Theo KTNN chuyên ngành IV, hệ thống kiểm soát nội bộ trong quá trình thực hiện một dự án ODA có tính đồng bộ, chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, được tổ chức thành nhiều lớp, thực hiện bởi các đơn vị có tính chuyên nghiệp cao. Nhà thầu có bề dày kinh nghiệm thi công các dự án ODA ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam, trình độ quản trị hợp đồng về chất lượng, khối lượng cũng như đơn giá tốt nên hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình thực hiện dự án.
Đơn vị tư vấn (thường là tư vấn của nước cho vay vốn) có trình độ và tính chuyên nghiệp cao từ thiết kế đến giám sát thi công; do đó, việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát rất hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Các Ban Quản lý dự án đều là những đơn vị chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm thuộc các Bộ quản lý ngành nên công tác quản lý dự án rất chặt chẽ. Với những thuận lợi này, việc kiểm toán dự án ODA hạn chế được rất nhiều rủi ro kiểm toán.
Trong năm 2017, KTNN chuyên ngành IV đã tiến hành kiểm toán 10 dự án ODA, với tổng giá trị nghiệm thu được kiểm toán 45.370 tỷ đồng. Qua kiểm toán, đơn vị đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 940 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp NSNN 38 tỷ đồng, giảm thanh toán 433 tỷ đồng, xử lý khác 469 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả về xử lý tài chính, KTNN chuyên ngành IV còn phát hiện nhiều vấn đề hạn chế, bất cập tại các dự án ODA. Điển hình là các dự án ODA thường được viện trợ không hoàn lại đối với gói thầu tư vấn lập dự án, vì thế trách nhiệm của đơn vị tư vấn không cao. Các nghiên cứu này thường do các nhà tư vấn của nước cho vay thực hiện trong thời gian và chi phí chưa tương xứng dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện, làm phát sinh thời gian điều chỉnh và tăng chi phí, tổng mức đầu tư.
Công tác thiết kế, dự toán cũng bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện vay vốn (áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ thi công, định mức, đơn giá, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm và dịch vụ sử dụng cho dự án của nước cho vay thường cao hơn nhiều so với mặt bằng chung tại Việt Nam) dẫn đến việc thiếu kiểm soát và chi phí tăng cao.
Thêm vào đó, công tác lựa chọn nhà thầu thường không đảm bảo tính cạnh tranh. Do việc phân chia các gói thầu phụ thuộc vào ý chí của nước cho vay nên thường chỉ có một nhà thầu của nước cho vay đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Bởi vậy, hầu như không có lựa chọn nào khác trong việc lựa chọn và trao thầu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ đầu tư dự án phải chấp nhận trao thầu với giá cao hơn nhiều so với giá gói thầu được phê duyệt. Việc sử dụng tư vấn của nước cho vay tham gia quá trình đánh giá và trao thầu cũng làm hạn chế tính khách quan trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Vấn đề đáng chú ý nữa là nguồn gốc, xuất xứ của các hàng hóa, vật liệu trong quá trình thi công thường bị thay đổi so với hồ sơ dự thầu, gây ra những bất lợi đáng kể cho bên vay về cả chi phí và chất lượng công trình.
Hơn nữa, việc xác định tỷ giá chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ (theo hiệp định vay) trong quá trình rút vốn, giải ngân vốn vay bằng đồng Việt Nam hoàn toàn do ngân hàng phục vụ ấn định. Trong khi đó, ngân hàng thường có xu hướng ấn định tỷ giá chuyển đổi có lợi cho mình, dẫn tới số ngoại tệ vay bị tăng lên.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án ODA, đại diện KTNN chuyên ngành IV cho rằng, cần phải bố trí đủ thời gian, lựa chọn nhân lực có trình độ tiếng Anh, chuyên môn tốt, có kinh nghiệm, hiểu biết về dự án ODA thực hiện việc khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán và tham gia các đoàn kiểm toán dự án ODA nhằm đánh giá rõ hệ thống kiểm soát nội bộ, rủi ro kiểm toán, qua đó xác định đúng trọng tâm kiểm toán phù hợp, tránh dàn trải nguồn lực vào thực hiện các nội dung rủi ro thấp.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, KTNN chuyên ngành IV nhấn mạnh, trong phương pháp kiểm toán nên đề cao kiểm toán tuân thủ, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ. Muốn vậy, Kiểm toán viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu có liên quan trực tiếp đến dự án; lựa chọn phương pháp kiểm toán phù hợp, trong đó cần chú trọng kiểm toán tuân thủ như tuân thủ theo quy định hợp đồng, theo chỉ dẫn kỹ thuật quy định đối với nghiệm thu thanh toán... Ngoài ra, cần tập trung kiểm toán sự cần thiết đầu tư để xác định quy mô của dự án, cũng như phương án công nghệ áp dụng cho dự án để có kiến nghị cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh giá lại hệ thống kiểm soát nội bộ và quản trị của Ban Quản lý dự án cũng như của Nhà thầu trong công tác thực hiện dự án, đặc biệt là giai đoạn nghiệm thu, thanh toán; tăng cường công tác kiểm định chất lượng công trình nhằm đảm bảo có đủ điều kiện đánh giá chất lượng thi công công trình.
Đồng thời, KTNN cần tăng cường công tác đào tạo tính chuyên nghiệp, trình độ và kỹ năng đối với đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước, nhất là đối với các đơn vị thực hiện kiểm toán nhiều dự án ODA; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm hỗ trợ tính toán, quản lý tiến độ… trong công tác kiểm toán.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018