Kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Là một trong những đơn vị chủ trì thực hiện thành công nhiều cuộc kiểm toán về thuế, đặc biệt là cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020, cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện kiểm toán được KTNN khu vực IV đúc rút, tổng hợp và chia sẻ sẽ mang lại những bài học kinh nghiệm hay cho công tác tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán tương tự.

kiemtoandonvi.jpg
Kiểm toán thuế là nội dung quan trọng và được KTNN triển khai kiểm toán hằng năm thông qua nhiều cách thức khác nhau. Ảnh: sav.gov.vn

Tiếp thu kinh nghiệm, làm tốt từ khâu chuẩn bị

Theo KTNN khu vực IV, thời gian qua, lãnh đạo KTNN thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các đoàn kiểm toán chú trọng đến nội dung trọng tâm khi kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách tại cơ quan thuế, đặc biệt các nội dung có liên quan đến hoạt động chuyển giá, trốn thuế.

Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán qua kiểm toán thuế, năm 2021, KTNN tổ chức kiểm toán chuyên đề liên quan đến hoạt động chuyển giá, trốn thuế, nhằm có đánh giá tổng hợp về công tác quản lý thuế của các cơ quan chức năng cũng như việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chỉ ra những thiếu sót, bất cập của cơ chế, chính sách để có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu ngân sách. 

Là được đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị kiểm toán trong Ngành thực hiện cuộc kiểm toán, KTNN khu vực IV đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, xây dựng Đề cương kiểm toán chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, Đề cương kiểm toán được xây dựng đã bao quát các nội dung làm cơ sở cho việc thực hiện kiểm toán chuyên đề một cách thống nhất và hiệu quả. Mặt khác, rút kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán chuyên đề trước, Đề cương đã xác định rõ mục tiêu kiểm toán, trọng yếu và nội dung kiểm toán, phạm vi và giới hạn kiểm toán cũng như thiết kế mẫu biểu hồ sơ kiểm toán cụ thể và xác thực hơn; đây là một trong những yếu tố chính góp phần tạo nên một số kết quả đạt được của Đoàn kiểm toán chuyên đề và các Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương có lồng ghép kiểm toán chuyên đề.

Theo KTNN khu vực IV, đây là một cuộc kiểm toán khó liên quan đến nhiều văn bản chế độ, chính sách và các đặc thù tại các địa phương. Nhờ tích cực tiếp thu kinh nghiệm, tiếp thu góp ý, làm tốt công tác chuẩn bị, nên các đơn vị kiểm toán đã hoàn thành cuộc kiểm toán với nhiều kết quả quan trọng, khắc phục tốt các khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình kiểm toán. 

        Qua kiểm toán chuyên đề, Đoàn kiểm toán đã có những phát hiện và kiến nghị xử lý về công tác hoàn thuế, miễn giảm, gia hạn thời gian nộp thuế; đồng thời chỉ ra những bất cập trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, hoàn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá, cần xem xét, chỉnh sửa nhằm tạo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng đối với người nộp thuế.

KTNN khu vực IV

Tiếp đó, KTNN tổ chức tập huấn Đề cương kiểm toán chuyên đề cho các cán bộ, kiểm toán viên sẽ tham gia cuộc kiểm toán. Tại buổi tập huấn, các học viên được giới thiệu khái quát tình hình về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 với các nội dung: Hệ thống văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn; tổng quan về giao dịch liên kết và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; một số khó khăn, vướng mắc và kết quả kiểm toán có liên quan.

Là báo cáo viên tại buổi tập huấn, Trưởng phòng, phòng Tổng hợp (nay là Phó Kiểm toán trưởng, KTNN khu vực IV) Phạm Thạch cho biết, các kiểm toán viên tham gia cũng được lưu ý về mục tiêu kiểm toán, trọng yếu, rủi ro kiểm toán, phạm vi và giới hạn kiểm toán, nội dung phương pháp và thủ tục kiểm toán, tổ chức kiểm toán; cũng như nội dung chi tiết tại Cục thuế và Chi cục thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết… "Sau những công đoạn thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm toán, đề cương kiểm toán, lựa chọn nhân sự, việc tổ chức tập huấn là hoạt động chuẩn bị cuối cùng để các kiểm toán viên được phổ biến đầy đủ nội dung, yêu cầu trước khi triển khai nhiệm vụ theo hướng thống nhất, đảm bảo hiệu quả" - ông Phạm Thạch cho biết, đồng thời nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt góp phần rất quan trọng vào thành công của cuộc kiểm toán. 

Gợi mở những giải pháp, cách làm hay

Thực tế cho thấy, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Từ góc độ đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, kinh nghiệm trong cách thức tổ chức thực hiện, cũng như những vướng mắc, bất cập qua quá trình thực hiện đã được KTNN khu vực IV thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng, từ đó đề xuất thành các giải pháp để áp dụng nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán.

KTNN khu vực IV cho rằng, KTNN cần tăng cường kiểm toán đối với hoạt động chuyển giá, nhất là tại địa bàn các tỉnh, thành phố có số lượng lớn các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Trong trường hợp tổ chức lồng ghép kiểm toán vào cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đòi hỏi phải bố trí đủ lực lượng kiểm toán viên thực hiện, có sự phân công nhiệm vụ kiểm toán cụ thể cho từng tổ kiểm toán trong đoàn kiểm toán.

dsc_3823.jpg
Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm toán thuế sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Ảnh tư liệu

Nêu cụ thể đối với hoạt động kiểm toán, đại diện Phòng Tổng hợp cho rằng, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cần chú trọng hơn trong giai đoạn khảo sát lập kế hoạch kiểm toán. Đây chính là cơ sở để các đơn vị kiểm toán tiến hành đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp, xác định đúng phạm vi và giới hạn kiểm toán phù hợp với địa phương; lựa chọn phương pháp và thủ tục kiểm toán phù hợp với các nội dung kiểm toán, đặc biệt là các nội dung trọng yếu…

Đối với lĩnh vực thuế có phạm rộng, nguồn dữ liệu lớn và nhiều đối tượng có liên quan, do đó, các đơn vị kiểm toán cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; nâng cao năng lực trong việc tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế...

Cũng theo lãnh đạo Phòng Tổng hợp, để đáp ứng các yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Do đó, ngay từ trước khi tiến hành kiểm toán, KTNN và các đơn vị kiểm toán cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế cho kiểm toán viên để đáp ứng được nhu cầu của Ngành trong công tác kiểm toán chống chuyển giá, trốn thuế.

Đánh giá cao chất lượng của cuộc kiểm toán chuyên đề này cả trên phương diện kết quả kiểm toán, lẫn cách thức tổ chức thực hiện, lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, cần phải đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán, các kết quả, phát hiện và kiến nghị kiểm toán nổi bật. Do đó, sau mỗi đợt kiểm toán, KTNN, các đơn vị kiểm toán cần tổ chức tọa đàm, trong đó giao đơn vị chủ trì tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thực hiện kiểm toán, báo cáo các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ cho các đơn vị thực hiện các đợt kiểm toán sau; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm đối với các chuyên đề kiểm toán tiếp theo. 

Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết