành hiệu quả “Kho dữ liệu tri thức về đào tạo và nghiên cứu khoa học của KTNN”. Kho dữ liệu được kết nối với thư viện số của KTNN để chia sẻ tri thức phục vụ hoạt động kiểm toán. Trường cũng cần đẩy nhanh việc nghiên cứu và tham mưu cho KTNN xây dựng hệ thống chương trình, tài liệu đào tạo KTVNN theo chuẩn kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong thời kỳ CMCN 4.0. Theo đó, mỗi KTVNN phải đáp ứng yêu cầu kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin.

Tự học là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên

KTVNN giữ vị trí trung tâm, quyết định năng lực thích ứng với môi trường làm việc 4.0. Bên cạnh việc tham gia các chương trình đào tạo chính khóa, KTVNN cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là khả năng vận dụng, làm chủ công nghệ thông tin. Tự học trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi KTVNN, cần được thực hiện thường xuyên, dần trở thành “văn hóa đào tạo” của KTNN và mỗi KTVNN.

KTVNN tự học để hiểu và nắm vững quy trình xử lý các nghiệp vụ kinh tế, tổng hợp thông tin kế toán của đơn vị được kiểm toán trong môi trường công nghệ số; sử dụng thành thạo và khai thác có hiệu quả những thông tin, dữ liệu thông qua các phần mềm hỗ trợ kiểm toán, cơ sở dữ liệu kiểm toán.... Cùng với đó, KTVNN cần trau dồi và nâng cao trình độ ngoại ngữ, làm chìa khóa cho việc mở rộng khả năng tiếp cận và khai thác thông tin phục vụ kiểm toán.

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mỗi KTVNN cần nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức do CMCN 4.0 tạo ra, xây dựng văn hóa đào tạo, văn hóa học để tiếp tục học, học tập suốt đời nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuẩn nghề nghiệp./.

TS. NGUYỄN HỮU HIỂU
Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN
Cùng chuyên mục
“Kiềng 3 chân” trong đào tạo đội ngũ kiểm toán viên nhà nước