Nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng công trình

(BKTO) - Đó là chủ đề cuộc Tọa đàm do KTNN chuyên ngành IV chủ trì mới diễn ra tại Hà Nội. Đại diện một số đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực đã thảo luận về những vấn đề còn băn khoăn, những thách thức đối với hoạt động kiểm toán, việc phân bổ nhân sự trong Đoàn kiểm toán và đề xuất một số giải nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án.



Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nêu rõ: việc kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng công trình là một trong những nội dung rất quan trọng trong Kế hoạch kiểm toán năm 2018 nhằm đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội và lãnh đạo KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Ngay từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán phải tìm được trọng tâm và những bất cập cần đi sâu kiểm toán bởi việc này góp phần quan trọng để cuộc kiểm toán đạt chất lượng tốt. Đồng thời, yêu cầu thảo luận về việc bố trí, sắp xếp nhân sự trong Đoàn kiểm toán để đội ngũ Kiểm toán viên có chuyên ngành kế toán - tài chính và đội ngũ Kiểm toán viên có chuyên môn về kỹ thuật cùng phát huy tối đa thế mạnh.

Nhiều vấn đề còn băn khoăn

Thực hiện yêu cầu này của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại diện KTNN chuyên ngành II đã trình bày tham luận với chủ đề “Cơ chế quản lý dự án đầu tư BOT, BT đối với các dự án giao thông và những thách thức đặt ra”; KTNN khu vực I tham luận về “Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư xây dựng được đầu tư từ nguồn vốn NSNN” và KTNN khu vực XI có bài tham luận “Sự cần thiết, ý nghĩa và tác dụng của kiểm toán hợp đồng xây dựng và giá trị hợp đồng còn lại trong công tác kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình”; KTNN chuyên ngành V trình bày tham luận về “Kiểm toán các dự án có sử dụng vốn ODA, thực trạng kiểm toán và những vấn đề đặt ra”.
Tại buổi tọa đàm, các đơn vị kiểm toán chuyên ngành và khu vực đã trình bày và thảo luận về một số vướng mắc khi kiểm toán phương án tài chính của các dự án, về tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay, về lợi nhuận của nhà đầu tư, về vấn đề tỷ giá, về kiểm toán trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, sử dụng và điều chỉnh tổng mức đầu tư…

Đại diện KTNN chuyên ngành V nêu ra thực trạng các dự án (đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA) thường có giá trị lớn tới vài nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ hiện đại và được quản lý một cách chuyên nghiệp. Khi kiểm toán, các Đoàn kiểm toán gặp nhiều thách thức không nhỏ trong việc thẩm định những công nghệ mới, tân tiến như: công nghệ khai thác, lọc dầu, hay kỹ thuật xây cầu dây văng… Liên quan đến vấn đề kiểm toán các dự án BOT giao thông, đại diện KTNN chuyên ngành IV cho rằng, việc KTNN yêu cầu mỗi cuộc kiểm toán đều phải tổ chức đếm lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí từ 5 - 7 ngày sẽ gặp nhiều khó khăn.

Lý do là mỗi trạm thu phí bé nhất cũng có 3 làn xe mỗi bên, Đoàn kiểm toán khó có đủ nhân lực để tổ chức đếm lưu lượng xe qua trạm. Do vậy, có nên coi việc đó là trọng tâm của cuộc kiểm toán hay không?

Về vấn đề bố trí, sắp xếp nhân sự trong Đoàn kiểm toán, đại diện các đơn vị kiểm toán cho rằng việc phân chia nhiệm vụ cho các Kiểm toán viên theo chuyên ngành được đào tạo cần phải cân đối, hài hòa. Trên thực tế nhiều Kiểm toán viên có chuyên môn về kỹ thuật nhưng hiệu quả kiểm toán dự án đầu tư vẫn thấp và đa số các phát hiện về cơ chế, chính sách là do Kiểm toán viên có chuyên ngành tài chính phát hiện.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Vụ Tổng hợp đã gợi mở công tác kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình cần tập trung một số vấn đề như: Việc ngân hàng cho vay đối với các dự án BOT; việc bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay về cho vay lại; so sánh hiệu quả của việc vay vốn ODA và vay vốn Trái phiếu chính phủ để đầu tư…

Nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra hiện trường

KTNN khu vực I đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án. Theo đó, Kiểm toán viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý và hồ sơ chất lượng của dự án, thực hiện kiểm tra, đối chiếu, so sánh thông tin giữa các tài liệu của quá trình thực hiện dự án nhằm phát hiện các bất cập, mâu thuẫn, sai phạm trong việc quản lý, thực hiện dự án.

Đoàn kiểm toán cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản mềm thiết kế và dự toán để hỗ trợ cho việc kiểm tra, tính toán của Kiểm toán viên; nghiên cứu, tổ chức kiểm tra hiện trường, đối chiếu bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công, thực tế thi công và hồ sơ nghiệm thu thanh toán; thu thập các văn bản về chế độ chính sách qua các thời kỳ có liên quan đến dự án, đối chiếu với việc áp dụng của chủ đầu tư trong từng giai đoạn, từng khâu thực hiện dự án.

Ngoài ra, cần kiểm tra các điều khoản của hợp đồng ký giữa chủ đầu tư với đơn vị thực hiện, bởi đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với đơn vị thực hiện gói thầu, hạng mục, công trình, dự án và các hồ sơ pháp lý khác có liên quan. Trong đó, cần lưu ý kiểm toán việc điều chỉnh các phụ lục hợp đồng, nhất là các nội dung thực hiện điều chỉnh giá.

Trong quá trình kiểm toán, nếu bố trí được nhân lực và thời gian thì cần kiểm tra bản tính kết cấu chịu lực, xem xét sự tuân thủ yêu cầu về quy trình, tiêu chuẩn, từ đó đánh giá mức độ an toàn của hạng mục, công trình. Đây còn là một trong các yếu tố có thể sử dụng để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án. Trường hợp không kiểm toán các nội dung này thì Đoàn nên giới hạn trong biên bản kiểm toán để tránh rủi ro cho cơ quan kiểm toán.

Qua đó, cơ quan kiểm toán cần đánh giá và kiến nghị các cơ quan quản lý dừng việc phê duyệt quyết định khởi công mới các dự án chưa thực sự cấp bách và chưa hoàn thành xử lý nợ xây dựng cơ bản; khi thẩm định, phê duyệt dự án cơ quan chịu trách nhiệm phải xác định cụ thể từng nguồn vốn và kế hoạch bố trí vốn...

Kết luận cuộc Tọa đàm, ông Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - cho biết, những ý kiến trao đổi tại Tọa đàm là những kinh nghiệm có giá trị và gợi mở nhiều vấn đề mới, đơn vị sẽ nghiên cứu để cụ thể hóa Kế hoạch kiểm toán năm 2018 và những năm tiếp theo.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số06 ra ngày 08-02-2018
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng công trình